Tôi từng hăm hở bước vào cuộc hôn nhân với một nửa đích thực của mình với tất cả các kỳ vọng về một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc. Tại sao không? Chúng tôi yêu nhau – đó là nền tảng cơ bản nhất của hôn nhân. Chúng tôi không phải quá chật vật về kinh tế, khi cả hai đều có thu nhập ổn định và nhà cửa sẵn sàng.
Nhưng cuối cùng, chúng tôi, cũng như khá nhiều cặp vợ chồng khác vẫn không tránh khỏi những va vấp, từ những xích mích nho nhỏ đến những trận cãi vã nảy lửa, từ việc tôi nước mắt ngắn dài đến chàng tức giận sập cửa ầm ầm. Nguyên nhân là vì sao?
Sau từng đó thời gian, tôi nhận ra rằng, nguyên nhân to lớn trong cuộc sống chung có nhiều xung đột, là do tôi đã hy vọng quá nhiều vào bạn đời. Có thể, anh cũng vậy. Nếu chúng tôi bớt ở trên mây, hạ thấp bản thân mình xuống mặt đất với những kỳ vọng thực tế hơn thì có lẽ, cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng, tươi sáng hơn.
Độ thực tế thế nào là khác nhau ở mỗi gia đình, nhưng chí ít, tôi rút ra một công thức chung có thể áp dụng cho cả bạn và tôi. Đó là, hãy ngưng ngay những điều dưới đây khi chuẩn bị bước vào hôn nhân, bởi chắc chắn, những người bạn đời của chúng ta, những đức ông chồng thương yêu và đáng kính khó có thể thực hiện được điều nào.
Tôi từng nghĩ tình yêu là tất cả, tôi là nàng công chúa và chàng sẽ là hoàng tử cùng ngụp lặn trong lâu đài tình ái. (Nguồn ảnh: Human)
Mong chờ sự thay đổi của đối phương
Ai cũng mơ đến một chàng bạch mã hoàng tử hoàn hảo khi bước vào cánh cửa hôn nhân: chàng sẽ hôn chào tạm biệt bạn trước khi đi làm, gọi điện hỏi han vào buổi trưa, về nhà cùng ăn tối và sẵn sàng lao vào bếp nấu bữa ăn lúc đêm khuya khi bạn kêu đói bụng. Đó là còn chưa kể đến, chàng là người thông minh, lãng mạn và hài hước, biết pha nước chanh cho vợ và thay bỉm cho con. Trước khi kết hôn, tôi tự chấm chàng được 60 điểm, và nghĩ rằng, 40 điểm còn lại sẽ là do công “cải tạo” trong quá trình chung sống. 100 điểm xem ra cũng không phải là quá gian nan.
Nhưng rồi…
Tất cả những đáp trả cho những gợi ý khéo léo của tôi với chàng, như kiểu: “Hôm nay anh đón con được không?”, “Chủ nhật đừng ngủ nướng nhiều, cả nhà mình cùng đi ăn sáng nhé…” sẽ nhận được những cái cười trừ, những câu đại loại: “Ừ, để anh xem”, và thẳng thắn, trực tiếp hơn sẽ là “Không” trước khi anh quay trở lại với cuộc chiến đấu nào đó trong các trò chơi điện tử.
Những điều đó không phải thảm họa trong cuộc sống có thể dẫn đến một cuộc hôn nhân đi đến bờ vực thẳm, nhưng từng khiến tôi không ít lần sụt xịt tủi thân. Dù vậy, những lần như thế chỉ khiến tôi nhận ra rằng, hy vọng càng nhiều, thất vọng càng lớn. Thay vì mong muốn cải tạo đối phương trở thành một người chồng 100 điểm, tôi bằng lòng với anh chàng 60 – 70 điểm của tôi, tập trung vào việc thay đổi để bản thân thích nghi với cuộc sống chung, và dĩ nhiên, vẫn còn chút chút mong ước, sự thay đổi của tôi sẽ đem đến cho anh những xúc cảm để lấy thêm chút điểm trong mắt vợ con.
