Rừng là một trong những đồng minh tự nhiên lớn nhất của chúng ta trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Năm 2018, một báo cáo của Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu nêu rõ: Nếu cả thế giới muốn kiềm chế hiện tượng nóng lên toàn cầu, chúng ta sẽ phải trồng thêm ít nhất 1 tỷ hecta rừng. Đó là một diện tích bằng với nước Mỹ mà bạn nhìn thấy trên bản đồ.
Nghe có vẻ là một nhiệm vụ bất khả thi? Nhưng không, một báo cáo mới công bố trên tạp chí Science cho thấy mục tiêu đó hoàn toàn có thể đạt được. Không tính đến diện tích đất nông nghiệp, thành phố và lượng rừng hiện tại, Trái Đất vẫn còn có thể quy hoạch thêm 0,9 tỷ hecta rừng.
Diện tích này cho phép chúng ta trồng 1-1,5 nghìn tỷ cây. Lượng cây này có thể lưu trữ tới 205 giga tấn carbon, khoảng hai phần ba lượng carbon mà con người đã thải vào bầu khí quyển từ những năm 1800 đến nay.
“Trồng rừng là giải pháp đơn giản nhất để đối phó với biến đổi khí hậu. Và đó cũng là giải pháp hiệu quả nhất“, tác giả nghiên cứu Thomas Crowther, nhà sinh thái học đến từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ cho biết.
Trái Đất vẫn còn chỗ cho 1 nghìn tỷ cây xanh, nếu trồng đủ chúng ta sẽ ngăn được biến đổi khí hậu
“Rừng là một trong những đồng minh tự nhiên lớn nhất của chúng ta trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu“, Laura Duncanson, một nhà nghiên cứu dự trữ carbon đang làm việc cho Đại học Maryland và NASA cho biết.
Báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho rằng nếu có thể trồng thêm 1 tỷ hecta rừng, chúng ta sẽ ngăn được nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C vào năm 2050.
Crowther và Jean-Francois Bastin, một nhà sinh thái học khác đến từ Đại học ETH-Zurich, Thụy Sĩ đã quyết định tìm hiểu liệu mục tiêu này có khả thi hay không. Họ đã phân tích khoảng 80.000 bức ảnh vệ tinh để xác định các khu vực trên Trái Đất có khả năng hỗ trợ cho sự phát triển của các loại rừng khác nhau.
Sau đó, họ trừ đi các khu rừng hiện tại, khu vực nông nghiệp và khu vực đô thị để xác định diện tích đất trống còn lại. Kết quả, chúng ta đang có một quỹ đất lên tới 3,5 triệu dặm vuông, tương đương 9 triệu km vuông để trồng thêm rừng.
Nó cho phép 1-1,5 nghìn tỷ cây có thể phát triển đến khi trưởng thành. Đó là một con số đáng kể so với 3 nghìn tỷ cây hiện vẫn còn trên Trái Đất. Hơn một nửa diện tích đất trống này nằm ở 6 quốc gia: Nga, Mỹ, Canada, Úc, Brazil và Trung Quốc.
Kết quả chỉ ra mục tiêu phục hồi rừng của IPCC chắc chắn “khả thi trong điều kiện khí hậu hiện tại“, các tác giả viết trong bài báo. Thế nhưng, chúng ta phải hành động nhanh chóng, bởi tốc độ biến đổi khí hậu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trái Đất vẫn ở trong một quỹ đạo ấm lên. Nếu không tiến hành trồng thêm rừng ngay tại thời điểm này, quỹ đất dành cho cây xanh sẽ giảm mất 223 triệu hecta, tương đương gần một phần tư vào năm 2050.
Tham khảo TTVN, Thesciencetist, Apnews
Cánh rừng lớn thứ hai thế giới đang “nhả” lượng CO2 tích trữ cả ngàn năm ra môi trường và nguyên nhân do phá rừng
Cánh rừng nhiệt đới lớn thứ hai thế giới đang mất đi một lượng CO2 khổng lồ mà nó đã lưu trữ hàng ngàn năm. Đây chắc chắn là mối nguy không hề nhỏ đối với tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên của Trái Đất.
