Mang thai 3 tháng đầu – những điều mẹ bầu không được bỏ qua

Mang thai 3 tháng đầu - những điều mẹ bầu không được bỏ qua

Mang thai 3 tháng đầu – Từ thời điểm tinh trùng tìm được đến trứng và quá trình thụ thai thành công, cơ thể người mẹ bắt đầu đối mặt với những thay đổi lớn để chuẩn bị cho sự phát triển của mầm sống mong manh vừa hình thành. Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng – khi em bé mới là những tế bào đầu tiên, yếu ớt và cực dễ bị tác động bởi bất cứ tác nhân nào; trong khi cơ thể mẹ phải “vật vã” tạo môi trường tốt nhất để bé yêu lớn lên. Và phải đợi đến khoảng tháng thứ 4 trở đi, mẹ mới có thể yên tâm hơn vì bào thai trong bụng đã dần ổn định, cơ thể bắt đầu quen với sự có mặt của “vị khách” mới.

Thời gian này, mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý giữ gìn và chăm sóc sức khỏe, sao cho bé yêu được bảo vệ an toàn khỏi những tác nhân gây hại có thể dẫn đến hậu quả xấu như nguy cơ dị tật, sảy thai,… Để làm được như vậy, mẹ cần đặc biệt lưu ý những điều sau:

Mang thai 3 tháng đầu - những điều mẹ bầu không được bỏ qua

Bổ sung dinh dưỡng khi mang thai 3 tháng đầu

– Cung cấp đủ năng lượng và protein: Giai đoạn này, mẹ bầu chỉ cần bổ sung thêm khoảng 100calo/ngày so với trước khi mang thai, tuy nhiên bạn không nên coi nhẹ mà bỏ qua vì cả hai mẹ con đều cần thêm năng lượng cho các hoạt động của cơ thể. Ngoài năng lượng, protein là thành phần vô cùng quan trọng để nuôi dưỡng cơ thể mẹ và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi, hãy đảm bảo cung cấp khoảng 1g protein/1kg trọng lượng cơ thể. Đó là lý do bà bầu nên ăn thêm thịt gia súc, gia cầm, trứng, cá; ngũ cốc, các loại đậu, hạt khô,…

– Đảm bảo “nạp” đủ lượng canxi hàng ngày: Trung bình, bà bầu cần khoảng 800mg canxi/ngày khi mang thai 3 tháng đầu. Đây là khoáng chất thiết yếu với sự hình thành hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ xương – răng của thai nhi. Do đó, hãy bổ sung thêm khoảng 600ml sữa tươi mỗi ngày hoặc các thực phẩm giàu canxi khác như sữa chua và các sản phẩm từ sữa, rau lá xanh, đậu nành, hải sản,… để bé yêu phát triển tốt nhất mà mẹ tránh được tình trạng cơ thể đau nhức, mệt mỏi, co giật,… do thiếu canxi gây ra.

Lưu ý: Mỗi bà bầu có nhu cầu canxi khác nhau nên tốt nhất hãy để bác sĩ xét nghiệm, tư vấn lượng canxi cần bổ sung cụ thể. Nếu không được cung cấp đủ từ thực phẩm, bà bầu sẽ được chỉ định uống thêm viên canxi theo liều lượng phù hợp.

– Tăng tiêu thụ các axit béo omega-3. Chúng cần thiết cho sự phát triển bộ não, hệ thần kinh và mắt của thai nhi. Mẹ bầu hãy bổ sung các axit béo này từ cá hồi tự nhiên, cá mòi, cá trích, hàu, dầu đậu nành, dầu hạt cải, quả óc chó, đậu nành, rau xanh đậm,… để mẹ khỏe, bé thông minh nhé!

– Axit folic – “thần hộ mệnh” của thai nhi: Không phải nói nhiều đến tác dụng cực kì quan trọng của axit folic đối với thai nhi, đặc biệt là khi mẹ mang thai 3 tháng đầu. Axit folic hỗ trợ sự phát triển cột sống và tế bào thần kinh, tim mạch,…ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh (đặc biệt là tất nứt đốt sống), bệnh tim mạch và tật hở hàm ếch. Không chỉ vậy, thiếu axit folic khiến mẹ bầu dễ sinh non, sảy thai, trầm cảm sau sinh,… Do đó, không chỉ khi mang thai 3 tháng đầu mà trước khi mang thai, trong suốt thai kì và thời gian cho con bú, bà bầu cũng nên bổ sung axit folic đầy đủ.

Mang thai 3 tháng đầu - những điều mẹ bầu không được bỏ qua

– Không được bỏ qua vitamin D: Hãy ăn thêm lòng đỏ trứng, cá trích, cá mòi, cá ngừ, cá hồi, uống sữa tăng cường vitamin D hoặc phơi nắng vào sáng sớm để cung cấp cho cơ thể lượng vitamin quan trọng này.

– Ngoài ra, sắt là khoáng chất không thể bỏ qua trong thực đơn hàng ngày: Để em bé phát triển toàn diện nhất, bà bầu cần ăn thêm thịt bò, các loại đậu, rau xanh đậm,… và các thực phẩm giàu sắt khác.

