Kho báu đá xanh của Afghanistan bị tàn phá

Kho báu đá xanh của Afghanistan bị tàn phá

Đá xanh lapis là một loại đá quý có trữ lượng lớn nhất thế giới ở Afghanistan đem lại nguồn lợi lớn cho đất nước nhưng đang bị tàn phá bởi nạn tham nhũng.

Theo BBC, Afghanistan được xếp hạng 166/168 quốc gia về chỉ số tham nhũng, theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Minh bạch quốc tế TI. Bằng chứng rõ rệt nhất về nạn tham nhũng là số phận của một trong những khó báu lớn nhất của nước này, đá quý xanh lapis.

Kho báu đá xanh của Afghanistan bị tàn phá
Đá lapis thô và trang sức làm từ lapis bày bán ngoài trời ở Afghanistan. (Ảnh: USGS).

Đá lapis có màu xanh dương đậm, sáng lấp lánh như sao vì có các đốm màu giống kim loại vàng do lẫn quặng pyrit (FeS2). Afghanistan có trữ lượng lapis lớn nhất thế giới. Nó được khai thác tại một khu vực nhỏ quanh thung lũng sông tại tỉnh Badakshan trong hơn 6.000 năm qua.

Một cuộc điều tra kéo dài 2 năm do tổ chức phi chính phủ Global Witness vận động cho thấy, lợi nhuận từ việc buôn bán đá bán quý thay vì tới tay người dân, đang được đổ vào túi của các chính trị gia cấp cao và các quan chức hàng đầu, cũng là một nguồn thu nhập chính của Taliban và các lực lượng dân quân nổi dậy khác.

Theo Global Witness, “một kho báu quốc gia phi thường như vậy lẽ ra phải là một nguồn lực mạnh mẽ để tái thiết và phát triển thì lại trở thành nguồn gốc của xung đột”.

Những gì xảy ra với lapis là hình ảnh thu nhỏ của lĩnh vực khai khoáng Afghanistan. Theo Cơ quan khảo sát Địa chất Mỹ, giá trị của lapis chưa khai thác ước tính gần một tỷ USD, đủ để chuyển đổi nền kinh tế đất nước nghèo khó này.

Tuy nhiên, khai thác bất hợp pháp cùng với sự thông đồng của các chính trị gia cấp cao và các nhóm nổi dậy đang cướp đi nguồn lợi này.

Liên Hợp Quốc ước tính thu nhập từ khoáng sản bao gồm lapis hiện là nguồn thu lớn thứ hai của Taliban, sau thuốc phiện.

Kho báu đá xanh của Afghanistan bị tàn phá
Chuỗi vòng cổ làm từ đá lapis và mặt dây chuyền vàng của hoàng gia Ur năm 2500 trước Công nguyên. (Ảnh: Pinterest).

Mặt dây chuyền làm từ đá lapis khai thác ở đây từng được dùng để trang trí cho dây chuyền của công chúa ở thành phố đầu tiên trên thế giới – Ur, phía nam Mesopotamia (Lưỡng Hà), Iraq ngày nay. Thợ thủ công Ai Cập cổ đại cũng dùng lapis từ cùng nguồn này để vẽ lông mày mặt nạ người chết bằng vàng nổi tiếng của Pharaoh trẻ Tutankhamun.

Hàng nghìn năm sau, nó được nghiền thành bột và trở thành loại thuốc nhuộm màu xanh được đánh giá cao nhất. Nó cũng được các tu sĩ Trung cổ sử dụng trong các bản thảo viết tay và các họa sĩ thời Phục Hưng được cho là đã dùng để vẽ áo choàng của Đức Trinh Nữ Maria. Ngày nay, đá lapis vẫn được sử dụng cho đồ trang sức và trang trí.

 

Theo VnExpress