Được giới thiệu như một sản phẩm đa chức năng, dầu cá omega-3 đã trở nên phổ biến, dành cho mọi lứa tuổi. Rất nhiều trẻ em, người lớn, người già tự mua để uống mỗi ngày với niềm tin sẽ phòng tránh và giải quyết được hàng loạt các bệnh, từ mắt, thần kinh, tim mạch đến dị ứng, hen suyễn, viêm khớp, vảy nến… thế nhưng, hết thảy các bác sĩ đều cảnh báo “việc tự ý bổ sung dầu cá có thể mang hại vào thân”.
Dầu cá như thần dược?
Tại một hiệu thuốc trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM nhân viên bán hàng cho biết có khoảng gần 10 loại dầu cá khác nhau, nhập khẩu từ Úc, Mỹ, Trung Quốc và hàng trong nước. Tất cả đều ở dạng viên nang, chứa dầu ở bên trong, đóng thành vỉ hoặc hộp nhựa. Đa số các sản phẩm có giá dao động từ 1.200-1.500đ/viên; hàng nội giá mềm hơn, dưới 1.000đ/ viên; một vài loại nhập từ Úc, Mỹ giá lên đến trên 12.000đ/viên.
“Giúp phát triển hệ thần kinh, cải thiện trí não; tăng cường thị lực, giúp mắt sáng khỏe; bảo vệ tim mạch; điều trị rối loạn cương dương, u xơ tuyến tiền liệt; bảo vệ gan; cho làn da đẹp mượt mà; hỗ trợ điều trị các bệnh: dị ứng, hen suyễn, viêm khớp, vảy nến, nhiễm trùng da, nấm da…” – đó là hàng loạt tác dụng được quảng cáo cho viên dầu cá.
Đến nay, đã có nhiều nghiên cứu đề cập đến một số lợi ích về sức khỏe của thành phần acid béo omega-3 trong dầu cá. Theo TS-BS Lâm Vĩnh Niên, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, omega-3 có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và cải thiện cholesterol máu.
Nên bổ sung omega-3 từ bữa ăn
Từ những lý do trên, dầu cá đã trở thành một hình thức bổ sung thực phẩm khá phổ biến. Tuy nhiên liều cao omega-3 cũng có thể đưa đến tác dụng không mong muốn như nguy cơ chảy máu, tăng cholesterol xấu (LDL cholesterol), rối loạn kiểm soát đường huyết, hơi thở có mùi cá. Bên cạnh đó, một số loại cá nhiều dầu có nguy cơ nhiễm thủy ngân cao. Thủy ngân là chất độc đối với cơ thể người, gây thoái hóa tế bào thần kinh và độc tính đối với bào thai.
Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) quy định rằng, việc sử dụng các acid béo omega-3 ở dạng thực phẩm bổ sung là an toàn khi lượng đưa vào cơ thể không quá 3g mỗi ngày (kể cả từ thức ăn và sản phẩm bổ sung).
Tuy nhiên, có một số bệnh lý cần thận trọng khi dùng dầu cá, chẳng hạn như ở người có rối loạn nhịp tim, hen, viêm ruột, bệnh gan, ung thư đại tràng… Vì vậy, nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi bổ sung dầu cá.
Dầu cá chứa hai loại acid béo omega-3 là acid docosahexaenoic (DHA) và acid eicosapentaenoic (EPA). Một số loại hạt và dầu thực vật có chứa acid alpha-linolenic (ALA) có thể chuyển thành DHA và EPA trong cơ thể.
Hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo người lớn khỏe mạnh ăn cá ít nhất hai lần mỗi tuần, đặc biệt là loại cá có dầu như cá da trơn (cá hồi, cá ngừ, cá tuyết…). Các nguồn thức ăn thực vật như đậu hủ, cải dầu giàu ALA cũng được khuyến cáo. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị nhu cầu hằng ngày đối với EPA và DHA là 0,3-0,5g và đối với ALA là 0,8-1,1g. Chế độ ăn phong phú và có chú ý đến thực phẩm giàu omega-3 là đủ đáp ứng nhu cầu omega-3 hằng ngày.
Liều bổ sung omega-3 thông thường là 1g/ngày nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, cơ thể chúng ta cũng vẫn hưởng lợi từ việc ăn cá hơn là chỉ uống viên bổ sung. BS Trần Thanh Hùng, Bộ môn Thần kinh, ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy dầu cá omega-3 có tác dụng bổ não, bổ thần kinh, tăng cường trí nhớ hay giảm căng thẳng.
BS Võ Chinh Nga, BV Mắt TP.HCM cũng khuyến cáo: Dù trong dầu cá omega-3 có chứa tiền tố vitamin A, tốt cho mắt, nhưng người dùng cũng không cần thiết phải bổ sung theo đường uống. Vitamin A có trong nhiều loại thực phẩm. Chỉ cần ăn uống đầy đủ chất, nhiều rau xanh, trái cây mỗi ngày là đủ lượng vitamin A cần thiết cho cơ thể.