Canxi đóng vai trò thiết yếu trong sự hình thành hệ thần kinh, tim mạch cũng như hỗ trợ sự phát triển xương, răng của thai nhi. Khoáng chất quan trọng này còn giúp mẹ bầu không bị đau nhức, mệt mỏi thậm chí là co giật khi mang thai do tình trạng thiếu canxi nghiêm trọng. Vì vậy, bổ sung canxi cho bà bầu ngay từ trước, trong khi mang thai và giai đoạn cho con bú là việc không thể bỏ qua.
Bổ sung canxi cho bà bầu – bao nhiêu là đủ?
Trung bình, như cầu canxi của bà bầu trong từng giai đoạn như sau:
– Thai kì thứ nhất (2 – 3 tháng đầu): 800mg/ngày.
– Thai kì thứ 2 (3 tháng giữa): 1000mg/ngày.
– Thai kì cuối và giai đoạn cho con bú: 1500mg/ngày.
Nếu không bổ sung đầy đủ lượng canxi cho bà bầu, thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng, còi xương bẩm sinh, dị hình do xương biến dạng, chiều cao phát triển kém trong khi người mẹ dễ bị đau khớp, tê chân, cơ bắp đau nhức, mệt mỏi và nặng hơn là hạ canxi huyết gây co giật rất nguy hiểm.
Thông thường, khi mang thai nhu cầu về canxi tăng lên đáng kể, thức ăn hàng ngày đôi khi lại không cung cấp đủ cho mẹ và bé, nên bác sĩ thường chỉ định bổ sung canxi cho bà bầu bằng cách uống thêm viên canxi tổng hợp. Tuy nhiên, nhu cầu canxi ở mỗi phụ nữ mang thai là khác nhau, vì thế mẹ sẽ được bác sĩ cho làm các xét nghiệm cần thiết để đo mức canxi, từ đó quyết định liều lượng cần bổ sung một cách hợp lý nhất. Mẹ tuyệt đối không tự ý mua canxi về uống bởi thừa canxi cũng có thể gây hại rất lớn (thai nhi dễ bị tăng canxi máu, thóp bị kín sớm sau khi ra đời, xương hàm dễ bị biến dạng, rộng và nhô ra trước,…; người mẹ thừa canxi thì lượng canxi thừa bị đào thải qua nước tiểu có thể gây canxi hóa động mạch hay sỏi tiết niệu).
Bổ sung canxi cho bà bầu từ thực phẩm
Hấp thụ các dưỡng chất tự nhiên bao giờ cũng dễ dàng và có lợi nhất, nên mẹ có thể bổ sung những thực phẩm giàu canxi mỗi ngày trong bữa ăn của mình. Thực phẩm giàu canxi cho bà bầu bao gồm:
– Đậu phụ: 1 bìa đậu chứa khoảng 800mg canxi, cung cấp gần đủ nhu cầu canxi hàng ngày nên thường xuyên ăn đậu phụ là cách bổ sung canxi hiệu quả cho cơ thể. Tuy nhiên đậu phụ bán ngoài chợ dễ chứa thạch cao nên mẹ có thể học cách tự làm/mua ở những nơi uy tín, đảm bảo.
– Đậu đen: 1 ly chè đậu đen có thể mang đến 105mg canxi cho bà bầu. Ngoài ra mẹ có thể bổ sung thêm các loại đậu khác vì chúng đều ngon và giàu dưỡng chất, đặc biệt là canxi.
– Hải sản: Luôn “nổi tiếng” là giàu canxi, các loại hải sản như tôm, cua, cá,… giúp mẹ và bé luôn khỏe mạnh, phát triển tốt; hãy ăn 1 – 2 bữa hải sản mỗi tuần mẹ bầu nhé!
Bổ sung canxi cho bà bầu từ viên uống canxi
Như đã nói ở trên, khi thực phẩm hàng ngày không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết thì mẹ bầu nên uống thêm viên canxi mỗi ngày. Tuy nhiên, liều lượng và hướng dẫn uống như thế nào, mẹ phải đặc biệt tuân theo chỉ định của bác sĩ bởi nếu bổ sung sai cách sẽ gây phản tác dụng, “hại” nhiều hơn “lợi”. Ngoài ra, còn những lưu ý vô cùng quan trọng mẹ bầu không được bỏ qua, đó là:
– Không bổ sung canxi và sắt song song: Mặc dù cả 2 khoáng chất này đều cần thiết với phụ nữ mang thai, thế nhưng canxi lại làm cản trở khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Vì thế, nếu mẹ uống viên canxi vào buổi sáng thì hãy để đến chiều uống sắt (hoặc uống theo thời gian mà bác sĩ/chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng). Mẹ cũng nhớ không ăn các thực phẩm giàu sắt và giàu canxi cùng nhau, chẳng hạn như uống sữa và viên sắt cùng lúc.
– Vitamin D đóng vai trò thiết yếu trong sự hấp thu và chuyển hóa canxi của cơ thể, vì thế ngoài việc ăn uống thực phẩm chứa canxi, mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ vitamin D mỗi ngày.
– Nên uống viên canxi vào buổi sáng (1 giờ sau khi ăn sáng) hoặc buổi trưa (1 giờ sau bữa trưa); không nên uống vào buổi tối vì dễ khiến mẹ bầu mất ngủ, sỏi thận.
– Nên chia nhỏ liều lượng nếu phải bổ sung nhiều canxi, vì cơ thể chỉ hấp thu khoảng 500mg một lúc mà thôi.
– Với các mẹ bầu bị tiền sản giật, huyết áp cao: không chọn viên canxi có chứa muối natri vì cơ thể lúc này cần hạn chế tối đa muối natri; mặt khác, thai phụ bị tiểu đường thai kì không nên chọn sản phẩm canxi có chứa đường để đảm bảo sức khỏe. Một số loại canxi chứa hàm lượng chì nhỏ nhưng có thể gây hại cho em bé trong bụng, nên trong bất cứ trường hợp nào mẹ bầu đều cần kiểm tra thật kĩ thành phần trước khi mua và sử dụng.
– Nhóm thực phẩm chứa oxalate làm giảm sự hấp thu canxi của cơ thể, vì thế không uống/ăn thực phẩm chứa nhiều canxi chung với nhóm thực phẩm chứa oxalate như trà, dâu tây, sô-cô-la, nước ép trái cây,…
Trên đây, là bài viết lưu ý bổ sung canxi cho bà bầu!
Chúc bé khỏe mẹ vui!
Xem thêm
Bà bầu nên ăn gì?
Bà bầu không nên ăn gì?
Bà bầu có nên ăn trứng vịt lộn?
Ngọc Diệp
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.