Hãy biết lịch sự khi sử dụng điện thoại nơi công cộng!

Hãy là người “có não” khi sử dụng điện thoại nơi công cộng!

Ở hầu hết các khu vực công cộng, chính quyền đều có gắn biển cấm hút thuốc lá hoặc cấm cái này, cấm cái kia. Trừ cây xăng cấm cả hút thuốc lá và sử dụng điện thoại di động thì hầu hết những khu vực là “của chung” của tất cả mọi người ít khi có biển cấm sử dụng điện thoại di động. Và có lẽ, việc sử dụng điện thoại di động nơi công cộng chưa bao giờ được coi là gây ảnh hưởng, phiền phức đến người khác nên rất nhiều người vẫn hồn nhiên gọi điện oang oang, chửi tục chửi bậy, chơi game, để nhạc chuông, tin nhắn cỡ maximum, để loa ngoài…gây phiền phức cho người khác, nhất là những người ở trong phạm vi “công cộng” hẹp như văn phòng chẳng hạn.

Bỏ qua những câu chuyện vô duyên, thiếu ý thức của một số người hay dùng điện thoại di động để gọi cứu hỏa đùa, gọi 113 để trêu chọc và đủ thứ rảnh rỗi khác như gửi tin  nhắn spam liên tục gây khó chịu cho thuê bao khác. Việc sử dụng điện thoại di động ở văn phòng công ty “tế nhị” hơn một chút, vì dù sao cũng là dân trí thức, nhưng tựu chung lại, tình hình sử dụng điện thoại một cách tùy hứng và vô duyên vẫn xảy ra thường xuyên.

Hãy là người “có não” khi sử dụng điện thoại nơi công cộng!

Công ty Lan đã có một vụ ẩu đả chỉ vì tiếng chuông điện thoại. Cả công ty làm về thống kê tài chính, hầu hết mọi người đều ý thức được việc sử dụng điện thoại di động sao cho hợp lý, không ảnh hưởng đến những người xung quanh bằng cách tắt chuông, để rung hoặc im lặng, khi có điện thoại gấp thì đi ra khỏi văn phòng nói chuyện để không làm mất sự tập trung của người khác.

Thế nhưng chuyện trở nên nháo nhào khi có một “ma mới” mới vào làm việc tại văn phòng. Dường như được lót tay đi vào nên thái độ rất hợm hĩnh, không coi ai ra gì cho dù chỉ là cử nhân vừa ra trường và chẳng có kinh nghiệm gì, cả ngày chỉ ngồi lướt web và bắn game rồi chát chít. Sẽ chẳng ai thèm quan tâm đến cậu ta nếu như cậu ta không làm ảnh hưởng đến người khác.

Cậu ta để chế độ chuông mức to nhất, nhạc chuông là một bài nhạc chế rất phản cảm, mỗi lần có điện thoại, cái bản nhạc kia vang lên là không ít đồng nghiệp giật mình và sau đó là cau mày khó chịu. Đã thế, cậu ta có điện thoại liên tục, khi nhận điện thoại của bạn bè cũng không biết ý ra ngoài nghe mà cứ nói tục chửi bậy oang oang qua điện thoại, không coi ai ra gì. Có lần, Lan thấy bức xúc quá nên viết mail cho phòng hành chính thông báo để nhắc nhở cậu ta chấn chỉnh hành vi, vì các anh chị khác mỗi người đều đã nhắc nhở nhưng cậu ta vẫn chứng nào tật nấy, thậm chí còn thái độ ngỗ ngược hơn, nói to hơn và cười ha hả trong phòng.

Hãy là người “có não” khi sử dụng điện thoại nơi công cộng!

Khi nhận được mail phản hồi và trừ điểm, cậu ta tỏ ngay thái độ khó chịu với anh kiểm toán viên ngồi bên cạnh vì ngỡ anh này “ton hót”. Đúng lúc bạn cậu ta gọi điện đến, cậu ta để chuông rầm rĩ, phản cảm đến mức anh kiểm toán phát cáu lên quát “mày tắt ngay cái nhạc chuông đi!” thì cậu ta nổi khùng đứng dậy hất hàm, thái độ rất côn đồ, chợ búa “Tao không tắt đấy, thì sao?”. Giọt nước tràn ly và hai bên xông vào nhau một trận tơi bời, cả phòng xúm lại lôi mãi mới ra được.

Lại có chuyện bên công ty Tú, chuyện chưa đến mức đánh nhau vì văn hóa điện thoại, nhưng cũng đủ để người khác khó chịu vì cách sử dụng điện thoại của một số nàng công sở công ty Tú.

Mấy cô mắc bệnh nghiện checkin, chụp ảnh tự sướng hạng nặng. Đi đâu, làm gì cũng chụp ảnh post lên. Ngồi trong giờ làm cứ 1 phút là thấy tay cầm điện thoại giơ lên, lát sau đã thấy hình trên facebook, đi ăn trưa cùng đồng nghiệp thì mặt cứ cắm vào điện thoại, thi thoảng ngẩng mặt lên để tự sướng vài kiểu rồi lại cúi xuống, coi người trước mặt như vô hình. Nhưng viết stastus thì cứ như thân thiết, nhiệt huyết, sôi động với đồng nghiệp lắm! Mấy cô nghiện điện thoại đến độ đi W.C cũng ôm theo cái điện thoại, lát sau đã thấy hình trên facebook, đến là bó tay!

Hãy biết lịch sự khi sử dụng điện thoại nơi công cộng!

Cô Thụy hôm nọ dính một phốt dùng điện thoại di động quá nhiều lần trong giờ làm việc và đã bị sếp nhắc nhở, chẳng biết có hậm hực hay thái độ bất mãn gì không nhưng từ hôm ấy thấy cô nàng hạn chế up ảnh và giơ điện thoại chụp hình hẳn. Còn cái tội buôn điện thoại trong văn phòng thì vẫn chưa cải thiện được, nhiều khi Tú ngồi bên cạnh nghe cô ấy rầm rì như buôn bạc giả mà phát mệt, bảo bao nhiêu lần thích buôn chuyện thì ra hành lang mà nói nhưng cô ấy vẫn không chừa!

Chuyện sử dụng điện thoại di động nơi công cộng thực ra không phải là vấn đề lớn nếu như mọi người có ý thức một chút. Nhắc nhở mình đừng lệ thuộc quá nhiều vào nó, ngẩng mặt lên và giao tiếp với mọi người thay vì suốt ngày sống “ảo” và kết nối với nhau bằng  những cú điện thoại, nhất là những cuộc điện thoại ấy lại gây phiền phức và phản cảm với những người xung quanh. Hãy là người “có não” khi sử dụng điện thoại di động nơi công cộng!

Phương Triệu

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.