Loài ốc như sinh vật “ngoài hành tinh” nguy cơ tuyệt chủng

Loài ốc như sinh vật

Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một chi ốc sên mới, có vẻ ngoài như những sinh vật nhỏ ngoài hành tinh đang đứng bên bờ tuyệt chủng.

Một nhóm các nhà sinh vật học đã thống kê được 32 loài ốc sên cạn thuộc chi Plectostoma ở Malaysia, Sumatra và Thái Lan. 10 trong số đó là loài mới được phát hiện.

Với lớp vỏ màu cam, tím và đỏ sáng, loài ốc sên này trông vô cùng bắt mắt. Nhà nghiên cứu Thor-Seng Liew, Trung tâm Đa dạng sinh học tự nhiên ở Leiden, Hà Lan miêu tả: “Vỏ của chúng xoắn không giống như những loài ốc sên khác, khiến chúng trông giống như những viên đá quý nhỏ”.


Loài ốc sên kỳ lạ. (Nguồn: livescience.com)

Liew và các đồng nghiệp đã dùng một máy chụp CT siêu nhỏ để nghiên cứu lớp vỏ kỳ lạ của loài ốc sên này.

Loài ốc sên này chỉ sống trên các đồi đá vôi, vốn rất hiếm gặp ở Đông Nam Á, do đó nơi ở của từng quần thể ốc sên rất tách biệt, khiến chúng trở thành loài rất đặc trưng trên các vùng đồi.

Môi trường sống hẹp khiến cho mọi hoạt động khai thác đá vôi làm ximăng đều có thể tiêu diệt toàn bộ quần thể. Thực tế loài Plectostoma sciaphilum đã tuyệt chủng khi vùng đồi nơi chúng sống bị khai thác năm 2003.

Sáu loài ốc sên khác cũng phải đối mặt với hiểm nguy tương tự. P. tenggekensis, một trong số các loài được nghiên cứu có khả năng biến mất vào cuối năm 2014.

Để nâng cao nhận thức bảo tồn những con ốc sên tuyệt mỹ này, các nhà nghiên cứu đã đặt tên một số loài theo tên các nhà hoạt động bảo tồn và chính trị gia ủng hộ việc bảo tồn.

Ví dụ, loài Plectostoma whitteni được đặt theo tên của Tony Whitten, nguyên là chuyên gia đa dạng sinh học của World Bank, hiện là giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức bảo tồn động thực vật quốc tế.

 

Theo Vietnam+