Một người đàn ông tên là Gustav Struve cho rằng mình là nạn nhân sống sót duy nhất sau một “chuyến khám phá thảo mộc định mệnh”. Struve nói rằng ông bị những kẻ “săn đầu người” bắt giữ, ép phải kết hôn với con gái vị tù trưởng, và sởn tóc gáy khi khám phá ra “bí mật của việc thu nhỏ đầu người hoặc thu nhỏ toàn bộ cơ thể”, gọi đó là những Shrunken…
Ông Struve trưng ra một bức hình về một cái đầu người to vừa vặn lòng bàn tay của ông. Vào năm 1993, sau khi tìm hiểu 2 người đàn ông bị thu nhỏ được trưng bày ngay tại Bảo tàng người Mỹ Anh-Điêng ở New York, nhà văn chuyên viết về lịch sử tự nhiên Caroline Alexander đã quyết định tìm hiểu về nguồn gốc của 2 người này.
Manh mối ít ỏi
Một chiến binh người bộ lạc Shuar sống ở rừng già Amazon, bộ lạc này chuyên làm những cái đầu người thu nhỏ từ xác các kẻ thù bị sát hại.
Tư liệu từ bảo tàng cho một chút ít manh mối: “Một bác sĩ tên là Gustav Struve đến từ Ecuador, đã bán cho bảo tàng tử thi của 2 nạn nhân vào đầu thập niên 1920”. Bà Alexander đã lần ra người con trai của bác sĩ Struve, hiện đang sống ở Quito (Ecuador), đã nói đại ý rằng: “Cha tôi đã tạo ra những cái xác ướp này”.
Alexander kể về người cháu trai David Brown của ông Struve, làm việc cho một công ty thực phẩm chức năng ở Boise, tiểu bang Idaho. Trong lần thăm căn hầm của nhà cha mẹ ở Idahovào năm 2003, tình cờ Brown đã thấy một cái hộp có chứa giấy tờ của ông mình.
Sau đó vài tháng, David Brown đã đến Câu lạc bộ những nhà phiêu lưu ở Chicago để kiểm tra “một cậu bé bị thu nhỏ” mà ông Gustav Struve từng hiến tặng từ năm 1935. Mẫu vật mới này có vẻ nổi bật so với người đàn ông bí ẩn của nhà văn Alexander.
Nhưng, cả bà Alexander và ông Brown đều bị từ chối tiếp cận 2 cái xác bí ẩn ở bảo tàng người Mỹ Anh-Điêng ở New York, vốn đã không trưng bày cho công chúng tham quan kể từ cuối thập niên 1970. Phải mất 2 năm để Brown hoàn thành cái gọi là “Cuộc điều tra về cuộc đời của Bác sĩ Gustavo Struve”.
David Brown trạc tuổi 57 nhưng trông trẻ hơn. Sau bữa ăn trưa, Brown lấy chìa khóa mở cái tủ kính đằng trước mặt và lôi ra rất nhiều cái lọ chứa rất nhiều đầu người được thu nhỏ. “Nó là một thằng nhóc”, Brown nói. Người Shuar – một bộ lạc ở rừng già Amazon chuyên thu nhỏ đầu của những kẻ thù tin rằng việc giết một người đàn ông sẽ tạo ra một linh hồn phẫn uất rời khỏi cái xác thông qua đường miệng. Để ngăn chặn điều này, môi được khâu lại rồi thực hiện nghi lễ tsantsas – lấy than chà lên xác để da có màu đen sạm nhằm ngăn ngừa linh hồn nạn nhân có thể “nhìn thấy”.
David Brown kể: “Ông Gustav nói rằng ông đã mang những cái đầu này lúc đào tẩu khỏi bộ lạc Shuar. Ông chưa bao giờ thừa nhận chính mình đã làm nên những cái đầu này”. Brown mở laptop và bấm vào mấy tấm ảnh từ album ảnh của gia đình. Có một bức ảnh chụp hồi năm 1955 về bác sĩ Struve và bà xã Gertrude, đang ăn trưa tại một nhà hàng ở Los Angeles.
“Ông ấy rất thân thiện, yêu thích trẻ con”. Câu chuyện đáng nhớ nhất trong số nhiều câu chuyện của bác sĩ Gustav liên quan đến rừng rậm với những cái xác và đầu kẻ thù bị thu nhỏ của những người Jívaro — một thuật ngữ tiếng Tây Ban Nha nói về 2 bộ lạc Shuar và Achuar.
Một chiếc đầu người thu nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay của người Jivaro gồm 2 bộ lạc “săn đầu người” khét tiếng là Shuar và Achuar.
Ngành kinh doanh ghê tởm
Các chiến binh Shuar thường tấn công kẻ thù và rút lui nhanh chóng, nhưng đủ nhanh để “cắt ngọt” những cái thủ cấp khỏi những tử thi vừa ngã xuống, rồi buộc “các thủ cấp” bằng dây vỏ cây, hay buộc xung quanh dây buộc đầu của họ. Nếu ai đó có ý định kéo một cái xác – ngay cả xác trẻ con – cũng có thể làm chậm bước rút lui và khiến chiến binh đó dễ mất mạng.