Tình yêu vô điều kiện
Một cách lý tưởng, tôi nghĩ rằng chúng tôi yêu nhau bằng thứ tình yêu vô điều kiện giống như hoàng tử và công chúa, như lời thề đã từng trao nhau trong hôn lễ. Tuy nhiên, khi thời gian trôi đi, người trưởng thành không tuân theo những nguyên tắc và lời thề đã trao nhau năm nào: trong sướng vui, buồn khổ, trong giàu sang hay nghèo đói, khi khỏe mạnh cũng như những lúc bệnh tật…
Có nhiều trường hợp có thể hạnh phúc trong túp lều tranh, lại chẳng thể giữ được trái tim của nhau khi sống trong sơn son thiếp vàng. Không phải người chồng nào cũng đủ nhẫn nại và yêu thương để chăm sóc người vợ ốm bệnh từ ngày này qua tháng khác. Không phải ai cũng đủ khoan dung cho một lần phản bội…
Vậy đấy, tình yêu đích thực không có nghĩa là tình yêu vô điều kiện. Sẽ là không tưởng nếu cho rằng chẳng điều gì có thể phá vỡ tình yêu đôi ta.
Mong chàng “luôn luôn lắng nghe, sẵn sàng thấu hiểu”
Có thể bạn không kỳ vọng bạn đời đọc vanh vách những suy nghĩ theo kiểu “tâm ý tương thông”, nhưng thay vào đó, lại nghĩ rằng: “Sao anh ấy không chịu hiểu mình nhỉ? Vậy mà mình cứ nghĩ anh ấy luôn biết mình muốn gì”. Thực tế, hai điều này cũng tương tự như nhau mà thôi.
Nhu cầu được thấu hiểu là nhu cầu tất yếu trong một cuộc hôn nhân, nhưng bạn cần biết rằng, đối phương không thể nào “luôn luôn lắng nghe, sẵn sàng thấu hiểu”, càng không thể “bắt sóng” như những nhân vật siêu nhân chỉ thấy trên phim ảnh.
Bởi vậy, đừng bao giờ ngần ngại nói ra những suy nghĩ của mình, và cất lời hỏi đối phương muốn gì. Dĩ nhiên, cách biểu đạt cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng và đôi khi bạn sẽ phải mất hàng năm trời để làm được điều này. Nhưng mất thời gian hay công sức, còn tốt hơn là ngồi một chỗ yêu cầu bạn đời phải đọc vanh vách những gì bạn nghĩ.
Đừng kỳ vọng chàng luôn luôn lắng nghe, sẵn sàng thấu hiểu bạn. (Nguồn ảnh: www.bisoriyo.com)
Dù có thông minh, giỏi giang và nhiều yêu thương đến đâu, bạn đời cũng khó có thể làm cuộc sống của bạn trở nên hoàn hảo 100%, xua đi mọi khó khăn và đẩy lùi mọi thử thách. Tình yêu cũng không thể hàn gắn tất cả như chúng ta từng kỳ vọng.
Cuộc sống là một chuỗi của những thử thách, mà xét cho cùng, mọi đam mê, nghị lực đều cần phải xuất phát từ chính bản thân mình. Kỳ vọng, trông đợi và dựa dẫm quá nhiều vào tình yêu chỉ khiến chúng ta thêm thất vọng về thực tại, dễ dẫn đến “mỗi người một nơi” mà thôi.
Mong chờ bạn đời “giống” mình hơn
Từ tận đáy lòng, rất nhiều người hy vọng sau khi kết hôn, người bạn đời sẽ giống mình hơn: cùng chia sẻ sở thích xem phim hành động hay cùng khoái khẩu một món ăn. Điều này chẳng phải làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn sao?
Có thể, dễ dàng hơn, nhưng nhàm chán hơn và quan trọng là bạn, cùng chồng/vợ bạn đang dần đánh mất chính mình nếu cứ luôn cố gắng thay đổi để trở nên giống một nửa còn lại. Hãy học cách chấp nhận rằng, hai chúng ta khác nhau ngay từ khi gặp mặt. Khác nhau từ cách nhìn nhận thế giới đến những giấc mơ trong đời. Vậy đó, thay vì cố chấp và cố gắng sửa đổi bản thân cũng như đối phương đến khi cả hai đi đến một sự miễn cưỡng đồng điệu, hãy mở lòng và chấp nhận những thử thách mà sự khác biệt đã tạo ra cho cuộc sống của bạn.