Phát hiện hàng trăm kg mỹ phẩm không nguồn gốc, xuất xứ tuồn ra thị trường
Trong thời gian gần đây, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh đã liên tiếp bắt giữ hàng trăm kg mỹ phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, không hóa đơn, chứng từ được buôn bán trái phép ngoài thị trường.
Cụ thể, vào cuối tháng 7.2015, Đội Quản lý thị trường số 02 thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, tiến hành kiểm tra cửa hàng mỹ phẩm Dũng Hường có địa chỉ tại đội 9, thị trấn Thổ Tang – Huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc và cửa hàng mỹ phẩm Lập Hải tại phố Tân Thịnh, thị trấn Thổ Tang – Huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hai cửa hàng trên đang bày bán 20 chủng loại sản phẩm mỹ phẩm với số lượng khoảng 100kg do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, các chủ cửa hàng không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hoá.
Không chỉ dừng lại ở đó, cũng vào cuối tháng 7 vừa qua, Đội Chống buôn lậu thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra ô tô khách mang biển kiểm soát 29B-123.57 do lái xe Lê Văn Quý trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên, TP. Hà Nội điều khiển.
Sau đó, cũng phát hiện xe đang vận chuyển hơn 600 lọ dầu gội, gần 100 hộp dầu hấp tóc, gần 2.000 tuýp thuốc nhuộm tóc cùng nhiều loại mỹ phẩm khác và một số mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng là bà Nguyễn Thị Hiền, trú tại phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm kg mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tuồn ra thị trường . |
Tiếp đến, ngày 23.7, Đội Quản lý thị trường quận Bình Thạnh thuộc Chi cục Quản lý thị trường TP. HCM cũng phối hợp với lực lượng chức năng tại địa bàn tiến hành kiểm tra kho hàng tại địa chỉ phòng 207, chung cư số 243A, đường Nguyễn Thượng Hiền, phường 6, quận Bình Thạnh, TP. HCM do bà Lê Thị Ái Thu, sinh năm 1983, trú tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng làm chủ.
Lực lượng chức năng đã phát hiện 500 thùng các tông các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Nature made – plax Seedoil; Our Creamg one – milk; Ansure…Tương tự những ại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh và hoá đơn chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng, các cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện hàng trăm kg mỹ phẩm không rõ nguồn gốc được buôn bán trái phép trên thị trường.
Nguy hại khôn lường
Mỹ phẩm giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà nghiêm trọng hơn còn nguy hiểm tới sức khỏe và sắc đẹp của người tiêu dùng.
Bệnh viện Da liễu trung ương đã thường xuyên phải tiếp nhận các bệnh nhân bị dị ứng và phản ứng với mỹ phẩm, trong đó không ít trường hợp bị tổn thương da rất nặng, khó có thể phục hồi.
Riêng tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, trong năm qua có hơn 1.000 trường hợp tới khám chữa bệnh liên quan đến dị ứng mỹ phẩm, chủ yếu do sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Hóa, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương thì các loại mỹ phẩm dù cao cấp đến đâu cũng không loại trừ hoàn toàn nguy cơ gây dị ứng với cơ thể, chứ chưa nói đến các loại mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc.
Bản chất các loại mỹ phẩm dù được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên vẫn có chứa một số loại hóa chất, dù với lượng nhỏ cũng có thể gây hại cho những người bị dị ứng với chất đó. Thêm nữa, một sản phẩm mỹ phẩm có thể an toàn với người này nhưng chưa chắc an toàn với người khác.
Kể cả với một người dùng cùng một loại mỹ phẩm ở 2 thời điểm khác nhau vẫn có thể bị dị ứng, phản ứng, nổi mụn hay bỏng da do sức khỏe của cơ thể thay đổi, sức khỏe của làn da cũng thay đổi nên những phản ứng của nó với các chất tại từng thời điểm cũng khác nhau.
Ngay cả những người có cơ địa khỏe mạnh, khi tiếp xúc liên tục với những loại hóa chất lạ trong mỹ phẩm kém chất lượng đều bị tổn thương và mắc bệnh về da.
Mặt khác, những loại mỹ phẩm làm giả nhãn mác, thương hiệu được quảng cáo có tác dụng mạnh, hiệu quả cao thì đều có nồng độ hóa chất lớn, thậm chí có cả chì, thủy ngân… nên nguy cơ gây nhiễm độc, phá hủy da, làm khô da, sạm da đối với người sử dụng rất cao. Khi da bị những tổn thương do hóa chất gây ra thì việc điều trị sẽ kéo dài và rất khó khăn. Qua nghiên cứu cho thấy hầu hết bệnh nhân dị ứng mỹ phẩm ở lứa tuổi 18 – 25, trong đó tác nhân gây dị ứng nhiều nhất là kem dưỡng da (chiếm hơn 33%), tiếp đó là loại kem tổng hợp (22%) và thuốc nhuộm tóc.
Để phòng ngừa nguy cơ dị ứng, nhiễm trùng da do mỹ phẩm gây ra, các chuyên gia về da liễu khuyến cáo không nên lạm dụng việc sử dụng mỹ phẩm trong làm đẹp, tuyệt đối không sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và đã quá hạn sử dụng. Trong quá trình sử dụng, khi thấy da có biểu hiện của việc dị ứng phải ngưng sử dụng ngay và dùng nước sạch rửa sạch da nhiều lần.
Nỗi lo sản phẩm làm đẹp có chứa paraben
(Làm Đẹp) – Paraben là một phụ chất phổ biến trong mỹ phẩm giúp bảo quản và chống vi khuẩn xâm nhập. |
Nguồn: Thụy Miên (motthegioi.vn)/Theo Khỏe & Đẹp
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.