Động cơ máy bay có thể hoạt động ở nhiệt độ càng cao thì nó càng giúp tiết kiệm nhiên liệu. Để có thể hoạt động ổn định ở nhiệt độ cao như vậy thì các chi tiết kim loại trong động cơ phải được phủ một lớp chống nhiệt. Các nhà khoa học ở trường đại học West của Thuỵ Điển vừa phát triển một lớp phủ mới tốt hơn nhiều so với công nghệ phủ hiện tại – nó có thể giúp tăng tuổi thọ của động cơ máy bay lên 300%, tức 3 lần.
Lớp phủ này có chứa một lớp bột được làm từ gốm và các hạt phân tử nano nhựa, trộn lẫn vào một dung dịch lỏng. Trong khi các phân tử gốm sẽ giúp hình thành lớp chống nhiệt, thì các phân tử nhựa sẽ giúp tạo thành những lỗ nhỏ bên trong lớp phủ, cho nó có khả năng đàn hồi. Đây là một tính năng quan trọng vì lớp phủ có thể “nở ra” và tiếp xúc với lớp kim loại bên trong.
Dung dịch chất lỏng có chứa bột phủ được đun nóng ở nhiệt độ 7.000 – 8.000 độ C, giúp các phân tử gốm nóng chảy, sau đó được phủ lên lớp kim loại và tạo nên lớp chống nhiệt dày chừng 0,5mm có dạng cột đứng cực nhỏ. Các nhà khoa học cho biết cấu trúc của lớp phủ mới không chỉ giúp nó linh hoạt hơn và khó gãy vỡ hơn, mà còn cho phép nó dính chặt vào các bề mặt không bình thường.
Trong các bài thử nghiệm sốc nhiệt, ở nhiệt độ tương đương với nhiệt độ trong động cơ máy bay, lớp phủ mới cho thấy độ bền cao gấp 3 lần so với các lớp phủ hiện tại. Điều này có nghĩa là các động cơ máy bay sẽ có thể hoạt động lâu dài hơn. Ngoài khả năng tăng độ bền cho động cơ, lớp phủ mới còn có chi phí thấp hơn so với công nghệ phủ hiện tại. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng, công nghệ này sẽ được ứng dụng trên các động cơ máy bay và động cơ đốt trong trong vòng 2 năm tới.
Theo Tinh Tế