Khi công nhân trở thành tội phạm
Cục Cảnh hình sự Bộ Công an (C45) sáng 13/1 vừa bắt giữ nhóm đối tượng, gồm Nguyễn Thị Diệu (43 tuổi), Phan Công Thịnh (28 tuổi), Trần Thị Lan (39 tuổi) cùng quê Nghệ An và Nguyễn Hoàng Đạt (45 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) để mở rộng điều tra về hành vi trộm cắp và tiêu thụ tài sản trái phép do người khác phạm tội mà có.
Vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Freetrend Industrial VN (Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM).
Hàng trăm đôi giày hiệu Nike sản xuất ở đây đã bị tuồn ra ngoài, với sự “góp sức” của rất nhiều công nhân. Thậm chí, cả một băng nhóm chuyên trộm cắp giày thành phẩm đã hình thành, mà “đầu đảng” là Diệu – một công nhân, đã chỉ đạo đàn em trộm cắp và trực tiếp đứng ra thương lượng, bán giày thó được. Chúng còn lấy trộm cả các sản phẩm để làm giày như đế, mặt da, dây, tem,… Ước tính, tổng thiệt hại theo giá thị trường lên tới vài chục tỷ đồng.
Không chỉ vậy, băng nhóm này đã móc nối, hoạt động trải dài từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai ra tới Hà Nội, Hải Phòng,…
Theo lời khai của Nguyễn Thị Diệu, đối với các phụ kiện giày, công nhân nữ sẽ quấn “hàng” quanh bụng để bảo vệ không kiểm tra được. Đợi sau giờ ăn trưa hoặc lúc tan ca, chúng sẽ cất giấu dưới xe vận chuyển vật tư để đưa ra ngoài.
Đây không phải là lần đầu tiên công nhân Việt Nam bị “tóm” vì tội ăn trộm. Rất nhiều vụ đã diễn ra trước đây khiến các ông chủ, đặc biệt là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, không hài lòng và mất niềm tin vào lao động trong nước.
Bởi, trước đó, khoảng 12h ngày 19/10/2015, lợi dụng giờ nghỉ trưa, Trịnh Hồng Sơn và Trịnh Văn Khánh (cùng SN 1995) là công nhân Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, đã lấy hai hộp đựng 100 chiếc điện thoại Samsung trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Hai đối tượng này sau đó bị bắt giam và khởi tố.
Táo tợn hơn, năm 2014, những công nhân Công ty Samsung Electronic Việt Nam trụ sở tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh) còn dựng lên cả kịch bản ăn cắp. Cũng vào giờ nghỉ trưa, chúng đã lấy cắp các bản mạch điện thoại rồi vào nhà vệ sinh cất giấu. Để qua mắt lực lượng bảo vệ và máy soi, các đối tượng đã dùng giấy vệ sinh quấn bản mạch rồi nhét dưới đế giày có mũi kim loại để khi máy từ báo thì bảo vệ không nghi ngờ.
Mỗi sản phẩm lấy được chúng bán 4,4 triệu đồng. Trong vòng hơn 1 tháng, các đối tượng đã trộm cắp 333 bản mạch, trị giá hơn 800 triệu đồng.
Cũng tại công ty này, công an huyện Yên Phong từng bắt và khởi tố 3 công nhân về hành vi trộm cắp tài sản. Với thủ đoạn tương tự, các đối tượng đã lấy cắp hơn 20 bản mạch PBA, tổng trị giá gần 100 triệu đồng.
Rồi 7 công nhân Công ty Điện tử Samsung Việt Nam tháng 4/2013 đã ăn trộm 130 chiếc điện thoại Sam Sung Galaxy S3, 255 bản mạch điện thoại PBA với tổng giá trị khoảng 2,7 tỷ đồng.
Hay, khi kiểm tra kho hàng, một công ty sản xuất điện thoại tại KCN Quang Châu (huyện Việt Yên, Bắc Giang) phát hiện bị mất cắp gần 10.000 màn hình điện thoại di động đời mới, tổng trị giá gần 3 tỷ đồng. Thủ phạm là nhóm công nhân của công ty. Nhờ nắm rõ đường đi lối lại nên thống nhất kế hoạch trộm bằng cách vô hiệu camera theo dõi trước khi đột nhập.
Một thống kê buồn, chỉ mấy tháng đầu năm 2014, riêng địa bàn KCN Yên Phong (Bắc Ninh), xảy ra gần 20 vụ trộm cắp tài sản, khiến các công ty thiệt hại 2 tỷ đồng. Thủ phạm hầu hết là công nhân.
Đó là chưa kể vụ công nhân cấu kết bảo vệ trộm cắp dây đồng vào tháng 9/2012 tại Công ty Toyo Denso Hải Dương, với 10 vụ trót lọt, trị giá trên 500 triệu đồng; 4 công nhân Công ty TNHH Daiwa (Đà Nẵng) lấy trộm cần câu cá xuất khẩu hay 7 công nhân ăn cắp 21.400 cuộn chỉ trị giá 23.000 USD của Công ty TNHH ShinWon (100% vốn Hàn Quốc),…
Vấn nạn khiến ông chủ chết khiếp
Các vụ trên đều bị lực lượng chức năng bắt quả tang, đối tượng trộm cắp đã bị khởi tố và bắt giam, nhưng còn nhiều vụ việc công nhân Việt Nam tắt mắt, lấy trộm đồ khác mà đôi khi, có thể do nhỏ lẻ, giá trị hàng bị mất thấp,… hoặc vì lý do tế nhị nào đó mà các công ty xử lý trong lặng lẽ hoặc chỉ người trong cuộc mới biết.
Trong một bài viết đăng trên trang cá nhân, GS – nhà giáo Văn Như Cương cho rằng, tất cả những thói hư, tật xấu đều bắt nguồn từ “bệnh lười” mà nên. Chính từ căn bệnh lười biếng mà sinh ra những thói xấu khác như ăn cắp vặt. Coi ăn cắp như một cách đền bù đắp lại đồng lương, tăng thêm thu nhập.
Các cụ từ xưa đã đúc kết “đói ăn vụng, túng làm liều”. Một số công nhân khi nổi lòng tham, do bị lôi kéo hoặc thấy các ông chủ sơ hở, đã nảy sinh tật xấu. Ăn cắp được một lần rất dễ có lần hai, lần… n, từ món đồ nhỏ như cuộn chỉ, sợ dây đồng vài nghìn đến điện thoại cả triệu đồng. Một người ăn cắp được thì cả nhóm ăn cắp theo, dần dà hình thành băng đảng tội phạm. Điều đó là một cảnh báo không thể xem thường.
Nguồn: Theo Vietnamnet
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.