Lưu vực Congo là khu vực rừng nhiệt đới lớn thứ hai trên Trái Đất. Giống như hầu hết các khu vực rừng nhiệt đới khác, nó đang bị con người phá hủy nghiêm trọng. Vấn nạn phá rừng không chỉ tác động tới biến đổi khí hậu do cây xanh hấp thụ CO2 mà còn gián tiếp “nhả” lượng CO2 đã bị nhốt giữ dưới lòng đất bấy lâu nay.
Những cánh rừng sau khi bị chặt hạ và đất được chuyển đổi sang mục đích nông nghiệp, lượng CO2 lưu trữ trong đất tại đây lên đến hàng trăm, hàng ngàn năm sẽ có cơ hội thoát ra ngoài.
Đất chứa một lượng lớn CO2, nhiều hơn cả bầu khí quyển và thảm thực vật sống cộng lại. Khoảng 1/3 lượng CO2 trên thế giới đang tích trữ trong đất ở các khu vực nhiệt đới. Nhưng đây cũng là nơi đang phải chịu sự biến động mạnh nhất do hoạt động khai thác rừng quá mức của con người, tình trạng gia tăng dân số, công nghiệp và nông nghiệp. Khi những cánh rừng bị mất đi, các nhà khoa học đang tự hỏi liệu các chất hữu cơ đang phân hủy ra khí CO2 dưới lòng đất rồi sẽ ra sao.
Câu hỏi này đặc biệt liên quan đến lưu vực Congo vì nơi đây đang xảy ra vấn nạn phá rừng để mở rộng đất nông nghiệp. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học bang Florida, nếu mọi thứ không sớm thay đổi, 20 tỷ tấn CO2 lưu trữ trong đất rừng Congo có nguy cơ sẽ phát thải ra môi trường.
Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu nước sông từ 19 địa điểm ở vùng Kivu thuộc miền đông Cộng hòa dân chủ Congo, gồm nước từ các vùng rừng nguyên sinh đến các khu rừng đã bị phá hủy hoàn toàn.
Vấn nạn phá rừng và cháy rừng đang gián tiếp “nhả” lượng CO2 lưu trữ dưới mặt đất ra ngoài bầu khí quyền
Họ tiến hành phân tích carbon phóng xạ và cấu tạo hóa học của carbon hòa tan vào dòng sông chảy qua các cánh rừng. Từ đó nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá được lượng CO2 lưu trữ trong đất rừng đang bị mất đi. Theo đó trong các dòng suối chảy qua vùng rừng bị phá ghi nhận nồng độ CO2 hòa tan cao hơn khoảng 900 triệu so với các dòng suối chảy qua vùng vẫn còn rừng.
Bên cạnh đó, một lượng CO2 không nhỏ thoát ra từ đất rừng tính đến nay đã bị nhốt giữ khoảng hơn 1500 năm. Điều này chỉ ra rằng, lượng CO2 tích tụ trong lòng đất đã từ lâu và nhờ có rừng nên chúng mới không bị thoát ra ngoài. Nhưng nếu đất bị chuyển sang mục đích nông nghiệp, CO2 sẽ có cơ hội thoát ra và bay vào bầu khí quyền. Đặc biệt tình trạng xói mòn đất do nạn phá rừng cũng khiến nguy cơ phát thải CO2 từ đất ngày càng cao.
Còn quá sớm để biết được lượng CO2 bay ra từ đất là bao nhiêu và nghiên cứu chỉ mới làm rõ quá trình phát thải CO2 từ lòng đất như thế nào. Hiện nhóm nghiên cứu đang tiến hành định lượng nồng độ CO2 thải ra môi trường từ đất nông nghiệp và hoạt động phá rừng để lấy đất trồng trọt.
