Mỹ – cô gái xinh đẹp, tiểu thư con nhà có của ăn của để nhưng tính cách rất hòa đồng, đáng yêu. Mỹ bỏ qua biết bao nhiêu đàn ông theo đuổi để nhận lời yêu Việt, một chàng trai chẳng có gì ngoài chí lớn. Việt học cùng trường Đại học với Mỹ, hai người cùng chung một câu lạc bộ tình nguyện, vì cảm mến cái tính độ lượng, thương người và chăm chỉ của Việt mà Mỹ đã tự động cầm cưa anh trước.
Biết gia cảnh nhà Mỹ hơn đứt mình nên Việt rất tự ti, anh nhiều lần từ chối Mỹ nhưng cô vẫn kiên quyết lựa chọn anh, trước tấm chân tình của người con gái không tham sang giàu, Việt yêu Mỹ nhiều hơn và hứa sẽ không làm Mỹ phải buồn, phải khổ.
Ngày Việt đưa Mỹ về ra mắt mẹ, mẹ anh nhìn cô con dâu tương lai vẻ ngại ngùng vì trông cô đích thị không phải là nàng dâu hay lam hay làm, nhìn cái phong thái tiểu thư khi cô loay hoay tìm chỗ ngồi trong nhà Việt là mẹ Việt thoáng buồn, nhưng vì sự lựa chọn của con trai bà cũng thuận theo, chỉ nhắc con “trông con bé có vẻ hơi khác với nhà mình, nếu tiến đến thì con phải liệu mà ăn ở, dạy con bé theo nếp nhà nhé, chứ không mẹ lo lắm!”.
Việt cười xòa “mẹ không phải lo, cô ấy tuy tiểu thư nhưng cô ấy sống biết điều lắm mẹ ạ!”. Mẹ Việt cũng yên tâm phần nào trước cô con dâu tương lai, tuy thế bà vẫn canh cánh trong lòng những mối lo cho tương lai của con trai bà.
Mỹ đưa Việt về nhà mình ra mắt, bố mẹ Mỹ vốn là người sắc sảo nhưng vì chỉ có một cô con gái nên họ dành hết tình yêu thương cho cô, thấy con gái nói nhiều về người yêu nên ông bà cũng dành cho Việt ít nhiều thiện cảm, cuộc trò chuyện xoáy quanh định hướng về công việc trong tương lai của hai đứa, nhất là Việt.
Khi nghe Việt nói về dự định mở trường học cho trẻ em vùng cao đang gặp khó khăn, dự án sẽ thực thi trong năm năm và Việt sẽ là người đứng lên vận động hỗ trợ tài chính từ các ban ngành, nghe con rể tương lai say sưa kể về chí lớn thì bố mẹ Mỹ lại thấy lo lắng vì chàng trai này là người sống vì lý tưởng lớn, làm sao có thể lo lắng, quan tâm cho con gái mình một cuộc sống chăn ấm nệm êm? Nhưng khi nhìn thấy ánh mắt lấp lánh niềm vui của Mỹ, bố mẹ cô cũng tặc lưỡi “thôi thì trời không chịu đất thì đất phải chịu trời vậy!”. Lễ cưới diễn ra sau khi cả hai vừa tốt nghiệp đại học, Mỹ có công việc ở một cơ quan nhà nước, Việt vẫn mải mê với các hoạt động thiện nguyện của mình.
Khi cưới được ít lâu thì nhà Mỹ xảy ra một chuyện không may, cửa hàng kinh doanh của bố mẹ Mỹ bị cháy, bao nhiêu tài sản bị “bà Hỏa” thiêu trụi, rất nhiều người cùng làm ăn với bố mẹ Mỹ cũng lâm vào cảnh tay trắng vì vụ cháy đó, từ một nhà có bát ăn bát để giờ phải gây dựng lại từ đầu, bố mẹ Mỹ cũng lao đao lắm!
