Từ chối làm việc với luật sư
LS Đỗ Hải Bình (Đoàn LS TP.HCM, LS được TAND cấp cao tại TP HCM chỉ định bảo vệ quyền lợi cho Nguyễn Hải Dương ở phiên tòa phúc thẩm sắp tới), một lần nữa, xác nhận với chúng tôi, Nguyễn Hải Dương đã làm đơn xin sớm được thi hành án tử hình gửi cho cơ quan công an vào sáng 30.3.
LS Bình tâm sự, hiện giờ tinh thần của Dương bất ổn; đầu cạo trọc, ốm đi nhiều so với hồi phiên tòa sơ thẩm. Dường như Dương chỉ muốn sớm chết để được giải thoát.
Hằng tuần, ba mẹ đều đăng ký vào trạm thăm Dương. “Dương nói ba mẹ vất vả, chạy lên chạy xuống trại giam thấy mất thời gian quá, tốn tiền quà cáp, nên em làm đơn xin được sớm thi hành án tử hình gửi công an rồi”, LS Bình kể lại.
“Con kiến còn muốn sống huống chi con người. Cha mẹ tuần nào cũng chạy đường xa chỉ mong gặp được con trai, còn Dương thì viết đơn xin được chết, không hiểu Dương suy nghĩ thế nào”, LS Bình buồn bã nói.
Theo LS Bình, hôm 30.3, ông vào trại lấy thêm thông tin về vụ án. Vừa vào khu vực trại giam gặp Dương, có khoảng 10 chiến sĩ công an vây quanh bảo vệ, giám sát. Tinh thần của Dương sa sút. Dương thốt lên không muốn nói gì thêm về vụ án này nữa. LS Bình chỉ có thể an ủi, động viên tinh thần của Dương rồi ra về.
‘Đơn xin chết’ không được xem xét
Ngay sau phiên tòa sơ thẩm (17.12.2015), tuyên án tử hình đối với Dương, Dương đã không hề có ý định kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và chỉ mong sớm được chết để không phải day dứt về tội lỗi của mình.
LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc thi hành án tử hình là việc tước bỏ quyền sống của người bị kết án tử hình về tội đặc biệt nghiêm trọng nhằm trừng trị người đó và giáo dục, phòng ngừa chung.
Theo Luật Thi hành án hình sự, việc thực thi án tử hình đối với một phạm nhân bị kết án tử hình thuộc về Hội đồng thi hành án tử hình được quyết định thành lập. Hội đồng thi hành án tử hình gồm đại diện TAND, Viện KSND và Cơ quan Quản lý thi hành án hình sự.
Hội đồng này được thành lập bởi vị Chánh án Toà án đã xử sơ thẩm vụ án này. Vị Chánh án này cũng là người ra quyết định thi hành án tử hình với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình theo điều 54, 55 Luật Thi hành án hình sự.
Trong vụ việc này, việc nộp đơn xin được thi hành án tử hình sớm của Dương sẽ không được toà án cấp phúc thẩm chấp nhận, vì việc thi hành án hình sự phải được thực hiện theo trình tự pháp luật.
Nguyễn Hải Dương xin được tử hình sớm ‘để không day dứt về tội lỗi’ Dương nói chỉ muốn sớm được chết để không phải day dứt về tội lỗi của mình và sợ ba mẹ khổ vì tuần nào cũng phải vào trại giam… |
Chưa kể trong thực tiễn, diễn biến phiên toà phúc thẩm có thể khác so với phiên sơ thẩm; các bị cáo có thể khai những tình tiết mới…. nên chưa thể lường trước được diễn biến xảy ra như thế nào trong phiên toà phúc thẩm tới đây.
Dù rằng, Dương không có kháng cáo mà chỉ có 2 bị cáo là Vũ Văn Tiến và Trần Đình Thoại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng trong phiên phúc thẩm sắp tới, Dương cũng phải có mặt vì Dương được xác định là chủ mưu vụ án này. Tòa không thể xét xử phúc thẩm nếu thiếu Dương; phải cho Dương đối chất làm rõ các tình tiết tại tòa với các bị cáo khác.
