Loãng xương sau sinh: Đau bàn chân tưởng… thay đổi thời tiết

Sau khi sinh, cơ thể của người phụ nữ có nhiều thay đổi, bởi trong quá trình mang thai và sinh đẻ, chị em đã mất đi một phần sức khỏe để nuôi dưỡng bào thai cũng như vượt cạn. Chính vì vậy, sau khi sinh, một số chị em gặp phải tình trạng loãng xương. 

Chị Thu Trang (23 tuổi, Hưng Yên) đã sinh con được 7 tháng, mặc dù sức khỏe của chị vẫn bình thường nhưng khoảng vài tháng trở lại đây xuất hiện tình trạng đau nhức khắp mình mẩy. Theo lời chị Trang, ban đầu chị và ông xã chỉ nghĩ đó là dấu hiệu của thay đổi thời tiết nhưng những cơn đau nhức càng tăng lên. Đi khám bệnh viện tuyến trên, chị Trang được chẩn đoán mắc phải loãng xương sau sinh.

 

“Ở độ tuổi ngoài đôi mươi của mình, tôi không nghĩ là bản thân bị loãng xương, vì ban đầu chỉ nghĩ người già hoặc phụ nữ ở tiền mãn kinh mới gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, khi đi khám mới biết được là thiếu canxi nên dẫn đến loãng xương. Ban đầu chỉ là cơn đau lưng âm ỉ, sau đó đau ở bàn chân, lưng và khớp gối khiến tôi lo lắng”, chị Trang nói.

Còn chị Hà Trang (22 tuổi, Hà Nội) mấy tháng nay liên tục phải chịu đựng những cơn đau chân liên miên. Cơn đau thường xuất hiện lúc sáng hoặc chiều tối, khiến chị Trang đi lại rất khó khăn. Theo lời chị Hà Trang, thậm chí có những ngày chị không thể nhấc nổi chân vì quá đau. Trong khi ngủ cũng có lúc bàn chân ê buốt, đau đớn rất khó chịu ảnh hưởng đến giấc ngủ.

“Sau sinh, tôi ăn uống kém, thêm nữa thức đêm trông và ru con nên cơ thể yếu đi trông thấy. Do ăn không được nên dinh dưỡng đưa vào cơ thể bị thiếu làm cho cơ thể càng ngày càng thiếu chất trong đó có thiếu canxi. Hiện nay, tôi đã đi khám và bổ sung thêm canxi để tình trạng này được cải thiện hơn”, chị Hà Trang chia sẻ.

Loãng xương sau sinh chớ bỏ qua

Loãng xương sau sinh là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ sau sinh khoảng 1-2 tháng. Triệu chứng của loãng xương sau sinh có thể là những cơn đau lưng âm ỉ, đau mỏi khắp người, các khớp chân hoặc tay, đau ở bàn chân. Tuy nhiên, rất nhiều chị em vì bận rộn với con cái sau sinh mà thường bỏ qua những triệu chứng này. Trên thực tế đây là những triệu chứng cảnh báo bạn có thể bị loãng xương sau sinh.

Tuy nhiên, chị em không nên quá lo lắng bởi tình trạng này sẽ được cải thiện từ 6-12 tháng sau sinh và khi trẻ được cai sữa. Nhưng vẫn phải chú ý để đảm bảo cung cấp canxi cho hệ xương. Nếu những cơn đau nhức quá nặng cần tham khảo ý kiến bác sĩ nhằm tìm ra phương pháp điều trị hợp lý.

Nguyên nhân của loãng xương sau sinh là do người mẹ mất đi một phần vitamin D để nuôi dưỡng bào thai trong khi  mang thai, mật độ xương giảm khi mang thai và trong thời kỳ cho con bú và chăm con nhỏ. Ngoài ra, do khoảng thời gian sau sinh phải mệt mỏi chăm sóc trẻ, ăn uống không đủ chất hoặc do quá mệt mỏi mà không ăn được cũng ảnh hưởng đến xương khớp. Mặt khác, khi mang thai, mức độ estrogen trong cơ thể tăng cũng ảnh hưởng đến hoạt động của hệ xương, khớp, gân…

Theo các nghiên cứu, chị em phụ nữ mất đi 3-5% khối lượng xương trong thời kỳ cho con bú, bởi một phần vitamin D được đưa sang cho con qua đường sữa. Vì vậy, chị em nuôi con bú phải có chế độ ăn phù hợp đặc biệt lưu ý đến thành phần canxi trong khẩu phần ăn.
Bổ sung vitamin D qua ăn các món thịt, cá, trứng, sữa. Bởi vitamin D giúp cơ thể tổng hợp canxi. Ngoài ra, canxi cũng có trong đậu phụ, chè đậu đen, chè đậu xanh, rau có lá xanh đậm, cá hồi có xương, thực phẩm ít béo làm từ sữa như sữa chua, phô mai. Cụ thể, phụ nữ sau sinh cần bổ sung ít nhất 1200mg canxi/ngày. Riêng với nhóm đối tượng mang thai ở tuổi vị thành niên, lượng canxi tối thiểu là 1400 – 1500mg/ngày.
Phụ nữ khi nuôi con nên bổ sung thêm kali và magie trong khẩu phần ăn để tăng cường phòng loãng xương hiệu quả. Mặt khác, chú ý tập luyện nhẹ với các bài tập thể dục, đạp xe nhẹ nhàng.
Đông Ngân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.