Làm mẹ, từ trước đến nay chưa bao giờ dễ. Nhưng hình như giai đoạn hiện nay là giai đoạn phức tạp nhất bởi có quá nhiều lựa chọn, quá nhiều phong cách, quá nhiều cách nghĩ và cách làm khác nhau, đến nỗi mọi thứ trở nên nhiễu loạn! Những người mẹ hiện đại, tưởng như có nhiều kiến thức hơn, có nhiều định hướng hơn, nhiều phương án hơn, nhưng hóa ra cũng đơn độc và loay hoay hơn rất nhiều. Nhất là khi tiếp nhận thông tin từ giới truyền thông. Mọi thứ “đổ bộ” vào trí não những người làm mẹ một cách quá ồ ạt, và họ hoang mang! Tôi là một người mẹ, “đứng vững” được trước quá nhiều thông tin mà quảng cáo mang lại đã rất khó khăn, nên tôi không muốn con mình xem quảng cáo.
Từ câu chuyện về sữa, về vitamin
Dù ngày nào các chương trình quảng cáo về sữa trẻ em cũng nêu khẩu hiệu “sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”, nhưng lời nhắc nhở ấy quá mờ nhạt, thậm chí bị lấn át trước vô vàn những lời “hứa hẹn”, những hình ảnh “long lanh” của các em bé vừa cao lớn, vừa thông minh vượt trội; để rồi, bất cứ ai xem những chương trình ấy đều ước ao con/cháu mình giỏi giang như vậy. Chuyện quảng cáo thái quá tác dụng của sữa hộp, các nhà chuyên môn lên tiếng cũng nhiều. Nhưng những lời khuyến cáo từ giới chuyên môn luôn luôn kém hấp dẫn hơn những lời mời chào hấp dẫn từ quảng cáo, nhất là khi đã có quá trình nghiên cứu đánh trúng tâm lý của những người làm cha mẹ.
Bên cạnh sữa thì vitamin, thuốc bổ cho trẻ em cũng là những lời mời chào hấp dẫn. Tôi thấy xung quanh mình, trong các cuộc thảo luận của những người làm mẹ, gần như không ai không “thủ sẵn” cho con mình một lọ thuốc bổ/vitamin… Thậm chí đến những em bé to béo, khỏe mạnh vẫn không làm cho các mẹ vừa long bởi tâm lý phòng còn hơn chống, cứ “tống vào” con, “còn hơn để con ốm mới lo” – họ suy nghĩ như thể nếu không có thuốc bổ, con cái họ đều sẽ ốm đau và kém cỏi ngay vậy.
>> Xem thêm: Nuôi con “kiểu mới” và cuộc chiến của những bà mẹ cực đoan
Đến câu chuyện về phong cách sống
Tôi không định bi kịch hóa cuộc sống, không định nhồi nhét cho con mình muôn vàn ý nghĩ về những điều tiêu cực ngay từ khi còn nhỏ. Nhưng tôi cũng tuyệt đối không đồng tình với phong cách “tô hồng”, phô diễn quá nhiều về hình thức, đòi hỏi và đề cao hết mức sự hài lòng, coi sự hài lòng của cá nhân như thể đó là tiêu chí lớn nhất trong cuộc sống. Rồi niềm vui vật chất được phô trương, thậm chí khuếch đại và nhấn mạnh trong những quảng cáo đầy hình ảnh âm thanh sinh động ấy, tôi sợ sẽ làm con mình bị ấn tượng quá mạnh. Để rồi, khi những hình ảnh hào nhoáng, những sự không chân thực ấy in quá sâu, sẽ khó có thể tạo ra lối nghĩ khách quan, chân thực về cuộc sống.
Như việc, để quảng cáo thực phẩm dinh dưỡng nhanh gọn, tiện lợi cho bữa sáng, người ta để hình ảnh một em bé cầm cặp sách chạy như “ma đuổi”, xông pha, bất chấp tất cả những tín hiệu giao thông, bất chấp sự nguy hiểm của đường phố buổi sáng đang trong hồi cao điểm; bất chấp cả phép lịch sự tối thiểu khi chạy vụt qua mặt người già… Em chạy vì em dậy muộn. Và giải pháp là ngày hôm sau, em vừa đi vừa cầm hộp ngũ cốc, tu ừng ực và tiếp tục pha rượt đuổi của mình. Có thể ai đó coi những hình ảnh ấy là sáng tạo, là ấn tượng, riêng tôi thì lo lắng! Con gái 1 tuổi của tôi chỉ xem một lần đã bị ấn tượng mạnh, ngày nào cũng cầm cặp sách của bố, cúi gò lưng lao vù ra cửa rồi cười khành khạch, “giống anh bé trong TV”.
Rồi, để quảng cáo dầu gội đầu cho cả gia đình, người ta chọn một em bé mới chỉ 13, 14 tuổi, em thể hiện ước ao có được mái tóc suôn mượt trong ngày sinh nhật?! Tôi không thể hình dung, điều gì đã làm em phải quan tâm đến thế, về một mái tóc suôn mượt, giữa bao nhiêu niềm vui đáng được quan tâm khác ở lứa tuổi của em? Sao không phải một buổi picnic, sao không phải một món đồ chơi hay một điều gì đó để em vui chơi, khám phá? Mà nhất định lại là mái tóc? Một mái tóc đẹp thì cũng tốt thôi nhưng liệu vấn đề hình thức mà quan tâm đến thế với một cô bé chưa đến tuổi vị thành niên thì có phải là điều tốt cho giáo dục?
Chưa kể đôi lần, tôi không biết phải giải thích thế nào nếu con gái tôi nhìn thấy cảnh một cô gái mặc bộ đồ hở hang hết cỡ, đi qua một chàng trai, cố tình ưỡn ngực để chạm nhẹ vào mũi chàng trai mùi hương của mình, hay một cô gái trong trung tâm mua sắm cứ ưỡn người ra và ngoắc tay khiêu khích cho chàng trai đến gần… Ai đó coi đó là hiện đại?
Xã hội có thể vì lịch sự, vì tránh xung đột, vì không muốn tạo ra sự ồn ào nên người ta không chỉ trích, giáo huấn,… Nhưng “không động đến” không có nghĩa là hô hào, cổ vũ. Bởi con người luôn cần có những giá trị riêng khác với lối sống thuần túy bản năng. Và sự tôn trọng những giá trị riêng ấy cần bắt đầu từ việc chọn lựa cái cách để gây ấn tượng và tác động vào ý thức mỗi người.
Nguyên Ân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.