Liệu có thể trao nhầm con?

Hà Nội: Cháy chung cư cao tầng giữa đêm, hàng trăm người tháo chạy

Trẻ sơ sinh được đưa ra phòng cho thân nhân chăm sóc sau khi được gắn vòng thông tin vào chân

Theo bác sĩ (BS) Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản Từ Dũ, trong năm 2015, BV đã đỡ sinh cho 69.000 sản phụ. Ngày cao điểm nhất có 287 cháu ra đời. Tại BV Hùng Vương, trung bình mỗi ngày khoảng 120 trẻ chào đời. Những con số này phản ánh sự bận rộn, bộn bề ở các BV phụ sản.

Con là của mẹ

15g30 ngày 15/3, trong phòng sinh thường, khu bảo hiểm y tế, BV Hùng Vương có ba sản phụ đang chuyển dạ. Mỗi sản phụ có riêng một ê kíp chăm sóc gồm hai điều dưỡng, chăm chú theo dõi từng chuyển biến và hướng dẫn sản phụ cách thở, cách rặn. Sau ba hơi rặn, sản phụ Đỗ Thị Ngọc Vinh đã chuyển dạ thành công. Đứa trẻ khóc vang. Sự kết nối giữa mẹ và bé vẫn tiếp tục thông qua dây rốn. Điều dưỡng nhanh chóng lau sơ qua lớp màng nhầy trên người bé rồi đặt nằm úp lên bụng người mẹ, đồng thời thông báo “con của chị là bé gái nhé”.

Bé gái, con chị Đỗ Thị Ngọc Vinh được nằm trên bụng mẹ ngay sau khi chào đời – Ảnh: P.HUY

Trong khi người mẹ âu yếm ôm con vào lòng, điều dưỡng thực hiện tiếp các thao tác khác trong quy trình: ghi ngày giờ sinh của bé vào hồ sơ, cắt rốn cho bé. Ngay sau đó, cô viết tên của mẹ lên chân bé, gỡ chiếc vòng trên tay người mẹ (đã ghi đầy đủ họ tên, số hồ sơ nhập viện của sản phụ) gắn vào chân bé. Chính điều dưỡng này cũng đẩy một chiếc cân điện tử đến bên giường, bế bé đặt xuống cân và thông báo trọng lượng cho mẹ biết. Bé được đặt lại trên bụng mẹ. Sau đó, cô điều dưỡng viết lên một chiếc vòng màu hồng xinh xắn đầy đủ thông tin của mẹ, giờ sinh, trọng lượng của bé và gắn vào tay bé.

Chiếc vòng này không thể tuột, cũng không thể gỡ mà phải dùng kéo mới cắt được. Trưởng khoa Điều dưỡng của BV, bà Võ Thị Ngọc Diệp, khẳng định “quy trình được thực hiện chặt chẽ từng khâu, bé luôn ở trên người mẹ nên không thể xảy ra nhầm lẫn mẹ và con, con bảo đảm là con của mẹ”.

TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, chia sẻ: “Hơn ai hết, các BV phụ sản hiểu rõ rằng việc trao nhầm con cho sản phụ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào. Do vậy, việc xây dựng quy trình để đảm bảo trao đúng con cho mẹ được BV đặt lên hàng đầu và áp dụng rất nhiều năm nay chứ không đợi đến khi xảy ra sự cố mới xử lý”.

Ngoài ra, theo BS Huỳnh Thị Thanh Thủy, năm 2014, Bộ Y tế đã ban hành cụ thể quy định về chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm (gọi tắt là EENC). BV Từ Dũ cũng như các BV lớn hiện chấp hành rất nghiêm túc quy định này. Theo bà Lý Bạch Thu Nga, Phó phòng Điều dưỡng BV Từ Dũ, để đảm bảo sự chăm sóc và bảo vệ trẻ sơ sinh một cách tích cực, có các bước hết sức quan trọng: khi khai hồ sơ bệnh án, sản phụ lập tức được cấp mã số trên máy tính và lắc tay có đầy đủ họ tên, tuổi, mã số nhập viện. Sản phụ được chuyển vào phòng sinh sẽ trải qua việc giao – nhận lần thứ hai giữa các điều dưỡng. Các thông tin trên sẽ được kiểm tra lại lần thứ hai sao cho mọi việc chắc chắn chính xác nhất. Ở phòng sinh, sản phụ được dán thêm băng keo ghi các thông tin vào mặt trong cánh tay và được giải thích đầy đủ miếng băng keo đó sẽ dùng cho em bé khi vừa ra đời.

Trong phòng sinh, ngay khi xổ đầu thai nhi, dây cuống rốn chưa cắt, các điều dưỡng đã đặt lên bụng mẹ một tấm khăn và đặt trẻ sơ sinh lên lau cho bé và để cho mẹ được ôm bé da kề da. Điều dưỡng sẽ lấy miếng băng keo trên tay mẹ dán vào ngực bé, đồng thời bé cũng được đeo một lắc tay có ghi rõ các thông tin của mẹ. Các điều dưỡng viết vào đùi bé những thông tin của mẹ bằng loại mực riêng được dược sĩ của BV pha chế vừa đảm bảo an toàn cho bé, vừa không phai trong vòng ba-năm ngày (là khoảng thời gian sản phụ còn ở trong BV).

Cần sự hợp tác của sản phụ và thân nhân

Bên cạnh quy trình chặt chẽ nói trên, để xuất viện, sản phụ phải đi qua cổng có bảo vệ trực. Bảo vệ sẽ kiểm tra chứng minh nhân dân của mẹ, chiếc vòng trên tay mẹ và bé, nếu thông tin trùng khớp thì sản phụ mới được bế con ra khỏi BV.

Theo BS Diễm Tuyết, để đảm bảo quy trình được thực hiện chính xác, BV Hùng Vương còn có cơ chế kiểm tra định kỳ, đột xuất và kiểm tra chéo.

Nhắn nhủ với các bà mẹ trẻ đang lo lắng trước những thông tin nhầm con, bà Võ Thị Thùy Linh, Phó trưởng khoa Sinh và bà Bùi Kim Chi, Phó khoa Hậu sản N (BV Từ Dũ) nhắc nhở: để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, BV rất mong sự hợp tác chặt chẽ của sản phụ và thân nhân sản phụ. Bắt đầu từ việc cung cấp và kiểm tra thông tin, đến việc đề cao cảnh giác với kẻ gian trà trộn trong BV. Không bao giờ để trẻ nằm một mình hay giao trẻ cho bất kỳ ai, dù người đó mặc trang phục BV, tự xưng là nhân viên y tế.

Với những quy định nghiêm ngặt như vậy, liệu có còn kẽ hở nào cho sự sai sót, nhầm lẫn xảy ra? Bà Huỳnh Thị Thanh Thủy cho biết: “Có thể có những sai sót khi nhập liệu, cấp mã số. Nhưng với máy móc hiện đại và sự chặt chẽ của quy trình, chúng tôi phát hiện được rất nhanh chóng và mọi sự điều chỉnh đều phải được sự cho phép của cấp quản lý khoa”.

Nguồn: Theo Phụ Nữ Online

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.