“Lâu rồi mình không về quê, mẹ nhỉ?”

 

Đêm khuya, lạnh, ngoài cửa sổ mưa bắt đầu rơi tí tách. Mẹ trằn trọc với giấc ngủ, lòng chùng xuống. Tự nhiên nhớ đến và nhẩm theo lời bài hát cũ về quê hương: “… Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày…”. Hai đứa hôm nay cũng thức khuya hơn, quay sang yên lặng nhìn mẹ với “niềm cảm thông sâu sắc kiểu rất trẻ con”: “Mẹ lại hát bài ‘nhớ ông bà’ à?”

Vì mỗi lần hát bài này, mẹ đều mang đầy tâm trạng. Các con hỏi thì mẹ bảo: “Mẹ nhớ ông bà”, nên các con đặt tên luôn cho bài hát nổi tiếng này là “Bài nhớ ông bà”.

Mẹ không hẳn sinh ra ở một làng quê nào đó – nơi mẹ sinh ra không có cầu tre nhỏ, cũng chẳng có những cánh diều… Mẹ xa quê đã lâu lắm, nhưng mỗi lần nghe bài hát về quê hương đó, mẹ luôn cảm thấy bồi hồi, xuyến xao. Hình như tình yêu quê hương luôn chảy trong tim mỗi người, tình yêu không mất đi, vẫn ở đâu đó trong góc khuất nào đó của tâm hồn. Để rồi, chỉ cần rót vào tai âm điệu nồng nàn tha thiết của bài hát là chạm tới cả một khoảng trời lưu dấu hồn quê hương. Khi có con, mẹ cũng muốn dạy con biết yêu quê hương không phải bằng những khái niệm sáo rỗng, giáo điều xa xôi. Mẹ tin một đứa trẻ biết tự hào về nguồn gốc tổ tiên mình, sẽ là một đứa trẻ biết phân biệt đúng sai vì luôn có tình yêu quê hương dẫn đường.

Mẹ gieo vào lòng con tình yêu quê hương từ những bài hát ru, để các con cũng giống như mẹ, nghe tiếng ru lại thấy mình đắm vào dòng suối ngọt ngào của tuổi thơ và nhớ những bài học làm người rất giản dị: “Con cò đi đón cơn mưa, tối tăm mù mịt ai đưa cò về. Cò về thăm quán cùng quê. Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh”. Mỗi lần ru con, mẹ lại nhớ đến những lời ru của bà ngoại, nhớ đến đứa bé tóc vàng hoe còi cọc làm tội làm tình bà suốt 3 tháng 10 ngày. Bao nhiêu năm trôi qua, lời ru của bà ngoại là hành trang mang nỗi nhớ tình mẫu tử, tình quê hương đất nước và những con người quê chân chất mộc mạc nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Mẹ cũng mong sau này khi nhớ đến những lời ru của mẹ, con sẽ giống như mẹ, sẽ nhớ những tháng ngày êm đềm ở quê hương-nơi mà giông bão cuộc đời như chưa hề chạm tới.

Mẹ dạy con tình yêu quê hương bằng những câu chuyện, những kỷ niệm về những người thân yêu: ông bà, chú dì… Ngày xưa lúc mẹ còn bé xíu, mỗi lần khóc nhè ông ngoại thường cà cái cằm “nham nhở” râu vào cái má trắng hồng của mẹ và bảo: “Nếu khóc thì không phải con bố”. Lúc đó dù mặt đỏ gay vì đau nhưng kiên quyết không khóc. Con gái của ông ngoại ngày xưa không khóc và con gái của ông ngoại ngày nay lại hay khóc nhưng vẫn mãi là con của bố mẹ.

Cũng như ngày xưa mẹ thường ngồi háo hức nghe ông bà kể lại những ngày xưa nhọc nhằn. Những chuyện kể đó dần ăn sâu vào máu thịt để các con có được cả tình cảm họ hàng, nguồn cội và quê hương.
Quê hương là vậy, mọi thứ trong cuộc sống thường nhật của mỗi người tự nó lưu lại trong ký ức và thỉnh thoảng bỗng dâng trào lên trong tâm trí, trong khóe mắt của người xa quê. “Ký ức của mẹ” là những ngày rằm hay ngày giỗ, ông bà lại chở mẹ về quê thắp hương cho tổ tiên. Khi đủ trưởng thành, mẹ mới thấy hết cái cảm giác thiêng liêng khi đứng trong mùi hương khói cay xè mắt, khi chạm vào những cột nhà đầy bụi thời gian nơi ông bà đã sinh ra và lớn lên. “Ký ức của mẹ” được làm đầy theo ngày tháng khi ông bà đã tạo cho mẹ thói quen hướng về cội nguồn từ những ngày thơ bé.

Mẹ cũng muốn dạy con tình yêu quê hương bằng những ký ức sống chân thật. Mỗi khi có thể sắp xếp thời gian, mẹ lại cho các con về mảnh đất quê mẹ đã sinh ra và trưởng thành để những kỷ niệm của con với quê hương sẽ làm cho con yêu mảnh đất dễ yêu này bằng một tình cảm thân thương, máu thịt.

Thỉnh thoảng nghe mẹ hát bài “Bài hát nhớ ông bà”, các con lại hỏi: “Lâu rồi nhà mình không về quê mẹ nhỉ?”.

Thu Huyền

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.