Là chuyện bàn mãi vẫn không có hồi kết và cuối cùng, cũng không ai có thể, hay đúng hơn là không ai có khả năng phân biệt hay định nghĩa được đâu là “gái hư” và thế nào mới là “gái ngoan”. Tiếng Việt mình có từ hay lắm, đó là từ “khôn ngoan”. Chính xác! Có “khôn” thì mới biết cách để “ngoan”, mà phàm, những nàng khôn, lại chẳng ngoan tí nào.
Tôi xin tự thú: Tôi không ngoan!
Tôi gọi những cô nàng “gái hư” có “chất” ấy là Cáo
Thường sẽ có “gái ngoan” và “gái hư” đúng không? và bất kỳ cô gái nào khi không tự dưng bị gắn mác “gái hư” thì sẽ vô cùng bức bối, bực bội, ức chế dù sự thật, cô ấy có đầy đủ biểu hiện và sở thích của một nàng “gái hư” chính hiệu. Nhưng bản chất của những điều tưởng – chừng – như – hư ấy, thật sự vô cùng ấn tượng và đầy quyến rũ. Tôi gọi những cô nàng “gái hư” có “chất” ấy là Cáo (từ này của báo 2! hay dùng cho những nàng cá tính và nguy hiểm này, tôi mượn tạm thôi) Thế này nhé, sẽ có vài trường hợp như sau:
1. Uống rượu (bia hay hàng loạt các thể loại có cồn)
_Gái ngoan: Ôi, em không biết uống đâu, rượu bia có hại lắm!
_Gái hư: Uống bạt mạng không cần biết là đang ngồi với ai và ngồi ở đâu, uống xong say xỉn bét nhè mất hết nết na!
_Cáo: Biết uống, cũng có lúc uống bạt mạng, cũng có lúc không quan tâm ngồi với ai và ngồi ở đâu. Nhưng luôn biết điểm dừng để còn tự lo thân!
2. Hút thuốc:
_Gái ngoan: Không biết hút! Ôi, chỉ có mấy đứa ăn chơi mới hút, em không thích người nào hút thuốc đâu!
_Gái hư: Không biết hút + biết hút (nhưng đa số toàn tỏ ra là biết), không thích vẫn cứ hút. Phà thuốc vô tội vạ và dùng thuốc như một tấm bằng công nhận dân chơi.
_Cáo: Không biết hút + biết hút: Không biết thì là không biết, không có nhu cầu thử. Biết hút thì hút, dùng thuốc như một sở thích, đôi khi như một liệu pháp tinh thần. Nàng nào khéo léo thì sẽ biết khi nào nên nhả khói và sẽ nhả với ai!
3. Đi bar
_Gái ngoan: Không đặt chân đến, nhìn bar như…Lầu Xanh thế kỷ mới.
_Gái hư: Vào bar mỗi đêm (hoặc vài đêm một tuần, tùy vào ngân sách và sức khỏe). Ăn mặc lố lăng, la hét ỏm tỏi, gặp trai là sà vào bất chấp trai thuộc loại nào. Chơi bất kể ngày đêm! Xem bar như ngôi nhà thứ hai.
_Cáo: (có thể) Cũng vào bar mỗi đêm (hoặc vài đêm một tuần, tùy vào ngân sách và sức khỏe). Mặc đẹp, chịu chơi, và chơi rất văn minh (đôi lúc cũng ngó nghiêng nhưng rất khéo léo và tế nhị). Đa số vào bar với hội bạn, chơi vừa đủ và ra về! tiền bạc tự trả. Bar chỉ là chốn giải trí!
4. Tình một đêm
_Gái ngoan: Chưa bao giờ nghe tới, hoặc vừa nghe đã đỏ mặt chực khóc đến nơi. Gặp bạn nào ngoan quá mức cho phép thì xem đây chẳng khác gì sự xúc phạm nặng nề. Tất nhiên, đừng mong nàng ấy đồng ý, trừ khi chụp thuốc mê!
_Gái hư: Xem như chuyện bình thường, không cần biết hậu quả và xem đó như “chiến tích”.
_Cáo: Tất nhiên, cũng xem như chuyện bình thường nhưng biết chọn đối tượng. Tức là, biết ai có thể tin tưởng và quan trọng nhất: Biết cách từ chối!
