Măng là một trong những loại thực phẩm rất có giá trị. Trong măng có chứa ít lipid, đường, chất béo nhưng lại chứa nhiều chất xơ. Ngoài ra, măng còn có nhiều tác dụng khác như trị táo bón, giúp tiêu hóa dễ dàng, làm giảm cholesterol trong máu.
Tuy nhiên, theo tài liệu của Cục An toàn thực phẩm, độc tố trong măng là cyanide. Đây là gỗ axit có khả năng biến đổi thành acid cyanhydric gây độc hại cho cơ thể khi sử dụng. Hàm lượng cyanide trong măng tươi là cao nhất, khoảng 230 mg trong một kg măng củ.
Theo các chuyên gia, việc dùng hóa chất tẩy măng nếu không đúng loại phụ gia thực phẩm được phép với liều lượng quy định sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt hệ tiêu hóa, phá hủy gan, thận. Bột sắt, kim loại nặng có thể gây nhiễm độc thai nhi, giòn xương, ung thư… Dưới đây là 1 số cách chọn măng tươi ngon, an toàn, không hóa chất đơn giản nhất giúp người tiêu dùng tránh cảnh “tiền mất tật mang”.
Khi chọn măng tươi, người tiêu dùng nên chọn củ có hình thô, to nhỏ đều nhau, không cong, giòn nhưng non; không có lá vàng, lá nát, măng không héo, bề mặt không có đốm; vỏ mỏng, chất giòn, nhiều nước; Vị tươi ngon có mùi thơm đặc trưng. Trường hợp măng có màu trắng, vàng bất thường và có mùi hôi thì không nên sử dụng.
So với măng khô, măng tươi dễ sử dụng hơn nhưng vị của chúng lại đắng hơn nếu chưa được xử lý trước khi nấu. Thông thường, trước khi nấu, măng tươi cần phải được luộc chín để giảm vị đắng và chất độc trong măng. Trong khi đó, măng khô đã được xử lý bớt vị đắng trước khi phơi khô.
Với măng tươi, khi chế biến cần để cả vỏ rồi xếp gọn vào trong nồi. Cho thêm vài trái ớt đã bỏ hạt, cho nước gạo vào ngập gần hết măng. Đun lửa vừa, khi thử thấy măng mềm thì tắt lửa. Chờ măng nguội, vớt ra lột vỏ, rồi xả lại vài lần bằng nước sạch; như thế sẽ loại bỏ được vị đắng của măng.
Với các loại măng đắng, măng độc nên ngâm bằng nước vôi trong; luộc bỏ vài lượt để bỏ bớt những nước đầu cho tới khi thấy nước trong rồi mới đem chế biến. Trong khi luộc, nấu nên mở vung cho chất độc bay hơi.
Những người bị đau nhức, cơ thể mệt mỏi, người suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể, sốt rét, người vừa ốm dậy hay người có đường tiêu hóa không tốt… thường được khuyên nên hạn chế đưa măng vào thực đơn hàng ngày, bởi chất độc trong măng làm bệnh tăng thêm. Không nên lạm dụng ăn nhiều măng và cần chú ý chế biến kỹ trước khi ăn.
Nguồn: Theo VietQ
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.