Nhóm tác giả nhấn mạnh, ngăn chặn nạn phá rừng bằng mọi cách là phương pháp quan trọng nhất lúc này để không làm mọi thứ diễn biến xấu hơn. Hơn hết, các quốc gia, chính phủ cần có những biện pháp trồng rừng + bảo vệ rừng bằng cách khai thác rừng hợp lý, giáo dục nông dân biết về các tác hại của việc phá rừng làm rẫy và các kỹ thuật để bảo vệ đất và chống phát thải CO2.
Tham khảo Gizmodo
Bất chấp cảnh báo, nhiệt độ toàn cầu vẫn đang trên đà chạm ngưỡng 1,5 độ C sớm hơn dự kiến do nồng độ CO2 ngày càng cao
Theo một nghiên cứu mới nhất, các nhà máy nhiệt điện, ngành công nghiệp, các tòa nhà và xe hơi trên Trái Đất đã thải ra lượng CO2 đủ để đẩy nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C sớm hơn dự kiến.
Các cơ sở hạ tầng và nguồn phát thải CO2 nếu vẫn còn tiếp tục hoạt động sẽ thải ra hơn 650 tỷ tấn CO2, con số này quá đủ để khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt qua ngưỡng giới hạn 1,5 độ C.
Mọi thứ càng tồi tệ hơn khi nhiều quốc gia vẫn đang duy trì kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than trong tương lai. Dự kiến, các nhà máy mới sẽ bổ sung thêm khoảng 200 tỷ tấn CO2 vào bầu khí quyển.
Theo kết luận của nhà nghiên cứu Dan Tong thuộc Đại học California và các đồng nghiệp khác từ Đại học Tsinghua (Trung Quốc), Đại học Stanford và nhóm giám sát ngành công nghiệp CoalSwarm: “Mức 1,5 độ C chỉ có thể giữ được với điều kiện các cơ sở hạ tầng mới không phát thải thêm hoặc tiếp tục duy trì hoạt động”.
Theo dữ liệu của Dự án Carbon Toàn Cầu công bố hồi năm 2017, thế giới hiện đang thải ra hơn 36 tỷ tấn CO2 hàng năm từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng. Bên cạnh đó còn có khoảng 5 tỷ tấn CO2 từ hoạt động thay đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là nạn phá và đốt rừng.
Như vậy tổng cộng mỗi năm con người đang thải vào bầu khí quyển hơn 41 tỷ tấn CO2.
Ước tính gần đây nhất cho thấy, nếu muốn hạn chế nhiệt độ toàn cầu đạt ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này với xác suất thành công khoảng 50-66%, chúng ta chỉ phải duy trì mức phát thải CO2 dao động trong khoảng từ 420-580 tỷ tấn và không được vượt qua con số này. Nhưng mức phát thải hiện tại, thời gian đạt ngưỡng 1,5 độ C sẽ chỉ cần khoảng 10-14 năm tới.
Trong khi đó nếu để không vượt qua ngưỡng 2 độ C, con người sẽ phải duy trì lượng phát thải trong khoảng 1.170-1.500 tỷ tấn CO2. Mức phát thải này tương đương với khoảng thời gian 28-36 năm tới. Nhưng điều đáng quan tâm là dù lượng khí thải có xu hướng giảm cách đây vài năm trước nhưng nó đang tăng trở lại.
Ken Caldeira, giáo sư tại Viện khoa học Carnegie thuộc Đại học Stanford, đồng tác giả nghiên cứu cho biết, khoảng một thập kỷ trước ông và các cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu tương tự. Tại thời điểm đó, họ tin rằng, nhiệt độ toàn cầu chỉ có thể đạt 1,2 độ C vào cuối thế kỷ này. Tuy nhiên chỉ sau 10 năm, mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng xấu dần khi nguồn phát thải CO2 ngày càng nhiều hơn.