5. Xăm mình
_Gái ngoan: Nhìn những đứa xăm như quái vật ngoài hành tinh và nghĩ “hình xăm” là biểu tượng của dân chơi, dân “anh chị” (thế nên đừng mong các nàng đi xăm).
_Gái hư: Xăm theo phong trào, xăm để chứng tỏ, hình xăm vô nghĩa!
_Cáo: Quyết định đi xăm sẽ rất đắn đo, có nàng suy nghĩ mất cả mấy năm. Mỗi hình xăm đều có một ý nghĩa đặc biệt. Hoặc – Không xăm vì không thích!
Vài ví dụ đơn cử để thấy rằng, ranh giới để phân định “hư” – “ngoan” thì rất rõ rệt nhưng ngoan thật hay hư thật lại rất mong manh. Gái hư thì thôi không cần bàn đến nhé! Tôi chỉ muốn nói đến “gái ngoan” và “gái cáo” thôi.
Tôi không xem thường các cô gái ngoan, ngược lại còn thấy các cô gái ấy rất đáng trân trọng. Trong xã hội nhiễu nhương ngày nay, giữ được mình theo đúng truyền thống mẫu mực thì có phải, các cô gái ấy rất hiếm hoi và đáng quý không? Những nàng cá tính một chút hay chun mũi chê ỏng eo các cô gái ngoan là “gái nhạt”, chẳng có gì hấp dẫn, nhưng với đại đa số con người thì vẫn luôn dành cho các cô gái ngoan nhiều cảm tình nhất.
Tôi có một người bạn, cô này đúng chuẩn gái ngoan. Hiền lành, không ăn chơi, không tụ tập, không chưng diện. Cuộc sống của cô bạn tôi có phần tẻ nhạt. Đó là tôi nghĩ thế, nhưng với cô ấy, cuộc sống như thế mới là cuộc sống cô ấy mong ước. Không sân si, không tranh giành, yên bình và nhẹ nhàng. Cho đến một ngày, cô ấy phát hiện người yêu mình ngoại tình và liên tục hỏi tôi trong nước mắt “Chị đã làm gì sai?”, tôi đành bấm bụng trả lời “Vì chị ngoan quá…”. Một thời gian sau gặp lại, tôi suýt ngất khi cô ấy xuất hiện trước mặt tôi với tóc nhuộm vàng chói, gương mặt trang điểm sắc sảo, quần áo thì không khác gì mấy em teen teen ngoài phố. Càng sốc hơn khi cô ấy rủ tôi đi bar chứ không phải là sang nhà chị như ngày xưa. Tôi thấy ân hận khi ngày trước đã bảo cô ấy rằng người yêu cô ấy ngoại tình là vì cô ấy ngoan quá! Cô ấy thay đổi, nhưng không phải là cô ấy. Cô ấy thay đổi, nhưng gã người yêu vẫn không quay về! Từ đó suy ra, anh ta ngoại tình là do anh ta là một kẻ trăng hoa và xấu xa, chứ không phải do cô ấy quá ngoan. “Ngoan” là bản chất của cô ấy, thay đổi nó đi, cô ấy không còn gì hấp dẫn nữa cả. Người ta chỉ đầy sức quyến rũ khi được là chính mình! Với sự tự tin và kiêu hãnh hoàn toàn về bản thân! Ngay lúc ấy, tôi chỉ muốn hát tặng cô ấy câu “Em cứ hiền, cứ thơ ngây giùm tôi…”
Tôi thường thích những nàng “cáo” hơn. Vừa đủ tinh tế, vừa đủ khôn khéo, vừa đủ tinh ranh để hóa thân thành một “gái ngoan” chính hiệu. Thậm chí nhiều lúc, còn ngoan hơn cả gái ngoan!
Việc biến những “thói hư tật xấu” trở thành nét riêng và là sức quyến rũ của riêng mình thì chỉ có “nàng cáo” mới đủ khả năng làm được.
Uống rượu, hút thuốc, xăm mình, nhảy nhót, tự do tự tại, tự quyết, yêu cuồng nhiệt, đau tột cùng, ngông cuồng, bất chấp, vân vân và vân vân…là thứ mà cả “gái hư” và “nàng cáo” đều có. Nhưng việc biến những “thói hư tật xấu” trở thành nét riêng và là sức quyến rũ của riêng mình thì chỉ có “nàng cáo” mới đủ khả năng làm được. Điều này cần đến mọi kỹ năng cuộc sống đấy!
