Khanh, 24 tuổi, nhân viên lễ tân một công ty kinh doanh thiết bị di động ở Hà Nội, cho biết, mới kết hôn vài tháng nhưng cô luôn cảm thấy mệt mỏi và ức chế bởi tính gia trưởng của chồng. Ở cùng bố mẹ, chồng luôn bắt Khanh phải tuân theo mọi nếp sinh hoạt của gia đình anh, không bao giờ được làm trái ý bố mẹ.
“Đang sống tự do, ăn ngủ lúc nào tùy ý, giờ về nhà anh, em như con chim bị nhốt, đi làm xong là sấp ngửa về nhà, ăn xong là dọn dẹp rồi sáng phải dậy sớm phụ mẹ chồng nấu ăn. Mặc gì cũng không được theo ý mình nữa thì còn tự do ở đâu. Vợ nói, làm gì cũng bị chồng chỉnh đốn như thầy giáo với học sinh”, Khanh kể.
Đỉnh điểm, một ngày khi ăn cơm tối xong, Khanh thấy thùng rác quá đầy thì để bát đũa vào bồn rồi xách túi rác đi đổ. Khi quay về, cô bị chồng mắng xối xả là lười biếng, đi làm về đã không phải nấu cơm, có mỗi việc rửa bát cũng dồn nốt cho mẹ.
“Em thực sự không nói được lời nào mà chỉ đứng chết trân rồi càng điên hơn khi thấy mẹ chồng giả lả ‘có mấy cái bát mẹ rửa có sao đâu, kệ cho nó nghỉ ngơi’. Mà nào em có ngồi chơi đâu. Em không thể chịu được cuộc sống này”, cô gái trẻ kể về lý do viết đơn ly hôn.
Một độc giả từng chia sẻ tình huống, vợ anh đã viết đơn ly hôn chỉ vì đòi ăn chè mà chồng không mua cho. Người đàn ông này kể rằng, khi cưới xong, vợ chồng anh đã hay mâu thuẫn vì chồng ít nói, ít thể hiện cảm xúc còn vợ nóng nảy, nói nhiều, lại hay sai vặt chồng. Đỉnh điểm mâu thuẫn là một hôm, khi đã 10h đêm, vợ sai chồng đi mua chè về ăn nhưng do mệt sau cả ngày dài làm việc, anh không đi. Thế là hai vợ chồng cự cãi rồi viết đơn ly hôn, dù khi đó vừa sinh con nhỏ, sau chưa đầy hai năm chung sống với nhau.
Tại Việt Nam, theo thống kê của ngành tòa án, cứ 4 đôi đi đăng ký kết hôn thì có một đôi đưa nhau ra tòa và khoảng 30% số này là các đôi chung sống với nhau dưới 3 năm.
Tại một số địa phương, tỷ lệ này còn cao hơn nữa, chẳng hạn, ở Yên Bái, năm 2014, số cặp vợ chồng ly hôn trong độ tuổi 25-30 chiếm gần một nửa.
Ở TP HCM, theo nghiên cứu của tiến sĩ xã hội học Nguyễn Minh Hòa (ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TP HCM), 60% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ ở độ tuổi dưới 30.
Thẩm phán Phạm Công Hùng, tòa án tối cao TPHCM, cho biết, ông đã gặp rất nhiều trường hợp các đôi mới cưới chưa bao lâu đã dẫn nhau ra tòa vì những lý do rất nhỏ như: Chồng về muộn bị vợ càu nhàu rồi thành to tiếng, chồng đi nhậu vợ không chịu được hay chồng ít quan tâm hoặc đơn giản vì một câu nói của bạn đời với gia đình chồng/vợ… Có những cặp lúc yêu thề thốt dữ dội nhưng chỉ sau một thời gian ngắn chung sống đã bỏ nhau. Theo ông, thường các trường hợp này hiếm có cơ hội đoàn tụ sau khi hòa giải bởi xung đột giữa họ đã lên đến đỉnh điểm.
Thẩm phán này cho hay, vợ chồng mới cưới nào cũng cần có thời gian để hiểu và thích ứng với nhau về tâm lý, phong cách sống… nhưng nhiều đôi lại không đủ kiên nhẫn cho việc này. Lý do họ ly hôn khi mới ở với nhau chưa bao lâu có nhiều nhưng nổi bật nhất là do “vỡ mộng” vì chưa hiểu hết về người kia. Thực tế, bất cứ đôi nào, dù hiểu nhau đến đâu, khi chung sống chắc chắn vẫn xảy ra xung đột, do sự khác biệt về tính cách, lối sống chứ không hẳn vì một trong hai người chưa đủ tốt. Trong khi đó, các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm giải quyết khiến các mâu thuẫn càng thêm căng thẳng.
Ngoài lý do này, hai vấn đề hay gặp khác khiến các đôi trẻ dễ đường ai nấy đi là xung đột về tài chính và trục trặc trong quan hệ tình dục.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt thì lý do vụn vặt được đưa ra khi ly hôn chỉ là một giọt nước tràn ly khi cả hai đã “tắc nghẽn truyền thông”: không còn muốn giải thích, chia sẻ, nhìn thấy nhau.
Bà Tâm cho biết, 3 năm đầu tiên là giai đoạn nguy hiểm nhất trong hôn nhân khi hai cá tính, hai con người, hai lối sống va chạm và hai người yêu nhau thấy được những khác biệt và mặt xấu của nhau. Thực tế cho thấy, cặp nào giai đoạn tiền hôn nhân sơ sài, chưa hiểu rõ nhau thì giai đoạn mới chung sống càng khó khăn.
“Nếu lấy ai đó, hãy chắc rằng ‘nửa kia’ của bạn là một người đã hoàn toàn trưởng thành, lành mạnh về cả thể chất và tinh thần, hoặc chí ít, nếu họ có ‘bệnh’ thì bạn cũng cần biết rõ để xem liệu mình có chấp nhận và đủ can đảm cùng vượt qua. Tôi từng thấy nhiều chàng trai sau cưới phải ly dị vì không chịu được người vợ ghen tuông bệnh hoạn hoặc quá sợ hãi chuyện quan hệ vì bản thân từng là nạn nhân của cưỡng hiếp hay chứng kiến cảnh này”, bà Tâm chia sẻ.
Bà cho rằng, để tránh những bi kịch sau khi kết hôn, không còn cách nào khác là các đôi phải tìm hiểu kỹ nhau trước khi cưới, học cách ứng xử khi đứng ở vai trò mới, khi đã làm vợ, chồng, dâu, rể… Nên tham gia các khóa học tiền hôn nhân để học cách ứng xử và giải quyết các xung đột khi lập gia đình và quan trọng nhất là để hiểu rõ liệu cả hai có phù hợp để tiếp tục tiến đến với nhau. Trước khi kết hôn, cả hai cũng cần thẳng thắn trò chuyện về những mong đợi của mình với bạn đời, về cách quản lý tài chính gia đình, cách ứng xử với gia đình hai bên và cả chuyện quan hệ tình dục.