Tôi từng đọc báo và nghe người ta nói nhiều về những người phụ nữ độc lập, về xu hướng không muốn kết hôn ở một nhóm phụ nữ, và về những bà mẹ đơn thân.
Khi thực sự đến thăm nhà một trong những bà mẹ đơn thân – bình thường như bao con người bình thường khác – tôi nhận thấy rằng so với rất nhiều câu chuyện được kể ra hay tô điểm hay thêu dệt thêm, thì điều giản dị nhất của một người phụ nữ nuôi con một mình vẫn cứ là hạnh phúc vô bờ bến khi được làm mẹ và cuộc sống của người phụ nữ sau đó sẽ chuyển hướng hoàn toàn: tất cả là vì con và dành cho con.
Chị Thư hiện đang sống cùng trong ngôi nhà của cha mẹ ở gần Hồ Tây. Căn phòng của chị rộng 16 m2, vốn là đủ thoải mái cho một cô nàng độc thân. Khi có thêm bé Nadhi, chị đã thay đổi rất nhiều để duy trì được sự gọn gàng trong phòng và dành thêm không gian cho bé. Trước đây, căn phòng có tông chủ đạo là màu nâu, nay là màu trắng, vừa mang lại sự rộng rãi về mặt thị giác, vừa tạo cảm giác sạch sẽ và vui tươi hơn.
Lần đầu tiên bước chân vào, tôi cứ ngờ ngợ một cảm giác có điều gì đó “không thật”. Trong phòng có khá nhiều đồ đạc, nhưng tất cả đều như “đâu ra đấy”, chúng được bài trí như trong một showroom nội thất: ngăn nắp và im lìm. Mãi về sau, tôi mới phát hiện ra bí quyết của chị. Bằng cách sử dụng khá nhiều loại tủ lưu trữ khác nhau, căn phòng vì thế không bị tình trạng vương vãi đồ đạc. Đầu tiên là tủ đứng đựng quần áo của hai mẹ con kê ở góc tường. “Lợi hại” nhất là chiếc tủ ngăn kéo lớn kiêm kệ trang trí kê ở sát tường, được sơn toàn bộ màu trắng và có thiết kế đơn giản khiến tôi suýt không nhận ra chức năng chính của nó là lưu trữ đồ đạc. Và kia nữa, chiếc ghế nệm nhung có vẻ kiêu sa lại chính là một hộp đựng đồ rộng rãi.
Sau khi vượt qua cảm giác “bị đánh lừa” ban đầu, tôi dần dần quan sát căn phòng một cách chi tiết hơn. Trong không gian 16 m2 là đầy đủ các đồ nội thất cần thiết như giường ngủ, ghế sofa, bàn trang điểm, tủ và kệ. Còn lại là khá nhiều vật trang trí nhỏ xinh, đa số chị tự mua theo sở thích, và là quà từ những người bạn. Điểm chung của những món nho nhỏ này chúng đều mộc mạc, được làm chủ yếu từ gỗ. Chị Thư đặc biệt thích nến. Chị dành riêng một góc để bày những cây nến với nhiều hình dạng, kích thước khác nhau, mang lại sự lãng mạn và nữ tính cho căn phòng.
Giường ngủ của hai mẹ con. Chị Thư kể, chị mua rất nhiều ga trải giường. Tấm màu trắng và mỏng được chọn dùng trong giai đoạn này chắc hẳn để khiến bé dễ chịu hơn.
Tôi thích nhất là những chi tiết thêu trên mấy chiếc gối ở sofa và giường, tấm rèm thêu độc đáo có một chút phong cách “công chúa”, đặc biệt là tấm ga và khăn trải bàn trắng mà nếu đảo mắt qua có thể người ta sẽ không mấy ấn tượng, nhưng càng nhìn kỹ sẽ càng nhận ra và say mê vẻ đẹp nữ tính nhẹ nhàng, tinh tế và công phu của từng đường kim mũi chỉ trên đó.
Tấm khăn trải bàn này không còn mới, nhưng sức hấp dẫn bền bỉ đến từ vẻ đẹp vintage của nó là lý do chị yêu thích và đặt nó ở vị trí trung tâm căn phòng.
Đây là một vật trang trí rất ấn tượng. Hai chú gà được đẽo thô từ gỗ, trên lưng được đắp các mảnh gương vỡ – vừa mộc mạc, vừa lộng lẫy.
Tôi lưu lại ở nhà chị Thư khá lâu, nói với nhau về sở thích thời trang, mỹ phẩm, làm đẹp, về trang trí nhà cửa… tất cả những gì mà phụ nữ trưởng thành quan tâm và chia sẻ với nhau về quan điểm sống, sự tự do cá nhân. Cuối cùng, điều tôi ấn tượng và nhớ nhất là tâm sự của chị khi trở thành mẹ – một kinh nghiệm mà tôi chưa có và chị thì vừa mới có. Chỉ một vài câu ngắn ngủi thật lòng của chị cũng đủ khiến tôi hình dung phần nào thay đổi lớn lao trong chị từ khi có bé Nadhi. Không gian sống xinh xắn của hai mẹ con chị là minh chứng cho khả năng làm mẹ thiên bẩm của mỗi người phụ nữ. Chị đã xoay sở tài tình trong một không gian nhỏ, mà duyên nhất là giữ được nguyên vẻ nữ tính và duy trì sự sạch sẽ của một căn phòng màu trắng.
Bài và ảnh: Red