Kính sát tròng “đa năng”

Kính sát tròng không chỉ là thấu kính điều chỉnh thị lực, trong tương lai nó còn có thể chữa các bệnh về mắt, theo các nhà khoa học Mỹ.

Bằng cách sử dụng các phân tử nano bạc kháng sinh và dẫn điện (antibiotic) để làm kính sát tròng, các nhà nghiên cứu ĐH California (Mỹ) có thể giám sát liên tục áp suất bên trong mắt (nhãn áp) để cung cấp thuốc vào mắt một cách trực tiếp và không làm đau.

Loại kính mới này hứa hẹn giúp điều trị có hiệu quả các căn bệnh như tăng nhãn áp và có thể cứu hàng triệu người thoát khỏi bóng tối.

Áp suất thay đổi trong mắt là dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của bệnh tăng nhãn áp. Sự thay đổi này diễn ra liên tục, có thể từ ngày này sang ngày khác, thậm chí từ phút này sang phút khác. Tuy nhiên hiện nay các bác sĩ chỉ có thể đo áp suất trong mắt với khoảng thời gian cách nhau vài tháng (phụ thuộc vào bệnh nhân), dẫn đến khó kiểm soát diễn biến của bệnh.

Công nghệ mới của các nhà khoa học ĐH California được hi vọng có thể giúp chẩn đoán sớm các căn bệnh như tăng nhãn áp, cũng như giúp điều trị tốt hơn cho các loại bệnh rối loạn trong mắt

Kính sát tròng của các nhà khoa học ĐH California làm bằng polydimethylsiloxane (PDMS), có hình dạng hoàn toàn giống như kính sát tròng thường thấy trên thị trường, bao gồm một lưới có 64 điểm đo áp suất được tạo ra từ 8×8 sợi nano bạc. Mỗi điểm này giám sát độc lập áp suất trong mắt, sau đó chuyển thông tin này tới máy tính. Trong tương lai, loại kính này có thể có hàng trăm điểm đo áp suất làm bằng các sợi nano bạc vô hình.

Ngoài ra, các bác sĩ có thể đưa vào kính sát tròng này thuốc làm giảm áp suất bên trong mắt, giúp theo dõi quá trình điều trị của loại dược phẩm này.

 

Theo TRƯỜNG THỊNH – Tuổi Trẻ Online (Discovery)