Vậy cái xác ướp trẻ con tại Câu lạc bộ những nhà phiêu lưu đến từ đâu? Phải chăng bác sĩ Gustavo Struve đã làm điều đó như cách mà nữ nhà văn Caroline Alexander tỏ ý hoài nghi? Nhưng tại sao lại phải làm thế? Ai là người đã thu nhỏ đứa bé? Bác sĩ Gustavo Struve sinh ra ở Ecuador vào năm 1893 và có cha mẹ gốc người Đức.
Năm 1918, ông tốt nghiệp phẫu thuật tại Đại học Gua-yaquil (Tây Ecuador), sau khi kết hôn với một phụ nữ Ecuador. Bác sĩ Struve có 6 năm chu du quanh Nam và Trung Mỹ. Struve định cư ở Lima (Peru), sau đó là Panama và Amazon, và vì sống tách biệt với vợ thế nên sau đó hai người hoàn toàn bặt tin nhau.
Ông Brown cho xem một lá thư có từ tháng 6/1937, một bức thư phản hồi từ Sở thú Fleishhacker ở San Francisco, đơn vị mà bác sĩ Struve có liên lạc đề nghị bán “những cái đầu người chiến lợi phẩm Jívaro”; bác sĩ Struve đã bán 1 cái đầu cho Câu lạc bộ những nhà phiêu lưu vào năm 1933 với giá 52,50 USD (giá trị ngày nay là 860 USD).
Ông Brown nhớ lại, bà nội ông kể rằng chồng bà tìm đến vùng đất Jívaro để cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế. Ông Brown đã kiểm tra xác ướp bé trai ở Chicago và nhìn thấy một mối keo dính, không phải chỉ khâu. Qua nghiên cứu về người Jivaro đã cho thấy rằng những xác người bị thu nhỏ đã hình thành một ngành kinh doanh béo bở.
Khu trưng bày đầu người thu nhỏ tại Câu lạc bộ những nhà phiêu lưu ở Chicago.
Nhà dân tộc học M.W. Stirling trong một bài viết hồi năm 1938 nhấn mạnh: “Phần lớn những cái đầu người thu nhỏ đã rời khỏi Jivaro, chưa bao giờ nằm trong tay họ. Cũng có những xác chết vô thừa nhận bị lấy cắp đầu rồi chuyển sang thu nhỏ, sau đó bán cho các khách du lịch có nhu cầu chơi “hàng độc””.
Nhà nghiên cứu M.W. Stirling cũng kết luận những xác ướp được làm giả đã được tiến hành tại nhiều nơi ở Ecuador, Colombia và Panama từ năm 1872, khi “người da trắng sống gần biên giới với vùng đất Jívaro” và họ được “học nghề” từ các bộ lạc thổ dân. Khoảng thời gian từ cuối thập niên 1800 đến đầu thập niên 1900 là thời điểm “đẻ” ra một ngành kinh doanh cực kỳ tàn ác đó là nạn đào mộ, trộm những cái xác người vừa chết không lâu, sau đó bán cho các trường giải phẫu pháp y ở Anh và Mỹ.
Những xác ướp giả cũng được tạo ra, đỉnh điểm của các hành vi giả mạo là mái tóc, môi được buộc sơ sài thay vì phải khâu, và những cái đầu giả không có những cái lỗ mà thông thường các chiến binh Shuar vẫn dùng để xỏ dây treo quanh cổ của họ trong các dịp lễ, hội.
Kể cả người Shuar cũng là những kẻ đầu cơ thương mại có nghề. Ngay từ giữa thập niên 1940, họ bán những cái đầu thu nhỏ để đổi lấy súng ngắn. Cùng khoảng thời gian đó, nhà nhân chủng học John Patton nói rằng người Shuar đã đạt được lợi thế chiến thuật so với kẻ thù Achuar.
Người bộ lạc Achuar từ lâu đã kiểm soát các con sông, tiếp cận các tuyến hàng hải, có cơ hội để trao đổi vũ khí được sản xuất ở Brazil và buôn bán thông qua ngả Peru và Ecuador. Vì thế những chiến binh săn đầu người Shuar đã đối mặt với sự trả đũa từ kẻ thù Achuar vốn được vũ trang tốt hơn, những vụ “gọt đầu” diễn ra đầy kịch tính và hết sức cẩn thận.
Về sau, đường biên giới bị đóng lại, cắt đứt đường tiếp cận thương mại và vũ khí của bộ lạc Achuar. Nhà Nhân chủng học John Patton giải thích: “Người Shuar đột nhiên thắng thế. Các chiến binh Shuar đi thành đoàn đông và cắt trụi đầu cả một gia đình người Achuar, và khi các chiến binh Achuar ít sử dụng giáo mác do nguồn cung bị đứt thì lại càng làm lợi cho người Shuar”.