Vì sao ư, bạn thử nghĩ xem, để mời một anh chàng nào đó trong bar một ly rượu và để chàng không nhìn bạn như một đứa con gái rẻ tiền thì bạn phải vận dụng kỹ năng giao tiếp, ứng xử khéo léo của mình đúng không? Hay như khi bạn quyết định “tình một đêm” với một gã nào đó, có phải bạn phải sử dụng hết một mớ nơ-ron thần kinh và bắt chúng hoạt động hết công suất trong thời gian siêu ngắn để có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất không? Hay như khi bạn quyết định châm thuốc, có phải bạn cũng đã suy nghĩ rất nhanh lý do mình cần được rít khói đúng không? Tất cả những điều ấy không thể tự nhiên mà có được. Sự khéo léo, tinh tế, sự am hiểu, kiến thức là những thứ phải được trang bị và học hỏi mỗi ngày để giúp bạn trưởng thành hơn và không để những “thói hư tật xấu” ấy lôi bạn xuống vực. Để biết được đâu là điểm dừng, hẳn bạn cũng phải biết nếu vượt qua điểm dừng đó thì hậu quả sẽ tồi tệ như thế nào và bạn – nếu không hiểu và không biết rõ về “điểm dừng” thì khoảng cách đi đến với “gái hư” chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tôi thích những “nàng cáo” ở chỗ, nàng “giả ngoan” rất giỏi. Nàng có thể vừa hôm trước nhảy nhót tưng bừng trong bar với hội bạn thân, hôm sau đã là một nàng nội trợ cắm cúi trong bếp để chuẩn bị một bữa tối lãng mạn cho người yêu. Hoặc đêm hôm trước, nàng thực sự là một ả giết người không dao trên giường với nhân tình bằng đủ trò hấp dẫn thì đúng 9h sáng hôm sau, nàng lại rất chỉn chu và đầy bản lĩnh trong cuộc họp tại công ty. Vấn đề không phải nàng cố tình “giả” để dụ dỗ ai cả đâu, mà là vì các “nàng cáo” biết được mình muốn gì và mình có thể làm được gì. Cái muốn ở đây, đôi khi đơn giản chỉ là muốn làm người yêu thấy hạnh phúc hơn với bữa cơm chỉn chu do chính tay nàng nấu (nhớ nhé, không chàng trai nào muốn bạn gái mình mà sau này có thể là vợ suốt ngày bắt chàng dắt đi ăn tiệm đâu), hoặc đó là cái muốn cho công việc thành công, hoặc sâu xa và giản dị hơn, nàng muốn chính nàng được hạnh phúc!
Biết ngoan, hư đúng lúc để bản thân mình và người đối diện hạnh phúc, thì là cái ngoan, cái hư phải học và phải được làm từ tâm, hay nói cách khác,”nàng cáo” là một nàng phải có cả hai bản chất, cả “ngoan” lẫn “hư” để mà biết cách trộn hai thứ ấy vào nhau, rồi từ đó tạo dựng nên một tính cách, một bản chất thật của riêng mình. Đấy mới gọi là “khôn ngoan”!
Nói về “gái ngoan”, “gái hư” thì có nói đến 800 năm nữa cũng vẫn còn tranh cãi. Sẽ có trăm ngàn tình huống để người đời phân định bạn “hư” hay “ngoan”, bạn sẽ không thể tự thanh minh cho mình, càng không thể sống theo ý người khác. Nếu không ngửi được “gái hư” thì đừng cố bắt chước học đòi theo, nếu không thực sự là “gái ngoan” thì cũng đừng cố gồng mình mà rèn mình vào khuôn phép. “Cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”. Với tôi, để hiểu được bản thân mình là ai và hiểu được cuộc sống này cần gì, thì cần phải học và trui rèn, tất nhiên quan trọng nhất vẫn hãy cứ là chính mình. Từ cái sẵn có ấy, học hỏi, tích lũy thật nhiều vào, hoàn thiện mình thật tốt thì sẽ đến một ngày bản chất của “nàng cáo” sẽ nằm trong chính con người bạn (ý tôi là nếu bạn thích “nàng cáo” ).
Nhớ nhé, có “khôn” thì mới “ngoan”, và hãy là một cô gái thật “khôn ngoan” !
Misami (Theo GDVN)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.