Nếu không chiến thắng thỏ, biết đâu chú rùa lại chẳng hạnh phúc hơn?!

1. Con gái tôi về nhà và líu lô kể chuyện ở trường, ở lớp, về những điều bé đã học được. Tôi chăm chú lắng nghe con, khi bé đang say sưa với câu chuyện về một con thỏ và một chú rùa chạy thi. Cho đến khi kết thúc, tôi mỉm cười hỏi bé: “Con nghĩ xem câu chuyện dạy cho ta điều gì nhỉ?” Và có lẽ ở lớp cô giáo đã dạy rất kỹ, nên con tôi trả lời: “Thà rằng làm một con rùa chăm chỉ, còn hơn làm một con thỏ biếng lười. Bởi vì rùa chăm chỉ thì vẫn thắng, nhưng thỏ biếng lười thì thua. Nghĩa là con phải luôn chăm chỉ mới mong chiến thắng mẹ ạ!” 

Con đã trả lời đúng, ít nhất là theo những gì bé học được. Nhưng tôi lại thấy chưa đủ. Tôi muốn bé nhìn nhận vấn đề rộng hơn, xa hơn nữa. Bởi nếu chăm chỉ chỉ với mục đích để chiến thắng, vậy thì sau khi thua sẽ thế nào? Rồi chú rùa liệu có trở nên ngạo nghễ với chiến thắng đó? Và còn biết bao nhiêu con thỏ chăm chỉ khác, chú rùa có thắng mãi được không? Như thế, chẳng lẽ cả cuộc đời còn rùa lại chỉ biết cặm cụi chạy mãi, thi mãi, trong khi sự thật hiển nhiên là nó vẫn sẽ thua mà thôi.

Hãy để bé có thời gian tận hưởng niềm hạnh phúc của một chú rùa, thay vì phải cố gắng trở thành thỏ.

Trong khi, dù thua thì con thỏ biếng lười
vẫn có thể ăn cà rốt trên đường nó đi, ngắm hoa nở trên đường nó chạy,
biết đâu nó thấy trời đất bao la, quên béng cả cuộc đua
ấy rồi.
Trong khi con rùa thì cứ cố gắng “củ rủ cù rù” bò lên, nín thở mong
thắng cuộc. Rõ ràng là con thỏ vui vẻ và hân hoan hơn hẳn. Có nghĩa là
thắng thua mà đánh mất niềm vui, có để làm gì không?

Giá
mà rùa đừng đua với thỏ làm gì. Tạo hóa cho nó bao nhiêu là quyền lợi.
Nó có cả một ngôi nhà trên vai. Nó đi chậm nhưng dù nó ở đâu đi nữa, dù
mưa nắng đến mức nào đi nữa, dù ở địa thế nào đi nữa, nó chỉ cần thu
chân rụt cổ, thế là ngủ ngon. Đá đổ, cây đè cũng đã liên quan gì với
ngôi nhà vững chãi của nó ở trên lưng. Nếu nó sinh ra để sống thật hồn
nhiên và đi thật chậm, thì vì sao nó phải cố sức để chứng tỏ nó có thể
làm được những điều mà con thỏ đang làm.

2. Làm mẹ, làm cha, phải chăng ta đang bắt con trẻ quên đi niềm hạnh phúc của rùa để chứng tỏ mình sẽ là con thỏ. Ta dạy con về niềm hạnh phúc khi có đôi chân thoăn thoắt như loài thỏ, dạy con rằng con phải cố gắng bò nhanh. Rằng con còn nhớ không, có một con rùa đã thắng trong một cuộc chạy đua với thỏ, từ lâu lắm rồi, cái hồi mà cha mẹ chưa biết đến cuộc đời…

>>> Xem thêm:Nuôi con “kiểu mới” và cuộc chiến của những bà mẹ cực đoan

Vậy là con không biết đến niềm vui được nghịch bẩn, được chơi đùa, không biết đến niềm vui và cả cái quyền học dốt. Quyền học dốt! Quyền học dốt nghĩa là quyền cứ học dốt nếu con không thể nào có được điểm cao, thay vì cặm cũi cả ngày cả đêm bên sách vở mà kết quả chẳng khá khẩm hơn.

Và, cũng đôi khi, điểm thấp chỉ có nghĩa là con đã không làm đúng với đáp án của thầy cô giáo. Không thuộc bài chỉ có nghĩa là tối hôm qua con đã dành thời gian vẽ tặng mẹ một bức tranh nhân ngày sinh nhật, hoặc cho một đam mê, một việc ý nghĩa nào đó ngoài quyển sách giáo khoa… Vậy thôi!


Hãy để con được chạm vào thế giới này, thay vì cứ cố gắng cho một thứ viển vông.


Nếu ngồi học bài cả ngày thì làm sao con biết một cái cây ngoài ban công đang nở những chùm hoa đỏ. Làm sao con kỳ công nuôi được một chú mèo bị người ta vứt bỏ, và tin tưởng chắc chắn có một thiên thần gọi nó lớn lên. Nếu cứ phải làm theo đúng “sách vở” thì làm sao con có thời gian để chạm vào thế giới này cơ chứ, còn có biết bao điều khác đang chờ đợi để con khám phá. Con phải chạm vào thế giới này, thậm chí đớn đau, xây sát cũng được, để cảm nhận bằng cả trái tim và khối óc, và nhận ra mình muốn vươn lên, muốn cố gắng vì điều gì. Tất nhiên, khi đó vươn lên không phải theo cách chạy đua. Vươn lên là để ngày càng hạnh phúc nhiều hơn. Để làm sao có thể biết được rằng sinh ra làm con rùa đã là một niềm hạnh phúc vô cùng. Và chú rùa đó, chỉ cần cố gắng vươn lên để chính mình thấy hạnh phúc hơn, thay vì phải lo chiến thắng một con thỏ.

Hãy cứ để con làm chú rùa chân chính nhất, nếu con sinh ra là một chú rùa. Hãy để nó thong thả với những mầm cây non và mái nhà của nó. Bởi vì, ai bảo con rùa hạnh phúc mà đi chậm thì không thể kiếm tiền? Nó viết về niềm hạnh phúc được làm rùa chẳng hạn? Hoặc mở lớp dạy về cách phân biệt những mầm cây non…

3. Hôm ấy, tôi ôm con gái vào lòng và nói với bé rằng, mẹ chẳng mong con thắng cuộc làm gì, con chỉ cần cố gắng vì những điều khiến con thấy vui, hạnh phúc, những điều ý nghĩa nhất. Vì con biết không, loài rùa cũng hạnh phúc lắm con ạ!

Vậy đấy, vẫn biết trong cuộc sống, bất cứ ai cũng đều phải cố gắng mới có thể đi lên. Tôi cũng không dạy con “nằm yên tại chỗ và sống “ì”, sống kiểu hưởng thụ, nhưng tôi muốn con cố gắng một cách đúng nghĩa, và cố gắng vì mục đích tích cực – tức là giúp con hạnh phúc. Bởi chỉ khi nào sự cố gắng đó khiến con hạnh phúc, nó mới thực sự mang lại ý nghĩa.


Nguyên Ân

logo smaill

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.