Mang thai tháng thứ 4 – “tuần trăng mật thai kì”

Mang thai tháng thứ 4 -

Bước sang tháng thứ 4 của thai kì, mẹ bầu sẽ không còn vật vã với những cơn nôn nghén triền miên, những buổi sáng mệt đến kiệt sức và bước sang chuỗi ngày tràn đầy năng lượng…

Mang thai tháng thứ 4 được coi là thời gian tuyệt vời nhất của thai kì, khi các triệu chứng nghén đã giảm đi rõ rệt hoặc hoàn toàn biến mất; sức khỏe của mẹ bầu tốt lên một cách “đột biến” sau khi trải qua khá nhiều biến động trong thời gian trước để tạo môi trường phù hợp cho bé cưng lớn lên mỗi ngày.

Những thay đổi trên cơ thể mẹ bầu khi mang thai tháng thứ 4

Ngực nhạy cảm hơn
Từ tháng này, tuyến sữa đã “rục rịch” chuẩn bị cho giai đoạn bé bú sau này, do đó mẹ sẽ thấy ngực mình to hơn, nặng nề hơn và khá nhạy cảm.
Thường xuyên đau bụng
Nếu như ở những tháng trước, thai nhi mới nhỏ xíu như một hạt vừng thì từ tháng này, bé cưng trong bụng mẹ lớn lên rất nhanh. Do đó, tử cung lớn lên và tạo áp lực mạnh hơn xuống bụng dưới, chèn vào các dây chằng, mô khiến mẹ bị đau bụng do cơ thể còn chưa thích nghi. Tuy nhiên, nếu mẹ bi đau buốt vùng bụng dưới song song với các triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, ra máu,… thì cần đi gặp bác sĩ ngay lập tức.
Mang thai tháng thứ 4 -
Tử cung lớn lên và tạo áp lực mạnh hơn xuống bụng dưới, chèn vào các dây chằng, mô khiến mẹ bị đau bụng. (Ảnh minh họa)
Hăm vùng kín
Nồng độ hormone estrogen tăng lên khiến cho “vùng tam giác” luôn luôn ẩm ướt, thậm chí dễ bị hăm như trẻ con nữa. Tình trạng tiết nhiều dịch âm đạo sẽ còn kéo dài đến tận cuối thai kì, vì thế mẹ tập làm quen dần đi nhé. Thực ra hiện tượng này hoàn toàn bình thường, thậm chí còn đảm bảo sự cân bằng của vi khuẩn có lợi trong âm đạo, thế nên mẹ không cần phải lo lắng gì hết.
Ham muốn tình dục tăng cao
Khi mang thai tháng thứ 4 – điều này có nghĩa là mẹ bắt đầu bước vào “tuần trăng mật thai kì” với những ham muốn tăng lên đáng kể. Đó là do tác động của sự thay đổi hormone trong cơ thể gây ra. Từ tháng thứ 4 này đến hết thai kì giữa, sức khỏe của mẹ bầu tăng lên, cùng với những thuận lợi khác như “cô bé” trở nên ẩm ướt, hấp dẫn hơn nên “chuyện ấy” cũng tuyệt vời không kém.
Quan hệ tình dục khi mang thai đem đến nhiều lợi ích không nhỏ cho bà bầu, do đó mẹ và cả bố của bé không cần phải quá lo lắng; chỉ cần nhẹ nhàng một chút, tránh những tư thế không phù hợp là có thể tận hưởng những khoảnh khắc rất tuyệt vời rồi. Tất nhiên, em bé sẽ không sao cả!
Một số mẹ bầu khác thì hoàn toàn “tắt” hết nhu cầu gần gũi với chồng, đây cũng là điều bình thường và trong trường hợp ấy, các ông bố nên cố gắng chờ thêm vài tháng nữa nhé. Tuyệt đối không cố gắng làm “chuyện ấy” để chiều lòng đối phương, thay vào đó, mẹ có thể gần gũi ông xã bằng những cử chỉ âu yếm, những câu chuyện thú vị về bé cưng chẳng hạn.
Mang thai tháng thứ 4 -
Ợ nóng
Như đã nói, khi tử cung của mẹ to dần lên, nó sẽ gây áp lực lên rất nhiều các bộ phận khác xung quanh và dạ dày cũng không ngoại lệ. Khi kích thước càng tăng, tử cung càng đè lên dạ dày đồng thời đẩy tuyến tụy lên khiến cho việc trao đổi chất của mẹ trở nên chậm chạp hơn và những cơn ợ nóng ghé thăm thường xuyên. Tình trạng này cũng kéo dài đến tận cuối thai kì, và cách duy nhất để khắc phục là mẹ nên chia nhỏ bữa ăn mỗi ngày; điều này cũng giúp mẹ không bị khó chịu, đầy bụng do ăn quá no nữa.
Chảy máu cam
Không có gì nguy hiểm cả, và rất nhiều bà bầu cũng gặp hiện tượng này nên mẹ không cần phải cuống lên đâu. Đó là do lượng máu lưu thông trong cơ thể tăng lên đáng kể khi mang thai để nuôi dưỡng bé cưng; và khi sự vận chuyển máu bị dư thừa, nó gây ra hiện tượng chảy máu cam thường thấy.

