Dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân vừa được Bộ Công Thương công bố để lấy ý kiến nhân dân. Một trong những nội dung được quan tâm nhất là việc giá bán điện bình quân sẽ được điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định và chỉ được điều chỉnh tăng ở mức 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành.
Cụ thể, trường hợp các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 3- 5% và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Ở mức trên 5% hoặc giá bán điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định, EVN lập hồ sơ phương án giá, báo cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Ngược lại, khi các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Như vậy, nếu những đề xuất này được chấp nhận thì mức biến động các thông số đầu vào đã được hạ thấp hơn so với quy định hiện hành là 7-10% và thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn xuống 3 tháng/lần thay vì 6 tháng/lần như hiện hành.
Dự thảo cũng nêu, nguồn hình thành quỹ bình ổn giá điện sẽ được trích từ giá bán điện và sẽ tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện…
Theo đó, trong trường hợp cần thiết, Nhà nước sẽ sử dụng quỹ bình ổn giá để bình ổn giá bán nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Đây là cách làm được áp dụng với xăng dầu lâu nay, song cũng đang được xem xét thay đổi khi việc điều hành giá mặt hàng này ngày càng tiệm cận với thị trường.
Nguồn hình thành quỹ bình ổn giá điện sẽ được trích từ giá bán điện và sẽ tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Tuy nhiên, quỹ chỉ được trích lập khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện giảm so với hiện hành và chi phí sản xuất kinh doanh điện bị treo (chưa được tính hết vào giá bán điện) đã được xử lý hết. Dự thảo dự kiến giao EVN quyền thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá điện.
Liên quan đến những lo ngại về việc quy định mới này sẽ khiến giá điện năm 2016 có thể tăng, trả lời báo chí, ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, hiện nay EVN không có bất cứ kế hoạch nào đề xuất điều chỉnh giá điện trong năm 2016.
Năm 2016 là năm EVN dự báo gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino có cường độ mạnh và kéo dài nhất trong 60 năm qua, gây thiếu nước ở hầu hết các hồ chứa thủy điện. Dù EVN đã chủ động tích nước từ rất sớm, song tổng lượng nước các hồ thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường đến nay vào khoảng 6,5 tỷ m3 nước.
Bên cạnh đó, EVN phải đảm bảo cấp nước cho hạ du phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân. Chỉ tính riêng cấp nước để phục vụ cho gieo cấy vụ đông xuân 2015 – 2016 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, EVN đã phải xả khoảng 5,16 tỷ m3 nước từ các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà. Mặc dù vậy, EVN cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên bằng mọi biện pháp khắc phục.
Liên quan đến việc lập quỹ bình ổn giá điện, trả lời trên báo chí, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng rất cần thiết có quỹ bình ổn giá điện. Giá điện khác với giá xăng dầu.
Giá xăng dầu lên xuống hằng ngày và phụ thuộc vào thị trường thế giới nên có thể loại bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng được. Còn mặt hàng điện không phụ thuộc vào biến động của thị trường thế giới mà phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong khi nhu cầu điện để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế được dự báo ở tốc độ lớn thì ngành điện buộc phải đi trước một bước và rất cần nguồn dự phòng cho những thời điểm khó khăn.
Nguồn: Theo VTC
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.