Mực nước biển sau khoảng 1 thế kỷ tăng gấp đôi so với dự đoán?

Kết quả công trình nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Đức công bố trên tạp chí Khoa học (Science, Mỹ) số ra ngày 14-12 cho biết hiện tượng khí hậu trái đất ấm lên có thể làm mực nước biển dâng nhanh hơn mức dự kiến trong thế kỷ này, và tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đối với các đại dương là “không thể lường trước được“.

Theo nghiên cứu này đến năm 2100, do nhiệt độ trái đất tăng lên, nước biển sẽ dâng cao thêm 1,44 m, tức là gần gấp đôi so với mức tăng dự đoán của giới khoa học. Nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng sẽ xảy ra ở những vùng đất thấp trên thế giới, trong khi một số khu vực như thành phố NewYork và Luân Đôn sẽ phải hứng chịu những đợt bão tàn phá. Trước đó, giới khoa học cho rằng cứ mỗi thập kỷ, mực nước biển lại dâng cao thêm 3 cm và đến năm 2100, mực nước biển có thể sẽ tăng thêm từ 9 đến

Giáo sư Stefan Rahmstorf (Ảnh: iisd.ca)

88 cm.

Trưởng nhóm nghiên cứu trên, Giáo sư Stefan Rahmstorf thuộc trường Đại học Postdam cho biết nguyên nhân khiến mực nước biển dâng lên là do sự tan băng, và tình trạng nhiệt độ trái đất ấm lên khiến tốc độ băng tan ở hai cực trở nên nhanh hơn.

* Cùng ngày, Cơ quan Sinh quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) thông báo năm 2006 là năm nóng thứ ba trong lịch sử nước Mỹ, kể từ khi nước này bắt đầu ghi nhận tình hình diễn biến nhiệt độ cách đây 111 năm (năm 1895).

NOAA cho biết nhiệt độ trung bình năm nay tại Mỹ cao hơn nhiệt độ trung bình của tòan thế kỷ 20 khoảng 1,1 độ C. Tuy nhiên, NOAA cũng cho biết đợt nóng kéo dài trong nửa tháng bảy vừa qua đã phá kỷ lục nóng nhất tại một số khu vực thuộc miền Trung và miền Tây nước Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Theo NOAA, 6 trong 7 năm nóng nhất trong lịch sử nước Mỹ đều xuất hiện từ năm 2001, và 10 năm nóng nhất xuất hiện từ năm 1995. Nhiệt độ trung bình cũng đã tăng khoảng 0,6-0,7 độ C kể từ đầu thế kỷ 20.

Trong khi đó, Trung tâm Cứu hoả liên ngành quốc gia Mỹ ghi nhận tính đến đầu tháng 12, đã có hơn 3,8 triệu ha rừng trên lãnh thổ nước này bị thiêu rụi do điều kiện thời tiết rất khô và nóng. Bản báo cáo thường niên do cơ quan này vừa công bố ngày 14-12 xác nhận mùa cháy rừng năm 2006 cũng đạt mức ”kỷ lục” trong lịch sử Mỹ.

 

Theo Người lao động