Mang thai tháng thứ 4 – Sự phát triển của thai nhi

Bé cưng cử động nhiều hơn
Điều này thật tuyệt phải không, chắc chắn mẹ sẽ chẳng thể nào quên lần đầu thấy con “máy” hạnh phúc đến nhường nào. Ở tháng này, chân tay của bé đã khỏe hơn do hệ xương phát triển rất nhanh, do đó con có thể chuyển động ngày một nhiều, những cú “máy” cũng sẽ mạnh dần lên.
Bé có lông mày
Bước sang tháng thứ 4, thai nhi sẽ nhanh chóng hoàn thiện hình dáng với mắt, mũi, tai dần trở về đúng vị trí; lông mày của bé sẽ xuất hiện vào cuối tháng và những cử động mí mắt sắp xảy ra. Bộ não tiếp tục phát triển và bắt đầu có sự liên kết, kiểm soát, phối hợp hoạt động với vùng mặt và các chi; do đó ngoài cử động chân tay, mẹ cũng sẽ thấy bé sắp có những biểu cảm đầu tiên trên khuôn mặt như cau mày, nheo mắt, mút ngón tay,…
Mang thai tháng thứ 4 - 'tuần trăng mật thai kì'
Cơ thể bao phủ lớp lông tơ
Có vai trò giống như lớp màng bảo vệ giúp giữ ấm cho bé cưng, lớp lông tơ này tiếp tục bao phủ cơ thể bé và dần rụng đi khi chất béo bắt đầu được tích tụ dưới da vào những tháng cuối thai kì.
Một số cơ quan đi vào hoạt động
Tuy còn nhỏ xíu với hình hài chưa hoàn thiện, nhưng mẹ có ngạc nhiên không khi thận, gan, lá lách và tuyến tụy của con đã bắt đầu hoạt động? Vào tháng này, thận có thể sản xuất nước tiểu, gan thì tạo mật, lá lách sản sinh nhiều tế bào máu đỏ hơn và tuyến tụy cũng đã tiết một lượng insulin nhỏ. Ngoài ra, đến thời điểm này nhịp tim của thai nhi đã tăng gấp đôi rồi đấy!
Mang thai tháng thứ 4 là một dấu mốc cực kì quan trọng khi cả thai nhi và cơ thể mẹ bước sang giai đoạn mới. Hãy “tận hưởng” khoảng thời gian dễ chịu nhất trong thai kì này, nhưng đừng quên khám thai thường xuyên mẹ nhé! Tháng này mẹ cần phải làm rất nhiều các xét nghiệm để kiểm tra xem thai nhi có đang phát triển bình thường không, có gặp vấn đề gì không,…
Ngoài ra, sức khỏe răng miệng của mẹ cũng cần được chú ý, một số vấn đề về răng miệng tưởng chừng đơn giản nhưng rất dễ ảnh hưởng đến thai nhi. Chẳng hạn, các bệnh nhiễm trùng nướu răng, sâu răng,… có thể khiến em bé trong bụng bị chậm phát triển hoặc mắc dị tật bẩm sinh. Do đó, hãy chăm sóc răng miệng cẩn thận và đi khám nha sĩ khi cần thiết. 
Cuối cùng, mẹ hãy nhớ ăn uống điều độ, nghỉ ngơi đầy đủ và giữ tinh thần thật tốt để cả hai mẹ con trải qua chặng đường thứ 2 của thai kì thật suôn sẻ nhé!
Nguyệt Nga

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.