Nắng bất thường mùa đông rất dễ cảm cúm

Nắng bất thường mùa đông rất dễ cảm cúm

Mặc dù đã lập đông nhưng thời tiết những ngày này vẫn duy trì mức nhiệt cao như mùa hè. Nhiều người cho biết, nắng không gay gắt như mùa hè nhưng vẫn có cảm giác đau đầu, khó chịu. Thậm chí, đi dưới trời nắng quá lâu cũng có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Minh Châu cho biết, mặc dù thời tiết nắng, buổi trưa cảm giác nóng như mùa hè nhưng người dân vẫn phải cẩn thận. Bởi vì, sáng sớm và tối muộn vẫn duy trì kiểu tiết trời hơi lạnh của mùa thu – đông. Cho nên khi đi ra ngoài vẫn cần phải đưa thêm áo khoác mỏng, áo len mỏng để mặc khi về muộn.

Trời nắng giữa đông tạo cảm giác hanh hao, khó chịu khiến cơ thể cảm giác mất nước tăng lên. Cho nên cần đảm bảo lượng nước uống vào cơ thể. Việc uống ít nước sẽ làm ảnh hưởng quá trình hoạt động trong cơ thể đặc biệt là quá trình trao đổi chất. Cho nên, cần phải lưu ý bổ sung thêm hoa quả, các đồ ăn mát để bù lượng nước đã mất đi.

“Trời nắng nhẹ hơn mùa hè, có gió nhưng khi đi lại ngoài đường vẫn cần áo khoác nắng, che chắn cẩn thận. Bởi nắng có thể ảnh hưởng đến da và các bộ phận khác. Mặt khác, không nên đi giữa trời nắng quá lâu, tránh đi vào khoảng 10h trưa đến 2h chiều có thể gây cảm cúm hoặc say nắng”, bác sĩ Châu cho hay.

Nắng bất thường mùa đông rất dễ cảm cúm

Che ô, đội mũ cẩn thận tránh bị say nắng hay cảm cúm.

Ngoài ra, dù thời tiết như mùa hè nhưng tiết trời về bản chất vẫn là mùa thu – đông nên phải lưu ý giữ ấm cổ, miệng và họng. Khi ra đường nên đeo khẩu trang để ngăn bụi cũng như tránh gió lùa. Những chứng bệnh thường gặp vào mùa đông là viêm mũi, dị ứng mũi, bệnh xoang, bệnh viêm họng hay các vấn đề ở hệ hô hấp nên giữ ấm tay, chân, mũi, họng rất quan trọng.

Bác sĩ Châu cho hay: “Đừng nghĩ nắng nóng sẽ không mắc bệnh hô hấp. Sau khi đi ngoài đường về vẫn cần vệ sinh mũi, mắt hay súc miệng bằng nước muối. Thời tiết nắng nóng giữa mùa đông rất dễ cho các vi khuẩn phát triển, sinh sôi gây bệnh”.

Nắng giữa mùa đông thường được gọi là nắng hanh. Theo quan niệm của dân gian, kiểu nắng hanh rất dễ gây ốm đặc biệt là với trẻ nhỏ hay người có sức đề kháng yếu. Do bản chất nhiệt độ thay đổi từ lạnh, se lạnh lúc sáng sớm sang nắng nóng trưa, chiều và tối lại nhiệt độ thấp. Do đó, đi ngoài đường cần đội mũ, che ô để tránh ánh nắng chiếu thẳng vào đỉnh đầu. Với trẻ nhỏ phải đảm bảo chỗ ngủ tránh ánh nắng chiếu gây mệt mỏi hay cảm cúm.

Đề phòng say nắng

Dù nắng mùa đông hay mùa hè, nỗi lo lớn nhất thường là say nắng. Nguyên nhân của tình trạng này là do người bệnh đi dưới nắng hoặc tiếp xúc với ánh nắng quá lâu. Khi đó trung tâm điều hòa thân nhiệt sẽ bị chấn động dẫn đến mất khả năng điều hòa thân nhiệt. Ngoài ra, mồ hôi toát ra do nắng nóng dẫn đến mất nước cấp.

“Khi đi dưới trời nắng quá lâu sẽ có biểu hiện nhịp thở gấp, đánh trống ngực, mệt mỏi, tim đập nhanh, mặt đỏ, hoa mắt chóng mặt, đau đầu, chân tay mệt mỏi…“, bác sĩ Châu nói.
Cũng theo bác sĩ Châu, khi bị say nắng nếu được cấp cứu kịp thời sẽ hồi phục nhanh. Nếu không được phát hiện sẽ có triệu chứng khó thở tăng, ngã quỵ, hôn mê, sau đó dẫn đến tử vong.
– Khi gặp triệu chứng này cần phải đưa nạn nhân vào chỗ mát, nghỉ ngơi, uống bù nước đã mất.
– Chườm lạnh nạn nhân bằng khăn mát, cởi bớt cúc áo để thoáng khí.
– Tuyệt đối không cho uống nước quá lạnh hay nước đá.  Nếu sốt cao có thể dùng các biện pháp hạ sốt hay truyền nước giúp bù lượng nước đã mất.
 
Minh Minh

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.