Thuở nhỏ, tôi vẫn được bố mẹ và cô giáo dặn dò mỗi ngày, rằng khi ra đường, về nhà hay đi bất cứ đâu, hễ gặp ai thì phải chào hỏi vui vẻ, kể cả người lạ. Bọn trẻ chúng tôi đã làm “răm rắp” như vậy và thường được khen là ngoan ngoãn, lễ phép, và chẳng có gì lạ khi trên đường từ mẫu giáo về nhà, gặp bất cứ ai lũ trẻ bọn tôi cũng khoanh tay chào râm ran. Rồi nếu có bạn nào không làm như vậy, thế nào hôm sau cũng bị “mách” cô là “không ngoan”.
Nhưng ấy là chuyện trong làng lối xóm ngày bé, còn bây giờ, dù có muốn chăng nữa tôi cũng không thể bắt con mình gặp ai cũng phải chào, phải tỏ ra thân thiện như vậy được, vì thế giới của chúng rộng lớn hơn và cũng phức tạp hơn rất nhiều.
Lễ phép, thân thiện là tốt, và chẳng ai không yêu quý một đứa trẻ như vậy. Thế nhưng, có lẽ mẹ sẽ giật mình và dè chừng hơn, cũng như nhìn nhận lại việc dạy con nên tiếp xúc với người khác như thế nào. Bởi xã hội hiện tại đã khác xưa nhiều rồi, xung quanh con không chỉ có người thân, người quen, bạn bè,… mà còn rất nhiều kẻ xấu nữa. Mẹ còn nhớ câu chuyện bé Nguyễn Thanh Hằng bị bắt cóc ngay tại một xã thuộc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội vừa qua không? Và rất nhiều những vụ bắt cóc, hãm hại trẻ nhỏ đã xảy ra nữa. Và, nếu con cứ tỏ ra ngoan ngoãn, thân thiện với những kẻ xấu đó thì sẽ thật tai hại biết bao, bởi chúng càng có thêm cơ hội để làm hại các con. Vì vậy…
Con không nhất thiết phải chào tất cả mọi người
Rất nhiều bé, hoàn toàn không hiểu tại sao phải chào hỏi, chúng chỉ biết là khi gặp ai đó, bố mẹ bảo chào là làm theo thôi. Sau đó, khi chào, chúng sẽ được khen rằng ngoan, rằng giỏi. Còn lý do tại sao nên chào hỏi người khác và chào như thế nào, các con không hề biết.
Cũng có rất nhiều bố mẹ vội vàng trách mắng con, thậm chí ngay trước mặt người khác khi bé không chịu chào hỏi. Thế nhưng, điều đó thật không tốt chút nào. Bởi bố mẹ nên dành thời gian để giúp con hiểu ý nghĩa của việc chào hỏi người khác, rằng chào hỏi là giúp mối quan hệ thân thiết hơn, khiến người được chào cảm thấy rất vui vẻ và dễ chịu; chào hỏi cũng chứng tỏ con là một đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép… Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà mẹ cần nhấn mạnh với bé, đó là không nên tỏ ra thân thiện như thế với-bất-cứ-ai. Con có thể chào những người con quen biết, hoặc những người bố mẹ quen biết, còn với những người lạ mặt ở ngoài, con luôn phải có thái độ cảnh giác, dè chừng. Bố mẹ nên giúp con hiểu rằng, không phải cứ người lạ mặt là xấu nhưng cũng không nên thân mật với những người mà con và bố mẹ không hề quen biết, vì con có thể gặp những nguy cơ như bị bắt cóc hoặc kẻ xấu lợi dụng, làm hại.
Chào hỏi ở mức độ nào?
Khi thế giới của trẻ không còn đơn giản như bây giờ thì những quy tắc về lễ nghĩa – dù rất đúng, rất nhân văn, chẳng hạn như chuyện chào hỏi cũng không thể áp dụng “mọi lúc mọi nơi” được. Tất nhiên, bé vẫn cần được dạy điều này ngay từ nhỏ, chỉ là cần phải “kĩ càng” hơn mà thôi. Bởi không chỉ người lạ, đôi khi có những trường hợp trẻ nhỏ bị chính người quen biết xâm hại. Thế nên, cần chỉ cho bé biết được nên lễ phép, thân thiện với ai, và cảnh giác với những người như thế nào. Đừng bao giờ chủ quan, lơ là, hay vì để được người khác khen con mình ngoan ngoãn, đáng yêu mà “bắt” con chào hỏi bất cứ ai như bố mẹ khi còn nhỏ. Điều này có thể khiến con gặp những nguy hiểm khó lường.
Trở lại câu chuyện bị bắt cóc của cháu Hằng, rõ ràng, ở đây người lớn có phần lơ là đã đành, nhưng “thiếu sót” đáng trách hơn là các bậc phụ huynh trước đó đã không dạy cho bé cách để tự vệ trước người lạ. Vì thế, khi người phụ nữ kia dụ bé đi mua kẹo, mua kem,… thì hiển nhiên một đứa trẻ 3 – 4 tuổi như vậy sẽ tỏ ra háo hức thay vì có ý thức phải đề phòng, cảnh giác.Vậy đấy, việc cảnh giác với người lạ nên lắm chứ, nhất là khi cuộc sống càng ngày càng phức tạp như bây giờ.
Lam Giang
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.