Giới chức Hà Nội lên kế hoạch kiểm tra thực trạng ô nhiễm không khí để có biện pháp xử lý kịp thời, sau khi PV phản ánh thực tế bụi bẩn ở thành phố.
>>>Giao thông – thủ phạm số 1 gây ô nhiễm không khí
Các chuyên gia về môi trường cho biết các chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội ở mức cao, tỷ lệ bụi cao hơn 1-2 lần. Đặc biệt, tại một số nút giao thông, công trình đang xây dựng, tỷ lệ bụi cao gấp 5-6 lần cho phép.
Nguyên nhân chính gây tình trạng ô nhiễm bụi hiện nay là do các phương tiện giao thông và công trình xây dựng. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.
Trong công văn đề nghị, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã kiểm tra thực tế trên để báo cáo kết quả cho thành phố.
Ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, trong văn bản yêu cầu chuyển tiếp cho cấp phường xã, yêu cầu tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc quy định vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng công trình.
Ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng lớn tới
sức khỏe người dân ảnh hưởng. (Ảnh: Lê Hiếu)
Quận Hoàn Kiếm cũng tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm gây mất vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng và vận chuyển vật liệu. Quận cũng phối hợp các phường tăng cường kiểm tra, xử lý với cá nhân, tổ chức gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng và vận chuyển vật liệu, phế thải, xây dựng trên địa bàn.
Trước đó, tại các hội thảo về môi trường, trả lời giới truyền thông, ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, để giải quyết vấn đề môi trường, thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như tăng cường kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật; phải khắc phục bồi thường khi gây thiệt hại đối với môi trường.
Hà Nội cũng áp dụng các chính sách, cơ chế hỗ trợ về vốn, khuyến khích về thuế, trợ giá đối với hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, tăng cường trồng cây.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, việc giảm thiểu ô nhiễm không khí do bụi và khí thải giao thông gây ra dù có nhiều biến chuyển nhưng vẫn chưa rõ nét. Nguyên nhân chính của sự chậm trễ nêu trên do một số sở, ngành, quận, huyện chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường; một số chương trình, dự án thực hiện chậm.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường cho rằng, trước mắt, Hà Nội cần xây dựng hệ thống quan trắc môi trường dày đặc hơn, ít nhất là 10 trạm quan trắc.
Nhiều chuyên gia khác đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng không khí ở Hà Nội như cần tuyên truyền người dân giảm thiểu đun nấu bằng than, tăng sử dụng năng lượng mặt trời.
Một chuyên gia Pháp cảnh báo, nếu chất lượng không khí ở Hà Nội và các thành phố lớn ở Việt Nam tiếp tục đi xuống, các trường hợp nhiễm bệnh sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.
Theo VNE