Kiên nhẫn là vàng
Tôi cứ nghĩ, một người ăn nói sắc sảo, rành mạch, có tài hùng biện như mình sẽ luôn làm người khác phải công nhận điều mình nói. Nhưng quả thực, đi làm rồi, tôi mới hiểu: người ta chỉ có thể thuyết phục được những người muốn nghe thuyết phục, chứ không thể tranh luận với những cái đầu nhất nhất cho mình đúng! Nếu cứ cố công thì rất mất thời gian và dễ “tăng xông” máu. Chưa kể nói dài, nói dai thì sinh ra nói dại, đang bực bội còn có khi lỡ lời và gặp rắc rối với cái mồm dữ tợn của mình. Chưa kể, công sở là cái “lò” đào tạo ra những ứng viên cho chức quán quân tranh luận, nên chưa chắc khi mình “găng” lên đã thắng được người ta.
Vậy nên tôi chọn cách im lặng khi người khác cứ khùng lên, “sổ” vào mặt tôi. Không việc gì phải cảm thấy tổn thương. Bởi vì với một công ty kinh doanh như nơi tôi đang làm – trừ khi đứng trước mặt là khách hàng đến giao dịch, làm ăn, thì người ta mới thi thố sự “oanh vàng” ngọt lịm. Còn lại, phía sau “hậu trường”, sếp thì luôn nói với nhân viên bằng giọng “đồ tể” nhất có thể. Và các nhân viên cũng “chém vào mặt choang choảng” nhau như mổ bò. Ai cũng căng thẳng, gấp gáp, lo lắng và mệt mỏi như nhau, nếu tôi cố sức góp thêm lời vào cái sự ồn ào ấy, thì cứ xác định viêm họng quanh năm vì gào thét.
Khi cần đàm phán, hay giải thích điều gì, tôi cứ kiên nhẫn nghe hết lời người khác nói. Dù họ có nói to đến đâu, muốn “xé xác” đến mức nào, nhưng tôi nhìn họ bằng cái nhìn kiên nhẫn thì họ cũng tự khắc “hạ nhiệt” cái cổ của mình xuống. Khi họ chốt vấn đề, như thể tôi không có thêm phương án thứ hai, hoặc ném “phạch” một phát cái đống hồ sơ như hất toẹt bao nhiêu công sức của tôi xuống đất, tôi cũng cố gắng để không “nhảy lên” cho họ thấy là tôi đối đầu.
Tôi sẽ im ắng vài giây, chừng như để nghe kỹ hơn những gì họ nói. Sau đó hơi cúi xuống nhìn vào kết quả của mình và hỏi lại bằng sự kiên nhẫn nhất trong khả năng có thể: “Theo anh/chị, em sửa theo hướng nào?”. Họ chắc chắn sẽ chỉ ra cho tôi cái cách mà họ nhất nhất cho là đúng đắn và sẽ nói theo cách tôi là kẻ phải tuyệt đối chấp hành. Tôi sẽ đề nghị tiếp: việc đó là để đạt được mục địch X đúng không chị? Nếu không đạt được mục đích X thì không thể đến được mục đích Y? Cách của em thì không cần phải đi qua X nữa… Hay là chị em mình thử lần này xem sao?
Nói chung, không phải lúc nào sự kiên nhẫn của tôi cũng có kết quả là mọi việc đi theo ý mình. Nhưng nó chắc chắn giúp những người tiếp xúc với tôi “hạ nhiệt”. Có những người nóng nảy đến mức khi nghe tôi nói, họ buộc phải đáp lời nhưng họ ném cái bút vào lọ, hoặc vò nát tờ giấy trong tay như một thái độ ngấm ngầm. Tất nhiên, đó là quyền của họ. Nhưng không để ý đến thái độ đó là quyền của tôi. Cuối cùng chỉ cần tôi giữ sự thành tâm và nghiêm túc chứ không cười cợt mỉa mai sự nóng nảy của họ, cũng không có vẻ gì muốn “trả đũa” sự bực bội của họ, tôi đều thấy rằng họ – ngay lập tức tháo bỏ cái “mặt nạ” bực bội và trở lại ôn hòa với tôi.
