Hải sản tẩm hóa chất tràn lan tại các chợ

Nhiều loại hóa chất độc hại

Thời gian gần đây, thông tin nhiều người kinh doanh thủy hải sản sử dụng phân urê trộn với đá, thuốc tẩy javen, phoocmon formaldehyd – một chất bảo quản xác ướp không được sử dụng trong thực phẩm để ướp vào thủy hải sản khiến nhiều người lo ngại. Việc sử dụng các loại hóa chất, Phoocmon formaldehyd trong thực phẩm rất độc hại nguy hiểm cho con người. Nếu hàm lượng nhiều có thể gây chết người nhưng nếu ăn ở hàm lượng thấp, tích tụ trong cơ thể gây ung thư, kích ứng da, gây bệnh đường thở, đường tiêu hóa… Nhiều tiểu thương vì lợi nhuận đã tẩm vào hải sản bán cho người dân mà gần như không có cơ quan chức năng  nào quản lý, giám sát.

Tại chợ Hòa Bình, quận 5, cứ khoảng 4 -5 giờ sáng, các tiểu thương bán mực, cá, tôm đã tập kết hàng về khu vực này sơ chế  bán cho tcác chợ lẻ. Hoá chất được vào xô chậu bằng một ít nước màu đục như nước vo gạo, rồi khuấy đều. Sau đó, mực, cá, tôm đã bốc mùi được cho vào xô trộn đều và ngâm tới sáng trước khi vớt ra. Những con mực, cá, tôm tím đen, bốc mùi trước đó trở nên rắn chắc và tươi ngon trở lại. 

Mực ươn, thối tẩm hóa chất tại chợ Hòa Bình (Quận 5)

Ngoài chợ Hòa Bình, nhiều chợ lẻ khác như chợ Bình Triệu, Linh Trung (Thủ Đức), chợ Bà Chiểu, Lê Văn Quới (Bình Thạnh), chợ Gò Vấp (Gò Vấp), chợ Phạm Thế Hiển, chợ Xóm Củi (Quận 8), chợ Xóm Chiếu (Quận 4) hay chợ Đo Đạc (Quận 2)… các tiểu thương cũng lấy nguồn hải sản hôi thối, bốc mùi về sơ chế rồi bán cho người dân.

Chị Hồ Phương Giang (41 Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thạnh) cho biết: “Tôi hay mua hải sản về ăn, nhất là mực tươi. Mới đây, tôi mua mực đem về rửa thì thấy mực có mùi rất khó chịu như mùi của hóa chất, sau nấu lên ăn cả nhà đều bị đau bụng. Nghe người nói, họ  dùng ô xi già, rồi các loại hóa chất để làm trắng, bảo quản mực nên ăn hay bị đau bụng, ngộ độc lắm”.

Tại chợ Bình Triệu (Thủ Đức), dễ dàng mua được loại mực siêu rẻ này tại các sạp chuyên bán đồ hải sản. Dù người bán luôn miệng quảng cáo các loại hải sản bán tại đây đều là đồ tươi sống, nhưng nhìn những con mực ươn, ruồi bắt đầu đậu đầy, người bán phải liên tục dùng một chiếc que dài có buộc vải trên đầu để đuổi.

Bác Lưu Thị Lan (23 đường số 6, HBC, Q.Thủ Đức) chia sẻ: “Hôm trước, tôi mua phải cá, tôm ngâm hóa chất hay sao mà khi mua nhìn nó cũng tươi ngon lắm, ai ngờ về nhà chiên lên, cá cứ rã thịt ra, còn tôm thì có mùi hôi, nấu xong nhìn không ra cá cũng chẳng ra tôm. Tôi nhìn mà chẳng dám tin vào mắt mình”.

Ông Nguyễn Bình Đa – một người chuyên bỏ mối thủy hải sản tại chợ Bình Triệu (Thủ Đức) cho biết: “Cá, mực, tôm tại các chợ sở dĩ có màu bắt mắt, giữ được độ tươi là do người bán sử dụng hóa chất, hóa chất đó có thể là ô xi già, phân urê trộn với đá, thuốc tẩy javen, phoocmon formaldehyd để giữ hải sản “tươi mới” được lâu…”

Nguy cơ gây ung thư cao

Theo TS Phạm Thành Quân (Trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học Trường Đại học Bách khoa TPHCM): “Có rất nhiều hóa chất không được dùng trong các mặt hàng thủy sản như  urê, thuốc tẩy javen, phoocmon formaldehyd nhưng người bán vẫn bất chấp dùng…  Những chất này khi xâm nhập cơ thể người sẽ rất nguy hiểm vì nó không thể tiêu hóa mà tích tụ dần và gây phản ứng trong cơ thể. Các chất tẩy trắng cũng rất nguy hiểm cho hệ tiêu hóa; chất phoocmon formaldehyd ảnh hưởng đến hệ hô hấp, gây dị ứng, gây tổn hại bao tử, ung thư vòm họng thậm chí gây tử vọng”.

Tôm bốc mùi trở nên tươi ngon sau khi được tẩm hóa chất

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức  (Đại học Y dược TP.HCM) khuyến cáo: “Thủy hải sản được tẩm hóa chất ngày càng nhiều nên người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng và tinh ý trong việc lựa chọn, phân biệt những sản phẩm tốt, không sử dụng hóa chất để bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người thân trong gia đình”.

Anh Nguyễn Mạnh Cường (Chủ nhà hàng Bên Hồ, Thủ Đức) chia sẻ kinh nghiệm: “Đối với cá, chỉ cần chú ý kỹ cũng có thể phân biệt được cá tươi tự nhiên và cá ướp qua urê. Nếu thấy màu cá đậm, mang hồng hơn bình thường, khi lấy tay ấn vào thân cá thấy mềm, độ đàn hồi thấp, ngửi không có mùi tanh thì đó là loại đã được ướp bằng urê. Ngoài ra, thuỷ sản có dấu hiệu hư hỏng thì mô thịt thường nhão hơn nguyên liệu tươi”.

Chị Huỳnh Bích Phương (BTV tại HTV7) chia sẻ bí quyết: “Với mực, bạch tuộc, tôm tẩm hóa chất, mới nhìn thì tươi ngon nhưng sờ vào sẽ mềm, thịt có mùi hôi. Để tránh mua phải hải sản ngâm hóa chất, khi chọn hải sản người mua nên kiểm tra kỹ. Nên chọn những cửa hàng có uy tín, xuất xứ sản phẩm rõ ràng. Khi chế biến nếu thấy mùi khai, có vị khó chịu thì không nên ăn”.

Kết quả kiểm tra trong tháng 9 của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho thấy, trong số những mẫu hải sản được kiểm tra, 30% bị nhiễm Salmonella (khuẩn gây thương hàn), 30% nhiễm khuẩn E.Coli. Với histamine – chất thường gây ra ngộ độc khi sử dụng thủy hải sản, cơ quan chức năng đã phát hiện 31% số mẫu vượt mức cho phép, trong đó có 55% trường hợp vi phạm ở chợ bán lẻ. Khi hải sản mất đi độ tươi sống và bảo quản không đúng cách, histamine từ không độc sẽ chuyển sang độc, nhẹ thì gây ra dị ứng, ngộ độc, nặng thì có thể dẫn đến tử vong. Biểu hiện ngộ độc là đỏ da, ngứa chủ yếu phần nửa trên của cơ thể, bao gồm đầu mặt cổ, ngực và tay. Người bị ngộ độc hải sản có thể bị khó thở, tụt huyết áp, nôn, đau bụng, thậm chí tử vong.

Nguồn: Theo phununews

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.