Mỹ phẩm ra đời như thế nào?

Di tích khảo cổ ở Ai Cập cho thấy sự hiện diện của mỹ phẩm từ 6.000 năm trước. Phụ nữ Ai Cập giàu có thường vẽ bột đồng màu xanh nhạt lên mặt để làm nổi bật đường nét. Họ dùng tinh dầu thơm và vẽ lông mày bằng loại kem chế từ mỡ cừu, chì, bồ hóng.

Ở phương Đông, các kiều nữ Trung Quốc và Nhật Bản dùng bột gạo để tạo làn da trắng mịn. Họ cạo lông mày và nhuộm răng đen hoặc vàng bằng lá móng.

Ở Hy Lạp 1.000 năm trước Công nguyên, làn da trắng màu sứ cũng được ưa chuộng. Người Hy Lạp trát phấn hoặc bột chì màu trắng lên mặt. Phụ nữ dùng son môi bằng đất sét màu nâu vàng trộn với bột sắt đỏ.

Tại Rome 100 năm sau Công nguyên, nhà triết học Platus viết: “Phụ nữ không tô vẽ giống như thức ăn không cho muối”. Phụ nữ thường đắp mặt nạ là hỗn hợp bột lúa mạch và bơ, bôi móng tay làm từ mỡ và máu.

Thời gian trôi qua, nhiều loại hình sơ khai của mỹ phẩm được con người tìm tòi sáng tạo và sử dụng rộng rãi khắp châu Âu và phương Đông, hai nền văn minh lớn của nhân loại. Thế kỷ 14, nước Anh triều đại Elizabeth coi nhuộm tóc đỏ là mốt. Phụ nữ vẫn rất yêu thích làn da trắng như tuyết. Họ bôi lòng trắng trứng gà lên mặt. Để ngăn chặn nếp nhăn, trước khi đi ngủ, họ đắp mặt nạ bằng những lát thịt bò tươi. 

Thế kỷ 15-16 ở châu Âu, mỹ phẩm chỉ được sử dụng bởi tầng lớp quý tộc. Italy và Pháp là hai trung tâm sản xuất mỹ phẩm lớn nhất. Người Pháp đạt nhiều bước đột phá trong chế tạo mỹ phẩm và nước hoa bằng cách pha trộn nhiều loại nguyên liệu. Tuy nhiên, mỹ phẩm cũng là “kẻ sát nhân” giấu mặt bởi chì và thạch tín trong thành phần của nó gây nhiều trường hợp ngộ độc.

Thế kỷ 17-18, mọi người đều dùng mỹ phẩm, trừ tầng lớp nghèo nhất xã hội. Màu son đỏ được ưa chuộng vì nó tượng trưng cho sức khỏe, hạnh phúc và giàu có.

Thế kỷ 19, người Pháp lại dẫn đầu trong cuộc cách mạng làm đẹp. Họ phát minh ra nhiều chất hóa học thay thế hương liệu thiên nhiên. Oxit kẽm được sử dụng phổ biến trong phấn thoa mặt, thế chỗ cho chì và đồng nhiều độc tố trước đây. Tuy nhiên, nhiều nguyên liệu có hại cho sức khỏe vẫn tiếp tục hiện diện trong mỹ phẩm như chì, antimony sulphit trong phấn mắt, thủy ngân sulphit trong son môi…Cái giá cho sắc đẹp quả là đắt.

Năm 1920, nước Mỹ vươn lên nhanh chóng trong việc sản xuất và tiêu thụ mỹ phẩm. Phụ nữ vứt bỏ phong cách Victoria nhợt nhạt để ăn vận theo mốt và trang điểm thật rực rỡ bởi “đẹp là hái ra tiền”. Năm 1927, thuốc nhuộm tóc được chế tạo lần đầu tiên mang lại mái tóc dợn sóng mơ ước cho phái đẹp.

Năm 1930, các ngôi sao điện ảnh Mary Pickford, Theda Bara, Jean Harlow mở đầu phong cách trang điểm mới. Làn da trắng như tuyết bị truất ngôi nhường chỗ cho làn da rám nắng sành điệu kiểu Hollywood.

Sản phẩm của hãng Max Factor

Năm 1935, hãng Max Factor tung ra mỹ phẩm đóng bánh, tiện dụng mang đi xa. Chưa bao giờ việc trang điểm lại thuận tiện cho phái đẹp như lúc này.

Thập niên 50-60 chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghiệp mỹ phẩm. Chiến tranh thế giới kết thúc, xã hội ổn định, nhu cầu làm đẹp của quý bà quý cô là mảnh đất màu mỡ cho các hãng mỹ phẩm như Helena Rubinstein, Estée Lauder, Revlon…Thị trường mỹ phẩm đa dạng, nhộn nhịp với dầu làm nâu da, nước hoa, lông mi giả, bút nước kẻ mắt. Truyền hình, báo chí tràn ngập quảng cáo sản phẩm làm đẹp.

Đến thập niên 80, công nghiệp sản xuất mỹ phẩm đã đạt đến doanh thu khổng lồ 20 tỷ USD mỗi năm. Từ đó đến nay, mỹ phẩm luôn là lĩnh vực đầu tư nhiều lợi nhuận nhất. Hàng loạt nhãn hiệu lớn nhỏ ra đời từ Âu sang Á. Ta có thể mua mỹ phẩm thật dễ dàng: ở shop độc quyền, siêu thị, trung tâm thương mại, Internet…Bước ra phố là gặp ngay các cô nàng mắt xanh môi đỏ. Có thể khẳng định rằng, phụ nữ ngày nay không thể sống thiếu mỹ phẩm, nhưng sử dụng thế nào để bản thân đẹp hơn lại là điều không dễ.

 

Theo Mỹ Phẩm