Lần đầu tiên, các nhà khoa học xác định thành phần hoá học trong bầu khí quyển của một ngoại hành tinh xa xôi, có kích thước nhỏ hơn sao Mộc.
Ngoại hành tinh HAT P-11b có kích thước tương tự sao Hải Vương, quay quanh ngôi sao chủ thuộc chòm sao Cygnus, cách trái đất khoảng 124 năm ánh sáng.
Ngoại hành tinh HAT P-11b có kích thước tương tự sao Hải Vương – (Ảnh: BBC News)
Theo báo cáo đăng trên tạp chí Nature, khí quyển tại ngoại hành tinh xa xôi này chứa khoảng 90% hidro cùng một lượng hơi nước đáng kể. Đây cũng là ngoại hành tinh nhỏ nhất từ trước đến nay “tiết lộ” thành phần hoá học của nó.
Với sự hỗ trợ của ba kính thiên văn hiện đại, điều kiện quang đãng, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Maryland, Mỹ thực hiện phép đo màu sắc ánh sáng hấp thụ của HAT P-11b khi nó ở vị trí đối diện ngôi sao chủ.
Tiến sĩ Eliza Kempton thuộc Đại học Grinnell, lowa cho biết: “Trước đây, chúng tôi chỉ có thể áp dụng điều này cho các hành tinh lớn hơn hoặc có kích thước như sao Mộc. Nhưng cuối cùng, chúng tôi cũng đã phát hiện những phân tử trong khí quyển của những hành tinh nhỏ hơn. Đó là bước tiến quan trọng trong nghiên cứu những hành tinh ngoài hệ mặt trời”.
Nước có tác động rõ ràng đối với cuộc sống, mặc dù HAT P-11b quá nóng để có thể ở được do nằm gần ngôi sao chủ. Tuy nhiên, sự có mặt nước trong khí quyển của các ngoại hành tinh kích thước nhỏ là điểm xem xét quan trọng trong việc tìm kiếm sự sống các sinh vật tại những nơi xa xôi khác trong thiên hà chúng ta.
Theo Tuổi Trẻ, BBC