Mang thai 3 tháng đầu – những điều nên làm

– Tăng cân từ từ: Rất nhiều bà bầu mắc sai lầm là phải ăn uống thật nhiều, “ăn cho 2 người” và khiến cân nặng tăng quá nhanh khi vừa bầu bí. Thực ra, trong 3 tháng đầu mang thai, bạn chỉ nên tăng khoảng 1 – 2kg là đủ. Việc tăng cân quá nhiều, quá nhanh có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé.

– Tập luyện nhẹ nhàng: Nếu không gặp vấn đề gì về sức khỏe, mẹ bầu vẫn có thể tập các bài tập nhẹ nhàng, đơn giản để ngừa đau lưng và tăng cường sức khỏe, tăng khả năng chịu đựng và giúp cơ thể chuẩn bị cho những thay đổi về thể chất, hỗ trợ quá trình sinh nở.

– Khám thai đầy đủ: Ngay khi phát hiện thấy “2 vạch” là bạn nên đến bác sĩ để được xét nghiệm, kiểm tra và tư vấn những điều cần thiết trong thai kì. Bác sĩ cũng sẽ đưa ra thời gian hẹn khám để kiểm tra xem thai đã vào tử cung chưa cùng những lời khuyên về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng tốt nhất.

– Uống nhiều nước: Hãy bổ sung thêm nước hàng ngày để tạo điều kiện cho máu huyết lưu thông, hỗ trợ cung cấp dinh dưỡng và oxy cho bào thai và cả cơ thể mẹ.

– Nghỉ ngơi, ngủ nhiều hơn: Sự thay đổi nội tiết tố để tạo môi trường phù hợp cho bào thai song song với việc cơ thể mẹ phải đối mặt với rất nhiều thay đổi. Buồn nôn, mệt mỏi,… là các triệu chứng phổ biến mà đôi khi có thể khiến mẹ bầu bị kiệt sức. Vậy nên hãy cố gắng nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể, ngủ đủ giấc và giữ tâm lý thoải mái để cơ thể có điều kiện phục hồi.

Mang thai 3 tháng đầu - những điều mẹ bầu không được bỏ qua

– Cắt giảm caffeine: Thói quen uống quá nhiều cà phê hay các đồ ăn, thức uống nhiều caffeine có thể khiến bà bầu đối mặt với nguy cơ sảy thai trong 3 tháng đầu. Do đó, hãy hạn chế tối đa và nếu có thể, cắt bỏ cà phê khỏi thực đơn mỗi ngày là điều tốt nhất mẹ nên làm cho bé.

Mang thai 3 tháng đầu – những điều cần tránh

– Không dùng bất cứ loại thuốc gì khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Các thành phần của thuốc có thể đi qua nhau thai, “xâm nhập” vào máu của thai nhi và có thể gây những hậu quả khôn lường. Do đó, để đảm bảo an toàn, mẹ bầu tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, thậm chí là thuốc bổ nếu không được bác sĩ hướng dẫn.

– Không “mạo hiểm” với thực phẩm: Ăn uống là vấn đề cần được đảm bảo nhất trong thời gian này. Hãy bổ sung đa dạng thực phẩm để cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng cần thiết khác cho thai nhi phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, mẹ bầu cần đảm bảo thực phẩm được nấu chín, không ăn đồ sống, tái, hạn chế đồ hộp, thức ăn nhanh và những đồ ăn không có lợi cho bà bầu.

– Giảm tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: Phụ nữ mang thai tiếp xúc với không khí ô nhiễm (nhất là trong 3 tháng đầu) sẽ làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật và sinh non.

– Tránh xa thuốc lá: Dù bạn không hút thuốc, bạn vẫn phải cẩn thận vì xung quanh vẫn tồn tại nhiều khói thuốc. Hút thuốc thụ động thậm chí còn gây hại hơn hút thuốc chủ động, vì thế hãy cố gắng ở trong một bầu không khí trong lành nhất có thể. Ngoài ra, rượu, bia và đồ uống có cồn cũng là những thứ bà bầu nên tránh xa để không làm suy yếu hệ thần kinh và thể chất của bào thai.

– Tránh căng thẳng: Chán nản, mệt mỏi, stress có thể làm tăng nguy cơ sảy thai. Do đó hãy giữ tinh thần thoải mái nhất có thể, đặc biệt là khi mang thai 3 tháng đầu “đầy biến động” mẹ bầu nhé!

– Tuyệt đối không tắm nước nóng, ngâm bồn nước nóng hoặc xông hơi. Nhiệt độ cao có thể gây mất nước và đe dọa sự an toàn của em bé trong bụng mẹ.

Trên đây là những lưu ý quan trọng khi mang thai 3 tháng đầu mà mỗi mẹ bầu cần nhớ kĩ. Chúc mẹ vượt qua thai kì thứ nhất khỏe mạnh và suôn sẻ!

Xem thêm

Bà bầu nên ăn gì?

Bà bầu không nên ăn gì?

Bà bầu nên ăn gì trong 3 tháng đầu

Ngọc Diệp

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.