Quá ấn tượng với các món ăn đường phố ở Hà Nội, tác giả Jessica Gelt đã viết cảm nhận của mình về món bún chả, món phở, cháo… hay các cảnh quan thân thuộc của Thủ đô trên tạp chí Los Angeles Times.
Phở, bún chả và nhiều món ăn truyền thống khác được ưa thích bởi đa số người cao tuổi ở Việt Nam – họ nhận ra chất lượng chỉ qua nếm chúng. Bạn sẽ tìm thấy ở chúng hội tụ tôn giáo, lịch sử, nghệ thuật và sân khấu của cuộc sống thường ngày.
Ở Hà Nội, cháo là một phần của cuộc sống – dải lụa nối kết văn hóa Việt Nam. Cùng với phở, các loại rau, nó nối kết các vùng miền và đa dạng cuộc sống. Xương ninh, chanh vắt, khăn giấy rải rác bên cạnh tấm biển hiệu là dấu hiệu nhận biết một quán ăn hè phố.
Tôi đến đây vào đầu tháng 12 bởi tiếng tăm ngày càng nổi của Hà Nội – thủ đô ẩm thực, Trong năm 2012, trang web du lịch của Sherman (www.shermanstravel.com) đã xếp hạng Hà Nội là điểm thưởng thức ẩm thực thứ 2 sau Barcelona, Tây Ban Nha.
Phở cùng nước dùng với nhiều sự lựa chọn đi kèm như cá, thịt bò, thịt gà và rau là món ăn thấm đượm tinh thần dân tộc Việt Nam. Bún chả cũng là món ngon nổi tiếng ăn kèm nước mắm chua ngọt thả vài lát đu đủ xanh và ớt.
Jessica gọi đây là món bún chả với rất nhiều gia vị và rau ăn kèm. (Ảnh Jessica)
Nếu muốn ăn một bát phở ở Hà Nội, bạn dễ dàng tìm được những quán phở ven đường hay trong ngõ. Thưởng thức một bát phở trên hè phố giúp bạn khám phá được tôn giáo, lịch sử, nghệ thuật và sân khấu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam.
Tôi quyết định gắn bó với những hàng quán hè phố Hà Nội và nếm thử tất cả những món được bày ra. Nhưng một lần trong một con hẻm, tôi đã làm đổ cả bát cháo vào bà chủ quán vì mải chú ý đến công đoạn nấu nước hầm xương.
Một bát cháo trên đường phố Hà Nội thường chỉ 15.000- 25.000 đồng (tương đương 72 cent đến 1,2 đô la Mỹ) – chả khác bạn đang được ăn miễn phí, Trong khi đó, một bát phở đơn giản, nhạt nhẽo tại khách sạn sang trọng Metropole, Pháp lại có giá tới 250.000 đồng (khoảng 12,5 đô la Mỹ).
Hãy ăn theo… người già
Để giúp tôi đánh giá chất lượng các quầy hàng trên đường phố, chị Mai Thị Thu Trang – người quản lý nhà hàng Mexico Arriba & Grill ở Hà Nội đã giúp đỡ tôi rất nhiều. “Quán ăn ngon là nơi rất nhiều người lớn tuổi tìm đến”, Trang nói “bởi vì họ đánh giá chất lượng tốt”.
Sáng hôm sau, cô ấy đưa tôi đến gian hàng mà cô cho là nơi phục vụ phở buổi sáng ngon nhất thành phố. Đó là một quán nằm sau trong khu phố cổ – khu 36 phố phường vẫn lưu giữ lại kiến trúc Hà Nội từ đầu thế kỷ 20 được thành lập bởi vua Lý Thái Tổ.
Khu phố cổ luôn hấp dẫn du khách bởi sự náo nhiệt. (Ảnh Jessica)
Từng đường phố trong khu phố cổ đều được đặt một tên truyền thống đặc trưng cho một loại hình thủ công, thương nghiệp nào đó, ví dụ như Hàng Vải, Hàng Mã, Hàng Giầy, Hàng Da, Hàng Đường… nơi buôn bán tơ lụa, trang sức, đồ rèn. Có rất nhiều mặt hàng được buôn bán tấp nập ở đây. Đi dạo ở khu phố cổ Hà Nội là cơ hội cảm nhận những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Tôi đã đi bộ len vào các ngách nhỏ khu chợ Đồng Xuân nơi có rất nhiều quầy hàng đồ khô, chân gà và rất nhiều loại gia vị, thảo mộc kỳ lạ. Tôi đã mua một chiếc bánh mỳ vừng nóng hổi trong lúc lang thang dạo phố và dừng lại ở ngôi đền Bạch Mã tĩnh lặng – ngôi đền thờ lâu đời nhất ở Hà Nội.
