Giá lạnh thời Trung cổ đang quay lại với Trái đất

Giá lạnh thời Trung cổ đang quay lại với Trái đất

Trong tương lai gần, hành tinh chúng ta chờ đợi chu kỳ thời tiết lạnh, có thể kéo dài đến giữa thế kỷ.

Dự báo như vậy đã được trình bày trên các tờ Telegraph (Anh) và Daily Mail (Mỹ). Như các bài báo viết, mùa hè năm nay lớp băng bao phủ Bắc Cực đã tăng 60 phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Mảng băng diện tích bằng một nửa châu Âu trải dài từ bờ biển Canada đến vùng bờ phía bắc nước Nga.

Đối với người Nga, băng giá khắc nghiệt vốn là hiện tượng không lạ. Người ta tìm thấy thú vui vào mùa lạnh như trượt tuyết, trượt băng, câu cá trên băng. Thậm chí, một số người còn say mê với phong trào tắm trong hố khoan băng.

Ở Trung Âu và Nam Âu, không phải lúc nào cũng ấm hơn so với nước Nga tuyết phủ. Ví dụ, đầm Venice từng bị đóng băng ngày 3 tháng 11 năm 1323. Mùa Đông năm đó, hàng hóa được vận chuyển đến Venice bằng các xe kéo chạy trên băng. Thế kỷ XVII, các phiên chợ mùa Đông hoạt động khá lâu trên mặt băng sông Thames, bên chân tường tháp London. Đã có thời, sông Rhein đóng băng ở khu vực hạ lưu suốt 4 tháng mỗi năm.

Giá lạnh thời Trung cổ đang quay lại với Trái đất
Ảnh: blogrussia.kr

Ông Vladimir Chuprov, người lãnh đạo chương trình năng lượng của Greenpeace Nga nhận xét rằng, khí hậu có những chu kỳ phát triển của riêng mình:

“Quả là trong thập kỷ gần đây, tốc độ nóng lên toàn cầu có phần chậm lại. Nhiệt độ tăng, nhưng tốc độ giảm. Các nhà khoa học làm việc dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc và chuẩn bị công bố báo cáo mới về khí hậu vào tháng 9, đều biết và giải thích cho yếu tố nhiệt độ này. Đang diễn ra một chu kỳ lạnh tự nhiên. Đây là chu kỳ rất ngắn, khoảng nửa thế kỷ trong những biến đổi không đem lại thảm họa”.

Có bốn thời kỳ băng giá mạnh được biết đến trong lịch sử địa chất của Trái đất. Theo các nhà khoa học, thời kỳ giữa các kỷ băng hà hiện nay đã bắt đầu cách đây khoảng 12.000 năm. Nhân loại đang sống trong điều kiện khí hậu thuận lợi, khi nhiệt độ giao động trong khoảng dễ chịu nhất.

Sự tạm nghỉ này tất nhiên sẽ chấm dứt và tiếp nối bằng một kỷ băng hà mới – ông Alexey Kokorin, giám đốc Trung tâm các chương trình khí hậu của Quĩ Động vật hoang dã WWF cho biết.

“Kỷ băng hà sẽ đến nhưng phải sau 10-15 ngàn năm. Còn việc sẽ trở nên lạnh hơn trong 10-20 năm tới là hoàn toàn có khả năng. Điều này không xóa bỏ xu thế nóng lên toàn cầu. Các nghiên cứu khoa học cho thấy sự tăng nhiệt của đại dương diễn ra đều đặn và mạnh mẽ.

Vấn đề không chỉ riêng nhiệt độ không khí trung bình, mà là nhiệt độ của toàn bộ hệ thống khí hậu, trong đó bầu không khí chỉ chiếm bảy phần trăm. Không thể chỉ dựa vào cái đuôi của con chó, có nghĩa là yếu tố không khí, để đánh giá tất cả. Đại dương chứng minh rằng sự nóng lên toàn cầu đang tiếp tục”.

Như vậy, một thời gian ngắn, khoảng vài thập kỷ, sự lạnh đi sẽ diễn ra trong bối cảnh nóng lên toàn cầu. Theo ý kiến của ông Alexei Kokorin, về mặt khoa học, việc tăng diện tích lớp băng Bắc Cực là một ví dụ không hoàn toàn chính xác.

“Năm ngoái (2012), diện tích băng tụt xuống mức kỷ lục. Vì vậy, không khó hiểu là trong năm nay băng sẽ nhiều hơn. Bắc Cực không tan chảy mỗi năm và liên tục. Đó là kết quả đan chéo của các xu hướng tan và chu kỳ đóng băng diễn ra vài năm một. Hiện giờ, khối lượng băng tương đương giai đoạn năm 2009. Nhưng vẫn ít hơn so với những năm 1980”.

Tính chu kỳ của băng Bắc Cực được nhấn mạnh trong báo cáo từ nhóm liên chính phủ các chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu. Thực tế băng nhiều hơn cũng có mặt tích cực. Chẳng hạn năm ngoái, việc tìm tảng băng phù hợp cho trạm nghiên cứu nổi Bắc Cực-40 của Nga đã bắt gặp nhiều khó khăn. Sau 8 tháng hoạt động, trạm buộc phải sơ tán vì khối băng tan. Có lẽ bề mặt băng Bắc Cực năm nay sẽ bền hơn. Tạo điều thuận lợi cho các nhà thám hiểm thực hiện thu thập và nghiên cứu dữ liệu về thay đổi khí hậu toàn cầu.

 

Theo Dân Việt