NASA muốn đổ bộ lên thiên thạch

Cơ quan Hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) dự định sẽ gửi phi hành gia lên một thiên thạch có đường kính 40m đang di chuyển với vận tốc 45.000 km/giờ.

Nếu đổ bộ được lên thiên thạch, NASA dự định thử nghiệm thiết bị chuyển đổi băng thành nước uống, ôxy và thậm chí hyđrô để làm nhiên liệu cho tàu vũ trụ.

Thiên thạch mang số hiệu 2000SG344 này từng được xem là vật thể nguy hiểm nhất trong vũ trụ mà nếu va vào Trái đất sẽ tạo ra sức công phá gấp 84 quả bom nguyên tử, từng được ném xuống thành phố Hiroshima ở Nhật hồi cuối Thế chiến II.

Kế hoạch của NASA được xem như bước chuẩn bị dự phòng trường hợp có một thiên thạch nào đó di chuyển hướng vào Trái đất, đồng thời sẽ là nền tảng để NASA thám hiểm sâu vào Hệ Mặt trời trước khi đưa người lên sao Hỏa.

Theo một nghiên cứu sẽ được công bố vào tháng 6 tới, Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA ở Houston và Trung tâm nghiên cứu Ames ở California lên kế hoạch sử dụng tàu Orion (phương tiện mới sẽ thay thế tàu con thoi sắp về hưu vào năm 2010) cho chuyến bay khứ hồi lên thiên thạch 2000SG344, kéo dài trong 3 hoặc 6 tháng. Sẽ có 2 nhà du hành đáp xuống bề mặt thiên thạch này trong khoảng 1 hoặc 2 tuần.

Do trọng lực trên 2000SG344 gần bằng 0 nên tàu vũ trụ cần phải gắn chặt với thiên thạch, có thể bằng cách thả neo xuống bề mặt của nó. Cũng vì lý do này, các phi hành gia có khả năng sẽ không thể đi bộ trên bề mặt thiên thạch như đã từng làm trên Mặt trăng trước đây. Theo Rob Landis, kỹ sư của Trung tâm Johnson đồng thời là tác giả nghiên cứu, hành trình chinh phục thiên thạch có thể ít tốn kém nhiên liệu hơn so với chuyến bay lên “chị Hằng” nhưng sẽ đầy thách thức về mặt kỹ thuật.

Bằng việc đưa người lên thiên thạch, NASA cho rằng họ sẽ hiểu rõ hơn những tác động tâm sinh lý của phi hành gia trên những chuyến du hành dài ngày cũng như những rủi ro khi làm việc trong khoảng không sâu thẳm của vũ trụ. Những mẫu vật thu thập từ thiên thạch có thể giúp các nhà khoa học am tường hơn quá trình hình thành Thái dương hệ cũng như tìm ra phương cách làm chệch hướng những thiên thạch có khả năng đâm vào Trái đất.

Gần đây, các tính toán chính xác hơn về kích cỡ cũng như đường bay của 2000SG344 đã làm dịu bớt nỗi lo sợ về nguy cơ thiên thạch này có thể va vào Trái đất vào năm 2030. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mặc dù khả năng đâm vào Trái đất đã được loại trừ nhưng thiên thạch này vẫn sẽ bay ngang qua hành tinh của chúng ta với cự ly khá gần.

 

Theo ĐÔNG NGUYÊN (Daily Mail, Báo Cần Thơ)