Trong nhịp sống hiện đại, phần lớn các công việc ít nhiều đều khiến người ta căng thẳng. Trường hợp stress nhẹ sẽ gây ra các chứng đau đầu, rối loạn. Tuy nhiên stress thực sự trở nên nghiêm trọng khi gây ra các căn bệnh về tim mạch hay huyết áp. Và không chỉ tình trạng căng thẳng là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe mà thái độ của mỗi người khi bị stress cũng là điều đáng lưu tâm. Nếu công việc có quá nhiều áp lực thì cách hữu hiệu nhất là bạn phải tập thích nghi với điều đó. Vì vậy, việc học cách giải tỏa stress là vô cùng cần thiết để bạn cân bằng cuộc sống.
-
1
Bắt đầu ngày mới với thái độ lạc quan
Một ngày mới bắt đầu với bao nhiêu việc từ làm việc nhà, đưa con đến trường cho đến phải chật vật lắm mới đến được chỗ làm do nạn kẹt xe. Để tránh tình trạng này, hãy lập ra một thời gian biểu thích hợp và khởi động một ngày mới sớm hơn một chút để có thể thư thả. Một điều cũng không kém phần quan trọng đó là mang theo thái độ tích cực đến nơi làm việc. Điều này sẽ giúp bạn có được tâm trạng vui vẻ thoải mái và giảm thiểu nguy cơ mắc stress.
-
2
Nắm rõ yêu cầu công việc
Bạn thường rơi vào tình huống dễ bị stress do không biết chính xác các yêu cầu công việc của cấp trên giao. Hơn nữa, khi không rõ các nhiệm vụ cần được hoàn thành bạn càng cuống lên và làm cho tình trạng căng thẳng thêm. Đừng ngại thảo luận với sếp của bạn nếu điều đó xảy ra. Việc nắm bắt khối lượng công việc là rất quan trọng, điều này giúp bạn dễ dàng quản lý thời gian và tránh cảm thấy áp lực.
-
3
Tránh gây mâu thuẫn
Hãy tránh xa tin đồn và các cuộc tranh luận, những người ưa tranh cãi. Các tình huống dễ gây ra mâu thuẫn như vậy có thể khiến bạn khó giữ cân bằng cảm xúc và ảnh hưởng đến uy tín của bạn trong công ty. Không nên thể hiện quan điểm của mình về chính trị hay tôn giáo một cách quyết liệt nhằm tránh những cuộc cãi vã không cần thiết.
-
4
Tạo ra môi trường làm việc lý tưởng
Có thể bạn không nhận thấy điều này nhưng một môi trường làm việc không thoải mái sẽ làm tăng nguy cơ bị stress. Đôi khi những thứ nhỏ nhặt như chiếc ghế bạn ngồi hay chiều cao của bàn làm việc lại ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất làm việc và có khả năng gây ra căng thẳng cho bạn. Do vậy, hãy trang bị các điều kiện thật thuận tiện cho mình để nơi làm việc thực sự mang lại niềm vui và sự thích thú.
-
5
Không nên kiêm nhiệm quá nhiều việc
Nhiều người cho rằng đảm đương nhiều công việc cùng lúc sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian cũng như tăng năng suất làm việc nhưng sự thật thì ngược lại. Bạn sẽ cảm thấy lúng túng cũng như dễ cáu bẳn và mất tập trung. Đừng bao giờ “ôm” nhiều việc cùng một lúc trừ khi công việc bắt buộc. Như vậy bạn sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả hơn.
-
6
Học cách bỏ qua những điều nhỏ nhặt
Đây là phương pháp quan trọng và hữu hiệu giúp bạn giải tỏa căng thẳng thường gặp trong quá trình làm việc. Hãy học cách kiên nhẫn và rộng lượng với các đồng nghiệp. Việc lẫn lộn giữa việc chung và tình cảm cá nhân sẽ khiến bạn khó sáng suốt khi giải quyết công việc. Do đó, bạn nên bỏ qua những lỗi vặt của người khác, kiểm soát sự tức giận của bản thân và giữ bình tĩnh trong mọi tình huống.
-
7
Từ chối nhận thêm việc khi bạn đã khá bận rộn
Đây là vấn đề mà hầu hết nhiều người đối mặt. Hãy từ chối nhận thêm công việc khi các đồng nghiệp nhờ vả nếu bạn đang bận rộn với các nhiệm vụ của mình. Không nên cố gắng đáp ứng những yêu cầu vô lý của cấp trên hay đồng nghiệp vì điều đó có thể dẫn đến tình trạng quá tải và stress. Đừng ngần ngại nói “Không” trong những trường hợp chính đáng.
-
8
Học cách thư giãn
Việc thư giãn cả về tinh thần và thể chất không những giúp giảm bớt căng thẳng mà còn tăng năng suất làm việc của bạn. Dành ra vài phút nghỉ ngơi bằng cách cắt giảm các cuộc điện thoại và ngồi thư giãn tại chỗ hoặc đi lại cho khây khỏa. Lắng nghe những bản nhạc yêu thích những khi có thời gian rảnh cũng là ý hay để làm dịu thần kinh của bạn.