Học cách nói “có” thay vì nói “không”
Tôi đi du học về, có chuyên môn rất vững và cá tính rất mạnh, nên ngay từ những ngày đầu tiên ở văn phòng này, tôi luôn mạnh dạn nói “không” mỗi khi đồng nghiệp nhờ vả, hay những lúc bị sếp giao nhiều việc lặt vặt làm tôi xao nhãng công việc chính. Không ai có thể lấy thêm của tôi năm phút sau khi hết giờ. Không người nào có quyền gọi đến công ty ngày nghỉ. Không sếp nào có thể trao đổi với tôi những chuyện ngoài công việc. Tôi biết mình là nhân sự “đắt”, lại cứng cỏi, nên quả thực không ai “dám nhờn mặt” với tôi hết. Tôi sung sướng với điều này, cảm thấy mình sống thật “cao cấp” và “khoa học”.
Có điều, tôi không nhận được thiện cảm của mọi người. Ban đầu, tôi tặc lưỡi, tự nghĩ trong đầu rằng: “kệ họ”. Rằng, họ không có quyền phán xét tôi, vì dù sao cũng chỉ tiếp xúc với nhau trong vấn đề công việc, cứ đúng quy định mà làm, ôm rơm thì rặm bụng thôi. Nhưng càng về sau tôi càng nhận ra, sự việc không đơn giản như mình nghĩ. Đành rằng cảm tình của mọi người không quyết định thứ hạng trong công việc, nhưng cảm giác cô đơn của một – gái – già – cứng – cỏi, quả là không dễ dàng gì! Khi tôi ốm, mệt, không ai nghe điện thoại của tôi dù tôi chỉ muốn nhờ họ trình sếp giúp tôi bản báo cáo để sẵn trong ngăn tủ, hoặc nhập hộ tôi một phép tính cộng vào bảng tính trên máy tính. Khi tôi hỏng xe giữa đường, không ai muốn ghé qua cho tôi đi nhờ dù tôi nhắn địa chỉ và thông báo rõ tình hình đến hàng chục người.
Nhưng tệ nhất là khi phòng tôi bầu chọn trưởng phòng – vị trí mà tôi muốn phát điên lên được, mức lương của vị trí ấy đủ để tôi trả nốt số nợ mua căn nhà đang ở trong vòng một năm, thì không một lá phiếu nào bầu cho tôi. Trong cuộc họp toàn công ty, chỉ có duy nhất một ý kiến đề cử tôi, còn lại, rất nhiều ý kiến khác nói rằng tôi quá cá nhân, thiếu tinh thần hợp tác. Mọi người nói rằng không ai chấp nhặt với tôi về thái độ cả, chuyện tôi nói năng xách mé, từ chối thẳng thừng đề nghị giúp đỡ, họ “người lớn” hơn tôi nghĩ, nên không chấp. Nhưng họ cần một trưởng phòng biết gắn kết mọi người, mà tôi thì tuyệt đối không đủ sức làm điều đó.
Nếu tôi cứ ôm mãi cái đầu bướng bỉnh và cố chấp của mình, tôi sẽ nghĩ rằng công việc ở công ty này thật là “vớ vẩn”, rằng các nhân viên ở đây cực kỳ “lúa nước”. Tuy nhiên, thật may mắn là tôi đã khôn ngoan hơn mức đó. Tôi nhận ra rằng cái lời khuyên “biết cách nói không” thực ra chỉ dành cho những tình thế không thể ôm đồm hơn, hoặc dùng để “đập vào mặt” những nhân viên lười biếng và dựa dẫm. Chứ nó tuyệt đối không thể biến thành “câu thần chú” cho những người hiếu thắng, muốn ở “chiếu trên” trong công sở của mình. Hơn nữa, nhận thêm chút việc cũng là cách để học hỏi thêm những kỹ năng mà mình không có.
Lam Uyên
Xem thêm:
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.