Ngoài ra, việc đơn xin được thi hành án sớm của Dương phải theo trình tự tố tụng thi hành án hình sự, tức là bản án phải có hiệu lực pháp luật. “Việc tử hình một con người phải xem xét kỹ lưỡng để tránh oan sai, nên đơn của Dương sẽ được xem xét nếu như Dương viết đơn sau khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra”, LS Quynh nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 17.12.2015, TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, ngụ An Giang) án tử hình, 8 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hình phạt là tử hình; Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ngụ Bình Phước) lãnh án tử hình về tội giết người, 7 tù vì tội cướp tài sản, tổng hình phạt là tử hình và Trần Đình Thoại (27 tuổi, ngụ Vĩnh Long, cùng tạm trú TP.HCM) bị tuyên 13 năm tù về tội giết người, 3 năm tù vì tội cướp tài sản, tổng hình phạt là 16 năm tù.
Theo hồ sơ, vụ án giết 6 người, cướp tài sản xảy ra tại xã Minh Hưng, H.Chơn Thành (Bình Phước). Cả 6 nạn nhân đều bị đâm bằng dao vào vùng ngực trái và cổ, tử vong tại hiện trường, gồm ông Lê Văn Mỹ (48 tuổi), bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (42 tuổi, vợ ông Mỹ); Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi), Lê Quốc Anh (15 tuổi, con ông Mỹ); Dư Ngọc Tố Như (18 tuổi) và Dư Minh Vỹ (14 tuổi; cháu ông Mỹ). Tất cả đều bị trói tay ra sau lưng, riêng bà Nga và Linh còn bị bịt mắt bằng khăn vải. Người duy nhất sống sót là Lê Thị G.L. (22 tháng tuổi), con gái út của ông Mỹ.
Cáo trạng vụ án thể hiện trong vụ án này Nguyễn Hải Dương là chủ mưu và có kế hoạch chuẩn bị rất bài bản để thực hiện hành vi phạm tội.
Từ tháng 10.2013, Dương quen biết với Ánh Linh thông qua mạng Zalo khi Linh còn học tại TPThủ Dầu Một, Bình Dương. Linh từng dẫn Dương về ra mắt bố mẹ.
Tháng 2.2015, Linh chấm dứt mối quan hệ với Dương do gia đình không đồng ý. Trong thời gian này, Dương phát hiện Linh quen người khác. Tức giận, Dương nảy sinh ý định giết cả gia đình Linh và chiếm đoạt tài sản.
Để thực hiện ý định, Dương đã đi mua súng bắn bi sắt giá 6 triệu, súng bắn điện, một con dao bấm, găng tay cao su, dây rút, băng keo, bình xịt hơi cay, sim điện thoại rác…
Biết Vỹ ham chơi điện tử, Dương dụ dỗ cho tiền Vỹ để Vỹ mở cổng, đột nhập. Khoảng 10 giờ ngày 4.7.2015, Dương gọi điện Thoại đến quán cà phê và nhờ Thoại giúp Dương lên cướp lại 800 triệu gia đình này nợ thì Thoại đồng ý. Nhưng khi Thoại và Dương lên tận nhà ông Mỹ để thực hiện ý định thì Vỹ không ra mở cửa nên đành quay về. Hôm sau Thoại mua thêm cho Dương 1 con dao rồi nói bà ngoại ở quê bị bệnh nặng nên không thực hiện với Dương.
Trưa 6.7.2015, Dương gặp Vũ Văn Tiến ở quán cà phê và rủ Tiến đi hỗ trợ cho mình với cùng lý do phải cướp vì bị gia đình ông Mỹ quỵt tiền.
Sau khi lưỡng lự, Tiến cũng đồng ý và vào đêm 7.7.2015, hai đối tượng này đã đột nhập nhà các nạn nhân và lần lượt giết hại từng người một.
Nguồn: Theo Thanh niên
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.