Ép con khi trẻ biếng ăn…thói quen sai lầm của nhiều phụ huynh

Ép con khi trẻ biếng ăn...thói quen sai lầm của nhiều phụ huynh
Con kém ăn là điều lo lắng thường trực của phụ huynh. Bản thân mỗi phụ huynh luôn muốn con ăn nhiều, lớn nhanh nhưng vì sự so sánh với con cái của những người khác mà ép con ăn nhiều, đến mức có khi trẻ không thể ăn nổi vẫn cố gắng ép bằng được. Có những ngày trẻ mệt mỏi không ăn được nhiều sẽ làm cho quá trình hấp thu bị ảnh hưởng.
Chị Trang (Hà Nội) có cậu con trai 1 tuổi rất lười ăn. Mỗi tối đi làm về, hai vợ chồng chỉ muốn nghỉ ngơi thì phải dành 2-3 tiếng để cho con trai ăn cơm, uống sữa. Có những hôm trời nắng còn đỡ, trời rét cũng phải đưa con đi hết nhà này nhà khác để hết được bát cơm. Theo lời chị Trang, không chỉ ăn ít mà con trai chị còn ăn rất chậm, mỗi khi ăn ngậm cả tiếng đồng hồ. 
Ép con khi trẻ biếng ăn...thói quen sai lầm của nhiều phụ huynh
“Tôi không ngờ nuôi con mà vất vả như này. Trước ai cũng bảo nuôi con ngốn thời gian của cha mẹ nhưng mỗi lần cho con ăn gần như là cực hình đối với tôi. Thậm chí, có những hôm con ốm, ăn uống lại càng khổ sở. Con ăn 1 miếng cơm, bố mẹ chạy theo cả vòng ngõ. Mệt không nói hết”, chị Trang nói.
Còn anh Thứ (Quận 7, Tp.HCM) cũng đau đầu với chuyện biếng ăn của con nhiều năm nay. Không chỉ có một mà cả hai đứa con của anh đều lắc đầu khi đến bữa ăn. Hôm nào có bố mẹ ở nhà, cả hai đứa còn chịu ăn uống được 1-2 bát cơm, nếu ở nhà giúp việc thì bữa đực bữa cái vì lười ăn đến mức không ai khuyên răn được.
Theo lời anh Thứ, nguyên nhân của việc biếng ăn là do một thời gian dài là trước đây vợ chồng vẫn cho con ăn vặt quá nhiều trước bữa ăn. Điều này về lâu dài tạo cảm giác no bụng giả tạo do đồ ăn, nước ngọt gây ra. Từ đó thói quen của trẻ đều ăn quà bánh sau giờ đi học về, đến bữa cơm chỉ ngúng nguẩy mà không chịu ăn thức ăn hay cơm như mong muốn của bố mẹ.
Đừng ép con ăn
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ dinh dưỡng Lê Nga cho hay, chuyện biếng ăn ở trẻ luôn là chủ đề giữa các bà mẹ và cũng là thắc mắc của phụ huynh với bác sĩ. Khi nhận thấy trẻ biếng ăn, đừng vội ép con hàng ngày như nhiều phụ huynh đang làm. Việc ép không những không phát huy hiệu quả mà còn làm cho dạ dày, hệ tiêu hóa cũng như khả năng hấp thu của trẻ ngày càng giảm sút.
“Đầu tiên, phụ huynh dừng lại việc ép con ăn mà đưa con đi đến bác sĩ dinh dưỡng để khám các chức năng của cơ thể nhằm phát hiện có bất thường gì không. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên bỏ tâm lý so sánh giữa con mình với con của bạn bè hay hàng xóm. Mỗi đứa trẻ có một cơ địa khác nhau, đừng ép con mình ăn theo chuẩn chung với con hàng xóm”, bác sĩ Lê Nga nói.
Để giúp con hết biếng ăn, phụ huynh phải lưu ý đến món ăn trong bữa ăn. Theo dõi chế độ ăn của trẻ, thái độ ăn của bé để phát hiện món ăn nào mà trẻ thích nhất, món ăn nào trẻ lười ăn. Phải thường xuyên làm phong phú bữa ăn của trẻ bằng cách học thêm cách làm các món mới. Sự sáng tạo đó giúp khẩu vị của bé được thay đổi, bé háo hức để thưởng thức những món ăn mới.
“Có nhiều phụ huynh thấy con thích ăn món nào lại nấu thường xuyên món đó. Điều này cũng không phải là nên làm vì ăn mãi một món cũng sẽ chán và ngấy. Việc bổ sung đa dạng món ăn sẽ giúp cho trẻ có thể hấp thu nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể“, bác sĩ nói.
Thành phần quan trọng ảnh hưởng đến việc ăn của cơ thể là kẽm. Kẽm tham gia vào nhiều quá trình trong đó có phản ứng sinh học với enzym tiêu hóa. Thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến chuyển hóa tế bào vị giác, từ đó giảm bớt cảm giác ngon miệng, nghiêm trọng hơn là rối loạn vị giác.
Đối với những trẻ biếng ăn thì cha mẹ cần lên một thời gian biểu các bữa ăn cho trẻ. Từng giờ, từng món ăn phải cố định. Khi tới bữa, cần cho trẻ ăn đừng thấy trẻ biếng ăn mà quên một bữa nào đó. Đây là thói quen để “nhắc” trẻ ăn uống đúng giờ, nề nếp. Mặc khác, một trẻ đã lười ăn thì nhìn vào bát cơm hay bát bột to, đầy sẽ càng sợ. Nếu trẻ biết nói, trong trường hợp này chúng thường “mặc cả” để ăn giảm.
Thanh Thủy

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.