Tuần thai thứ 9
Bé có kích thước bằng 1 trái quất, dài gần 3cm và nặng gần 7g. Về cơ bản bé đã hoàn thành những bộ phận quan trọng nhất.
Ở tuần này, em bé của mẹ chỉ “bé xinh” thế này thôi
(Ảnh: BabyCenter)
Tuần thai thứ 9 được coi là thời kỳ chuyển giao giữa giai đoạn phôi thai sang bào thai. Thời gian sắp tới các mô và bộ phận trong cơ thể bé sẽ được hoàn thiện rất nhanh.
Tay chân bé (bao gồm các khớp) cùng với hệ xương tiếp tục phát triển mạnh. Lớp màng ở tay, chân đã biến mất và bé đã có thể gập duỗi được các khớp. Bên cạnh đó, những chiếc móng nhỏ xíu trên các ngón tay, ngón chân bắt đầu hình thành.
Ngoài ra, các cơ quan khác như gan, thận, não hay ruột dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện song cũng đã bắt đầu nhiệm vụ của mình. Túi noãn đã tiêu biến và cơ thể bé bắt đầu sản xuất hồng cầu.
Thời điểm này bé bắt đầu biết cử động nhẹ với chiếc đầu “quá khổ” (phần đầu của bé ở giai đoạn này chiếm tới 1/2 cơ thể bé).
Tuần thai thứ 10
Chỉ sau 1 tuần, bé dài hơn gấp 2 lần và nặng khoảng 8g so với trước. Hiện tại bé có kích thước của 1 trái sung (hay 1 quả mận tây). Bé bắt đầu cử động nhiều hơn, bàn tay của bé có thể xòe ra nắm vào. Đầu của bé cũng dần trở nên cân đối hơn so với cơ thể. Những chồi răng đầu tiên bắt đầu xuất hiện dưới lợi. Cơ quan sinh dục ngoài của bé cũng dần hình thành.
Kích thước của bé ở tuần này tương đương như 1 trái sung
(Ảnh: BabyCenter)
Thêm vào đó, với sự phát triển nhanh chóng về kích thước và hình dáng của một số bộ phận như tay chân, mũi, miệng…ở tuần này trông bé đã giống hình dạng của “con người” hơn, đáng yêu hơn và cân đối hơn. Tính từ thời điểm này, bé bắt đầu cử động nhiều hơn và sẽ không lâu sau mẹ có thể cảm nhận được những dấu hiệu máy thai (cử động) đầu tiên của bé.
Bước sang giai đoạn này, bé phát triển nhanh hơn do đó mẹ có thể bổ sung thêm viên nang tổng hợp (bao gồm vitamin và chất khoáng) có chứa axi folic, DHA… nhằm hỗ trợ tốt cho quá trình phát triển của bé cũng như giảm thiểu các dị tật thai nhi do thiếu chất gây ra.
Tuần thai thứ 11
Điều ấn tượng nhất trong tuần thai này chính là việc bé bắt đầu biết phản xạ. Ngoài việc nắm xòe các ngón tay, bé bắt đầu có phản xạ mút hay đáp lại những lần chạm tay của mẹ lên bụng. Tuy nhiên những sự phản ứng đáp lại này vẫn còn rất nhẹ nên có thể mẹ vẫn chưa nhận thấy.
Ở tuần thai này, bé bắt đầu có hiện tượng bài tiết nước tiểu trong bàng quang. Các tế bào thần kinh cũng đang nhân bản với tốc độ chóng mặt. Khuôn mặt bé càng ngày càng ra dáng hơn khi tai, mắt (dù vẫn đang nhắm chặt) đã ở đúng vị trí, đầu bớt to hơn so với cơ thể.
Đây cũng là lúc bụng của mẹ bắt đầu “nhô” ra, vòng ngực cũng to ra do tuyến sữa phát triển. Ở thời điểm này, mẹ nên bắt đầu nghĩ đến việc lựa chọn đồ bầu phù hợp cho bản thân và thoải mái cho em bé.
Tuần thai thứ 12
Bé đã lớn bằng quả đậu Hà Lan, nặng gần 30g. Lúc này bé bắt đầu hình thành các dấu vân tay và đang trở nên đáng yêu hơn mỗi ngày. Bé cử động nhiều hơn, tinh nghịch hơn và cũng biết đáp lại những lần chạm tay của mẹ nhiều hơn.
Kích thước của bé lúc này chỉ như thế này thôi
(Ảnh: BabyCenter)
Với mẹ, tuần thai này là thời điểm khá đặc biệt trong suốt quá trình mang thai, đánh dấu sự kết thúc giai đoạn 3 tháng đầu với rất nhiều chuyển biến tích cực. Cơ thể mẹ sẽ quen hơn với việc mang thai, những cơn mệt mỏi ốm nghén cũng dần biến mất và cảm giác ngon miệng cũng sắp quay trở lại. Các nguy cơ xảy thai cũng giảm đi đáng kể.
Cũng ở tuần thai này, rất nhiều mẹ cũng sẽ được bác sĩ chỉ định siêu âm 3D lần đầu tiên nhằm tầm soát dị tật thai nhi (bao gồm cả việc tầm soát bệnh Down ở thai nhi). Đây cũng sẽ là lần đầu tiên mẹ được nhìn thấy những cử động của em bé trong bụng và rất có thể sẽ biết bé là trai hay gái. Tuy nhiên ở thời điểm này vẫn còn quá sớm để khẳng định chắc chắn giới tính của em bé và sai số trong siêu âm khá lớn.
Phong Anh (Tổng hợp)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.