Trong khi Mỹ đi làm lương có hơn triệu/ tháng, mức lương chỉ đủ cô đổ xăng xe, mọi chi tiêu đều được cha mẹ đẻ chu cấp, Việt thì mải mê với công việc tình nguyện nên cũng chẳng có xu nào đóng góp, lại thêm Mỹ mang thai, cuộc sống giá đình bỗng trở nên rối ren.
Hai đứa ở xa cha mẹ nên phải thuê nhà, trước kia thì vấn đề tiền bạc không phải là nỗi lo lắng vì Mỹ vẫn có trợ cấp, Việt cũng không phải lo lắng nhiều, giờ cơ sự ra thế này, Mỹ khuyên chồng nên tìm một công việc ổn định để kiếm ra tiền hàng tháng thay vì mải mê đi làm tình nguyện như thế, trong khi vợ bụng mang dạ chửa, nhà đi thuê, lương rẻ mạt như vậy thì biết bấu víu vào đâu khi sinh con?
Những tưởng Việt sẽ nghe lời vợ nhưng không ngờ anh lại cho rằng Mỹ đã thay đổi, xúc phạm đến con đường “vì cộng đồng” của anh, đến lý tưởng sống của anh “trước kia chẳng phải anh nói đây là con đường anh đi cả đời, em cũng đã hoan hỉ chấp nhận, sao giờ chỉ vì cơm áo gạo tiền mà em lại thay đổi nhanh đến vậy?”.
Mỹ ấm ức vì chồng quá bảo thủ và không chịu hiểu vấn đề, cô nêu ra hết các khó khăn khi sinh con trong khi đồng lương của cô không thể nuôi thân được thì sao nuôi được con? Còn gia đình hai bên giờ cũng nghèo làm sao có thể trợ cấp được mãi? Là vợ chồng, phải biết chung lưng đấu cật lo cho tổ ấm của mình rồi mới lo cho xã hội chứ? Nhưng Việt không đồng ý với quan điểm của vợ, anh cho rằng Mỹ là người ích kỷ chỉ biết lo cho bản thân mà không biết nghĩ đến những mảnh đời xung quanh “nghèo một tý thì chết ai đâu nào? Bao nhiêu người xung quanh mình còn không có nhà để ở? Không có cơm để ăn? Mình giúp họ cũng là giúp chính mình, sao em có thể coi việc anh làm là không thực tế?”.
Đứng trước lý luận và tư tưởng vững như bàn thạch của chồng, Mỹ chán nản tột độ. Xưa cũng vì cái ý chí lương thiện mà yêu, giờ thì tất cả như một lỗ hổng mà cô không biết lấp sao cho đầy. Việt vẫn đam mê xây trường, làm đường cho bà con vùng sâu vùng xa, bỏ mặc vợ với cái bụng bầu 6 tháng và cơm áo gạo tiền ở nhà, mỗi lần gọi điện về cũng chỉ nói “em cố lên, chúng ta còn sung sướng hơn ối người, ở trên đây đồng bào còn không có cám mà ăn…” khiến Mỹ chỉ muốn buông máy điện thoại mà khóc thầm.
Mọi thứ cứ như vỡ nát ra hết: tình yêu, ảo tưởng, huyễn hoặc về nhau đã biến mất khi gánh nặng cơm áo gạo tiền rất thực tế bủa vây, hơn một lần Mỹ đã viết đơn ly hôn để giải thoát cho mình vì lý tưởng sống của cả hai không thể có tiếng nói chung, nhưng nghĩ đến đứa con đang lớn từng ngày trong bụng, cô lại nuốt nước mắt chịu đựng.
Nhưng tiền nhà, tiền điện nước, tiền chi tiêu hàng tháng, tiền mua đồ để chuẩn bị sinh…tất cả như một bài toán mà Mỹ không thể giải, trong khi chẳng ai có thể đỡ đần được cô vì họ cũng nghèo, lại thêm một ông chồng sống nhầm thời, lý tưởng hóa đến mê muội, cô chỉ còn biết cám cảnh cho cái phận đời hẩm hiu của mình, thi thoảng cầm lá đơn ly hôn lên rồi nước mắt lã chã rơi trong tuyệt vọng….
Châu Phượng Quỳnh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.