Nó không lông, có hàm răng to sụ, nằm chôn mình dưới đất, và không hề có cảm giác gì trước axit hay ớt. Loài động vật có vú máu lạnh duy nhất được biết đến trên trái đất này chính là loài chuột chũi Đông Phi.
“Chúng là những sinh vật đáng yêu, ngọt ngào nhất mà tôi từng làm việc chung. Trông chúng có vẻ đáng sợ nhưng lại rất hiền lành“, nhà sinh vật học thần kinh Thomas Park tại Đại học Illinois, Chicago, Mỹ, nói.
Các nhà khoa học vẫn biết rằng chuột chũi có xúc giác rất nhạy cảm, có thể để thay thế đôi mắt gần như mù của chúng. Sau khi nghiên cứu bộ da, Park và cộng sự đã vô tình phát hiện ra loài gặm nhấm này thiếu hóa chất Substance P – gây cảm giác đau rát ở động vật có vú.
(Ảnh: Nature.com) |
Nhóm phát hiện ra rằng khi những con chuột chũi vô thức bị nhúng chân vào một liều axit nhẹ, tương tự như nước chanh, hay giống thành phần capsaicin gây cay trong ớt, thì chúng không tỏ ra đau đớn gì.
“Việc chúng vô cảm với axit như vậy thật là đáng ngạc nhiên“, Park nhận định. “Mọi con vật được thử nghiệm, từ cá, ếch, thằn lằn, chim đến các loài có vú khác, đều nhạy cảm với axit“.
Để kiểm tra khả năng đau sâu hơn, nhóm sử dụng một virus mang gene chứa Substance P cấy vào một chân sau của một con chuột chũi. Nhóm tìm thấy ADN đã khôi phục lại khả năng cảm nhận được sự đau rát của chuột đối với chất capsaicin trong ớt. “Chúng liền rút chân lại và liếm láp“, Park nói. Các chân khác thì vẫn hoàn toàn vô cảm với sự nóng rát của capsaicin.
Tuy nhiên, các con chuột chũi vẫn hoàn toàn không có phản ứng gì trước axit, kể cả khi đã có gene chứa Substance P. Điều này chứng tỏ có một sự khác biệt cơ bản trong việc hệ thống thần kinh của chuột phản ứng với những cơn đau như vậy.
Nhóm giả thuyết rằng các con chuột chũi đã phát triển khả năng vô cảm với axit là để thích nghi với điều kiện sống dưới mặt đất. Chúng thường thải ra hàm lượng CO2 cao, và trong điều kiện không gian chật hẹp như vậy sẽ làm tích tụ nhiều axit trong không khí. Vì vậy các con vật phải trở nên vô cảm trước axit.
Theo M.T. (Livescience, Vnexpress)