Mách mẹ bầu ăn cá sao cho đúng để không bị nhiễm độc thủy ngân

Mách mẹ bầu ăn cá sao cho đúng để không bị nhiễm độc thủy ngân

Có nên ăn cá khi mang thai là vấn đề rất nhiều bà bầu thắc mắc. Cá rất giàu axit béo omega-3 (đặc biệt là DHA và EPA). Đây là chất quan trọng đối với sự phát triển não bộ và mắt của bé. Cá ít có chất béo bão hòa nhưng nhiều chất đạm, vitamin D và các chất dinh dưỡng khác cần thiết cho sự phát triển toàn diện của bé trong bụng mẹ. Tuy nhiên một số mẹ bầu lại lo sợ vì biết thông tin một số loại cá chứa thủy ngân. Nếu ăn nhiều, sẽ gây hại cho hệ thần kinh và não bộ của bé.

Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai vẫn nên ăn cá, nhưng phải biết lựa chọn loại cá phù hợp và điều chỉnh khẩu phần ăn.

Thủy ngân nhiễm vào cá như thế nào

Thủy ngân hiện diện ở khắp mọi nơi, ngay cả trong không khí chúng ta hít thở hàng ngày. Một số nguồn thủy ngân trong núi lửa và cháy rừng là nguồn thủy ngân tự nhiên. Ngoài ra thủy ngân cũng được thải ra từ các ống khí thải của nhà máy điện, nhà máy xi măng hóa chất và các nhà sản xuất công nghiệp.

Khi thủy ngân ngấm vào nước, nó chuyển đổi thành metyl thủy ngân. Cá hấp thụ thủy ngân trong nước khi bơi lội và ăn các thứ từ trong môi trường nước ấy. Chất metyl thủy ngân gắn chặt với các protein trong cơ thể cá và không mất đi ngay cả khi cá được nấu chín.

Hầu như tất cả loại cá và tôm cua đều chứa lượng thủy ngân nhất định, nhưng loại cá ăn thịt tích lũy nhiều thủy ngân nhất trong cơ thể. Do chúng còn ăn thịt các con cá con khác. Các con cá lớn này cũng sống lâu hơn những con cá nhỏ, do đó thời gian bị nhiễm thủy ngân nhiều hơn.

Mách mẹ bầu ăn cá sao cho đúng để không bị nhiễm độc thủy ngân
Khi mang thai, mẹ bầu nên ăn cá hồi. Cá hồi có lượng thủy ngân thấp và rất giàu axit béo Omega-3.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mẹ bầu ăn cá nhiễm thủy ngân

Cơ thể người bình thường dễ dàng hấp thụ metyl thủy ngân từ cá – và nếu bạn đang mang thai, metyl thủy ngân sẽ truyền qua nhau thai.

Nghiên cứu cho thấy rằng bị nhiễm metyl thủy ngân khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh của thai nhi. Mức độ nhẹ hoặc nặng tùy từng trường hợp. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA), ngoài não bộ và hệ thần kinh bị ảnh hưởng, khả năng nhận thức (như trí nhớ và sự tập trung), khả năng ngôn ngữ, khả năng vận động và thị giác đều bị tác động xấu.

Phụ nữ có thai, có ý định mang thai, đang cho con bú và trẻ nhỏ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu bị nhiễm thủy ngân.

Các chuyên gia vẫn đang tranh luận lưu lượng thủy ngân có hại là bao nhiêu. Tuy chưa tìm ra nhưng chuyên gia đều khuyên phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ cần tránh ăn những loại cá có nhiều thủy ngân.

Nguy hiểm như vậy, tại sao không bỏ hẳn cá ra khỏi chế độ ăn uống?

Không thể không bổ sung cá vào chế độ ăn hàng ngày, bởi cá là lựa chọn dinh dưỡng tuyệt vời, đặc biệt với bà mẹ mang thai. Nếu loại bỏ cá khỏi chế độ ăn, chúng ta sẽ nhận được hại nhiều hơn lợi.

Chúng ta vẫn có thể ăn cá, miễn là tránh những loại cá chứa nhiều thủy ngân. Vì những axit béo có lợi trong cá rất cần thiết cho sự phát triển não bộ của bé. Trí thông minh của bé sau này phụ thuộc phần nhiều vào chế độ dinh dưỡng ăn nhiều cá của mẹ khi mang thai.

Trong một nghiên cứu khác ở Đan Mạch, những trẻ có mẹ ăn nhiều cá khi mang thai (trung bình 400 gram một tuần) có kỹ năng vận động và kỹ năng nhận thức vào thời điểm 6 tháng và 18 tháng tuổi tốt hơn nhiều so với những bé có mẹ ăn ít cá. Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng ăn cá trong thời gian mang thai có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ sinh non và nhẹ cân.

Mẹ bầu ăn cá sao cho đúng để không bị nhiễm độc thủy ngân
Cá kình – 1 trong 4 loại cá nhiều thủy ngân mẹ bầu tuyệt đối không nên ăn.

Những loại cá có hàm lượng thủy ngân cao

Năm 2004, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) công bố thông tin về các loại cá có lượng thủy ngân cao. Trong đó, họ xác định được bốn loại cá phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và trẻ nhỏ không nên ăn là: cá mập, cá kiếm, cá thu vua, cá kình.

Sau đó một số nghiên cứu khác được thực hiện và thêm vào danh sách này một số loại cá khác như cá ngừ tươi hoặc đông lạnh, cá vược, cá chẽm Chile, cá chỉ vàng, cá cờ, cá range roughy, cá cam, cá thu Tây Ban Nha từ Vịnh Mexico và cá Walleye từ Great Lakes.

Nên ăn những loại cá nào

Có nhiều luồng ý kiến ​​khác nhau về các loại cá an toàn cho thai kỳ và trẻ nhỏ. Các cố vấn của FDA và EPA cho biết có thể ăn 340 gram một tuần bất kỳ loại cá nào, ngoài 4 loại cá: cá mập, cá kiếm, cá thu vua, cá kình.

Một số chuyên gia khác phản bác thông tin này vì cho rằng FDA đã không tính đến lượng thủy ngân có sẵn trong cơ thể mẹ bầu từ trước khi mang thai. Trên thực tế, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) báo cáo rằng 10% phụ nữ Mỹ trong độ tuổi sinh đẻ có hàm lượng thủy ngân khá cao.

Các chuyên gia cho biết có thể ăn 8 loại cá có lượng thuỷ ngân thấp là: cá cơm, cá trích, cá thu, cá hồi vân (cá nuôi), cá hồi tự nhiên, cá mòi, cá shad (ở Mỹ), và cá thịt trắng.

Cá ngừ đóng hộp có an toàn không?

FDA khuyến cáo rằng phụ nữ mang thai ăn không quá 340 gram cá ngừ vụn đóng hộp và không quá 170 gram cá ngừ đóng hộp nguyên miếng.

Ngoài cá, nên bổ sung các loại thực phẩm nào khác giàu Omega-3

Có rất nhiều loại thực phẩm cũng giàu axit béo Omega-3 như trứng, sữa, đậu nành, nước trái cây, sữa chua, bánh mì, ngũ cốc, và bơ thực vật.

Có nên uống thuốc bổ sung Omega-3?

Khi mang thai có thể bổ sung thuốc Omega-3 nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sỹ.

Việt HàNguồn: BC

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.