Chợ Đồng Xuân với rất nhiều đồ ẩm thực ngon và kỳ lạ. (Ảnh Jessica)
Trang dẫn tôi qua những con phố ách tắc, sang phố Hàng Buồm rồi đến con phố nhỏ Tạ Hiền. Cô chỉ đến một quán ăn nhỏ số 2C, nơi có một người phụ nữ trong trang phục truyền thống đang đội nón lá. Cô ra hiệu cho tôi ngồi trên ghế nhựa xanh và chờ đợi.
Nước dùng đang còn nóng, bà chủ đặt từng bánh phở vào cùng rau thơm, gia vị, thịt thái lát, thịt viên vào bát rồi đưa cho tôi. Tôi cũng mới phát hiện ra một món ngon khác: bún dọc mùng. Bát bún nóng, vị chua cay, miếng dọc mùng xanh mướt ăn giòn giòn, ngọt ngọt, thưởng thức vô cùng thú vị.
Vì có rất nhiều đậu nên Jesssica gọi đây là bún đậu. (Ảnh Jessica)
Ăn vỉa hè bạn sẽ thưởng thức được nhiều món ngon và rất rẻ tiền. (Ảnh Jessica)
Sau đó, tôi ăn trưa với cháo và lang thang lên phía nam hồ Hoàn Kiếm rồi dừng chân khi thấy ngôi đền Ngọc Sơn trên hòn đảo nhỏ giữa hồ. Tôi ngồi nghỉ một lúc và nhìn đăm chiêu vào mặt hồ với hy vọng nhìn thấy bóng đầu rùa nhô lên – dấu hiệu của sự may mắn theo người Việt quan niệm.
Có cảm giác như đang đứng ở khu phố Pháp mát mẻ với hai hàng cây xanh trên đại lộ và rất nhiều biệt thự, công trình cổ kính, sang trọng – những di sản văn hóa cổ của Hà Nội khi trước đây là kinh đô của Pháp ở Đông Dương. Tôi đi bộ đến Nhà Hát lớn Hà Nội, gần nhà tù Hỏa Lò nổi tiếng nơi mà John McCain (R-Ariz.) đã bị giam giữ trong chiến tranh ở Việt Nam.
Nhà hát với 900 ghế ngồi sang trọng theo phong cách Pháp đã được xây dựng từ năm 1911 và được trùng tu nhiều lần. Tôi lại tiếp tục ăn tại một gian hàng số 9 trong con hẻm nhỏ ở ngõ Tràng Tiền, đối diện với nhà hát opera. Đó gọi là bún đậu, món ăn kèm với đậu rán vàng, mắm tôm đủ vị, chua, cay, mặn, ngọt, thêm chút rau kinh giới, tía tô.
Bún đậu món ăn rất ngon và dân dã, dễ tìm ở bất cứ vỉa hè nào tại Hà Nội. (Ảnh Jessica)
No căng với những quán ăn đường phố, tôi bắt một chiếc xe ôm đi 15 phút đến phía Đông Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh ở quảng trường Ba Đình – nơi yên nghỉ của vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam, một nơi vô cùng yên tĩnh và trang nghiêm.
Khi chiều tà, tôi lang thang trở lại khu phố cổ để đón xem buổi biểu diễn Múa Rối Nước ở nhà hát múa rối Thăng Long, ở đây bạn sẽ được thưởng thức những màn múa rối do các nghệ nhân chuyên nghiệp và cảm nhận nét đẹp của nghệ thuật dân gian độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Ở góc Hàng Bồ nhộn nhịp có rất nhiều thanh niên đang chờ đợi để ăn chân gà nướng với muối và nước cốt chanh.
Thưởng thức bát Cháo nóng đi kèm chai bia 333 ấm thật tuyệt, nhưng không thể sánh bằng bát phở tôi ăn buổi sáng trên phố Tạ Hiền, nơi mà khi ra về, bà chủ đã ra hiệu lời mời cho một ngày thú vị mới…