Khám sức khỏe định kỳ là điều cần thiết và nên làm. Thế nhưng, với nhiều người Việt Nam, việc khám sức khỏe định kỳ vẫn còn là điều mới mẻ. Không ít trường hợp, khi đến khám tại bệnh viện đã phát hiện bệnh trong tình trạng muộn, chuyển nặng hay vô phương cứu chữa.
Anh Hòa (Hà Tĩnh) có tiền sử nghiện rượu, trước đây từng gặp ở vấn đề ở gan, nhưng may phát hiện sớm đã được chữa trị kịp thời. Vài chục năm qua, anh không chú ý đến việc khám sức khỏe định kỳ. Mỗi lần đi khám khi có bất thường cũng chỉ thử máu hay khám tổng thể chung chung chứ không tầm soát ung thư hay làm các xét nghiệm kỹ càng.
Nhiều người ngại khám sức khỏe vì sợ phát hiện bệnh.
Cứ nghĩ sức khỏe mình tốt do da dẻ hồng hào, ăn ngủ rất tốt, nhưng khoảng 2 tuần trở lại đây anh Hòa xuất hiện triệu chứng đi ngoài ra máu, đau bụng âm ỉ thường xuyên, ăn vào khó chịu, đại tiện lúc rắn lúc lỏng. Ban đầu anh Hòa cũng chỉ nghĩ triệu chứng rối loạn tiêu hóa thông thường. Nhưng khi nhận thấy máu ở giấy vệ sinh nhiều hơn mới tá hỏa đi khám. Bác sĩ kết luận anh Hòa bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối, cả nhà thất thần như sét đánh ngang tai.
“Từ ngày bị gan do rượu, tôi ăn uống điều độ, chỉ có ít đi khám nhưng tránh xa rượu, các cuộc nhậu vỉa hè. Thế nhưng khi nhận tin này tôi sốc nặng”, anh Hòa nói.
Cũng là một người lười đi khám sức khỏe định kỳ nhưng chị Thủy (Quận 2, Tp.HCM) đã dần dần phải thay đổi điều này. Mới đây, trong một đợt đi khám sức khỏe với công ty, chị Thủy bị phát hiện khối u nang buồng trứng. Trước đó, chị Thủy không có dấu hiệu gì điển hình để cảnh giác. Theo lời chị Thủy, thỉnh thoảng chị chỉ thấy đau một chút bên sườn nhưng nghĩ do vận động hoặc ngồi một chỗ quá lâu mà không đi lại. Thế nhưng vài tháng trở lại đây, các cơn đau nhiều hơn nhưng vẫn chưa đủ cho chị phải lo lắng.
“Tôi cũng không ngờ là bản thân bị bệnh này cho đến khi khám sức khỏe. Khi khám xong, tôi cũng khá lo lắng nhưng may mắn là không nghiêm trọng. Trước đây vài ba năm tôi mới đi khám sức khỏe 1 lần thì từ nay cứ 6 tháng -1 năm, tôi sẽ dành thời gian đi khám cẩn thận”, chị Thủy nói.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Thói quen đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần gần như vẫn chưa được người Việt chú ý. Những gia đình có kinh tế khá giả thường chú ý chăm sóc sức khỏe còn những gia đình có kinh tế eo hẹp hay bận rộn với công việc thường xuyên gần như quên đi trách nhiệm này với bản thân.
Từ xưa đã có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, điều này nếu làm được sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và tiết kiệm chi phí điều trị, kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn mang trong mình tâm lý sợ đi bệnh viện, sợ khám bệnh, sợ phát hiện bệnh… những ám ảnh lâu dài càng khiến thói quen khám bệnh định kỳ trở nên xa vời.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lê Vương cho biết, khi khám sức khỏe định kỳ cần tiến hành các xét nghiệm máu, nước tiểu cơ bản để đánh giá chức năng của các cơ quan trong cơ thể như gan, thận, tiết niệu….phát hiện các bệnh lý về máu như mỡ máu, đường máu, rối loạn chuyển hóa… Một số chẩn đoán hình ảnh cơ bản như chụp X-quang cũng nên thực hiện khi khám sức khỏe định kỳ. Để dễ dàng hơn trong việc lựa chọn danh mục khám và đảm bảo được khám đầy đủ, nên lựa chọn các gói khám tổng quát đã được bệnh viện thiết kế sẵn.
Với những đối tượng đặc thù cần kiểm tra kỹ hơn như phụ nữ cần khám phụ khoa, tử cung, tiết niệu, còn nam giới kiểm tra vấn đề ở cơ quan sinh sản, người nghiện rượu cần khám gan, chức năng gan – thận… Việc khám chuyên sâu ở những chuyên khoa cụ thể giúp “khoanh vùng” các bệnh lý phổ biến nhất hoặc có nguy cơ mắc phải cao nhất do môi trường sống hiện tại của chúng ta.
Đáng lo ngại nhất hiện nay là bệnh ung thư. Nhiều người Việt Nam chỉ phát hiện bệnh ung thư khi đã ở giai đoạn nặng. Do đó, việc khám định kỳ và tầm soát sớm sẽ giúp bạn sớm phát hiện căn bệnh đáng sợ này.
Minh Giang
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.