Khổ như…mọc răng khôn

Khổ như...mọc răng khôn
Mọc răng khôn là nỗi khổ mà nhiều người trải qua, không chỉ gây đau mà khi răng khôn nhú lên cũng gây khó chịu, thậm chí sốt cao đến mức mê sảng. Răng khôn hay còn gọi là răng số 8 hoặc răng cối. Đây là răng trong cùng và mọc sau nên khi mọc sẽ chèn lên răng số 7. Do thiếu chỗ mọc nên dẫn đến mọc nghiêng, lệch, ngầm làm cho lợi sưng tấy, khó chịu. 
Anh Thành (Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội) ê ẩm răng, không thể tập trung làm việc mấy ngày nay do cơn đau nhức mà răng khôn gây ra. Theo lời anh Thành, mỗi năm, răng khôn lại nhú thêm 1-2 mm. Cho nên cơn đau dai dẳng, đột ngột tái phát không báo trước. Các cơn đau tăng dần, khi lên đến đỉnh điểm kèm sốt, rét như người bị ốm lâu ngày.
“Cách đây 2 hôm, tôi còn phải nhập viện E để điều trị. Bởi vì, không chỉ có đau mà còn kèm sốt đến 40 độ C với những triệu chứng như mê sảng, mệt mỏi, đuối sức và ngủ không yên. Sau 1 ngày ròng rã truyền dịch, tôi đã khỏe hơn nhưng những cơn đau vẫn hành hạ”, anh Thành nói.
Khi răng khôn mọc ở góc hẹp như vậy sẽ tạo nên khe nhỏ. Thức ăn trong quá trình nhai sẽ đi vào các vị trí hẹp này dẫn đến đọng lại gây sâu, hôi và vi khuẩn có cơ hội phát triển. Áp lực mọc răng khôn có thể gây ra tiêu ngót chân răng của răng bên cạnh. Răng khôn có thể thoái hóa thành u, nang bệnh lý trong xương hàm, làm yếu xương hàm
Bác sĩ Tuấn Anh (Chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt) cho biết, dấu hiệu của răng khôn mọc có vùng lợi xung quanh răng khôn bị sưng phồng, khi răng đã ổn định sẽ trở lại bình thường.Trong quá trình răng khôn mọc có thể gây ra các cơn sốt kéo dài, làm nướu sưng đỏ, cử động cơ miệng không còn linh hoạt như trước.
Theo bác sĩ Nam, răng khôn kẹt trong xương hàm hoặc nướu răng, quá trình mọc răng sẽ gây áp lực lên vùng xương và nướu, kết hợp với việc thức ăn đọng bên dưới nướu phủ trên răng khôn không thể làm sạch được. Điều này dẫn đến phản ứng viêm, đau và nhiễm trùng.
Khổ như...mọc răng khôn

 

Khi răng khôn mọc, do quá đau nên mọi người lơ là đến việc vệ sinh khoang miệng. Tuy nhiên, bạn cần phải chú ý vệ sinh răng miệng giai đoạn này. Bằng cách súc miệng bằng nước muối loãng để tiêu diệt các vi khuẩn, sát trùng hàm răng cũng như vị trí răng khôn mọc còn đọng thức ăn hay vi khuẩn phát triển. 
Với những cơn đau, sốt cao, sưng một bên má, răng khôn khiến bạn khó chịu. Đừng quên dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau để giảm bớt cơn đau đã gây ra. Nếu có biểu hiện sốt cao, mê sảng hay co giật phải đến bệnh viện để được thăm khám, truyền dịch và dùng kháng sinh hợp lý.
Lấy 1 nhánh tỏi đập nát, hòa với chén nước và vài hạt muối. Sau đó dùng tăm bông nhúng dung dịch này thấm vào khu vực bị đau do mọc răng. Nó có tác dụng làm dịu cơn đau của bạn.
Có cần nhổ răng khôn?
Về vấn đề có cần nhổ răng khôn nếu quá khó chịu, bác sĩ Nam cho rằng, cần nhổ răng khôn khi khe hẹp đã hình thành giữa răng khôn và răng số 7. Bởi khe hẹp này sẽ đọng thức ăn, gây nhiễm trùng, tốt nhất nhổ răng khôn khi chưa có biến chứng xảy ra.
Tại vị trí của răng khôn bị sâu, có dấu hiệu đau nhức và nhiễm trùng nhiều lần. Hình dạng răng khôn khác thường như nhỏ, dị dạng khiến nhồi nhét thức ăn cũng cần phải nhổ.
Răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu nhưng không có răng đối diện ăn khớp, làm răng khôn trồi dài xuống hàm đối diện. Điều này tạo bậc thang giữa răng khôn và răng bên cạnh, gây nhồi nhét thức ăn, lở loét nướu hàm đối diện.
Răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu, nhưng hình dạng răng khôn bất thường, nhỏ, dị dạng, gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh, lâu ngày gây sâu răng và viêm nha chu răng bên cạnh.
Sau khi nhổ răng, bạn có thể đặt bông vào trong vùng răng đã nhổ, ngồi chờ đợi tại phòng khám để được theo dõi thêm. Vấn đề đau, sưng tấy có thể xảy ra và hết sau đó 1-2 ngày nhưng khi phát hiện chảy máu nhiều, sốt cao cần phải đến phòng khám ngay lập tức.
Đông Anh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.