Nghiên cứu phát hiện thấy, Trung Quốc đang chiếm tới 41% tổng lượng khí thải CO2. Trong khi đó Mỹ và Châu âu chỉ chiếm lần lượt 9% và 7%. Một điều khá lạ là Mỹ và các nước phương Tây có lịch sử phát thải khí nhà kính lâu hơn nhiều so với Trung Quốc.
Con số bất ngờ được lý giải bởi cơn khát năng lượng của Trung Quốc. Nước này đang sở hữu số lượng nhà máy nhiệt điện khổng lồ và trong tương lai, con số sẽ có nhiều hơn thế. Với việc xây dựng liên tục các nhà máy nhiệt điện mới trong suốt 15 năm qua, không khó hiểu khi lượng khí thải của Trung Quốc lại nhiều hơn cả các nước phương Tây đang nỗ lực chuyển hướng sang năng lượng xanh.
Elmar Kriegler, một nhà khoa học tại Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam ở Đức cho biết, các nhà máy nhiệt điện than và công nghiệp nặng ở Trung Quốc đang góp phần khiến cho biến đổi khí hậu thêm trầm trọng.
Nó không chỉ thuc đẩy lượng CO2 trên toàn cầu mà sẽ chịu trách nhiệm cho hơn một nửa lượng khí thải trong tương lai. Nếu chiến lược xây dựng nhà máy nhiệt điện than tiếp tục nở rộ tại các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ hay Đông Nam Á, thật khó để thế giới có thể duy trì được mức nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này.
Mặc dù vậy Kriegler cho rằng, việc khẳng định đã quá muộn để ngăn sự nóng lên toàn cầu vượt ngưỡng 1,5 độ C của nhóm nghiên cứu là chưa chính xác tại thời điểm này. Mọi thứ vẫn còn quá sớm để kết luận.
Để đảo ngược lại các tác động, chúng ta sẽ cần phải giải tán các nhà máy nhiệt điện và các nguồn gây ô nhiễm càng sớm càng tốt.
Thay vào đó, các nước phải tích cực đẩy mạnh sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời,…Thêm vào đó giới khoa học cần tích cực phát triển các cỗ máy thu giữ CO2 quy mô lớn hơn. Hiện tại dù đã có nhiều công nghệ thu giữ CO2 nhưng mọi thứ vẫn chỉ dừng ở mức độ nhỏ lẻ ở một vài quốc gia.
Nghiên cứu trên đã được đăng tải trên tạp chí Nature mới đây.
Tham khảo Sciencealert
[TIN VUI] ONE TREE PLANTED TRỞ LẠI VIỆT NAM!
Không biết các bạn có biết One Tree Planted không nhỉ? Mình hay theo dõi hoạt động của tổ chức này và thi thoảng quyên góp vào đây để trồng một hai cái cây cho vui.
Nếu bạn chưa biết đến nó, thì thế này:
– One Tree Planted là một dự án ở Canada, nhận tiền quyên góp của mọi người để trồng cây gây rừng (quyên góp bằng cách vào website của nó và đặt hàng online thanh toán bằng thẻ ngân hàng)
– 1 đô la Mỹ được bạn chuyển đến = 1 cái cây được trồng và chăm sóc trong 2-3 năm
– Bạn được chọn việc cái cây sẽ được trồng ở đâu (họ có dự án ở nhiều nước)
– One Tree Planted sẽ gửi bạn chứng nhận trồng cây qua email. Chứng nhận mang tên bạn, hoặc tên mà bạn muốn điền (ví dụ bạn trồng cây tặng sinh nhật người thân, bạn có thể tuỳ chỉnh chứng nhận đấy mang tên người thân. Mình nghĩ tặng quà cho bạn bè sinh con bằng 1 chứng nhận đứa trẻ đã giúp 1 cái cây ra đời sẽ rất ý nghĩa).
Cách đây nửa năm mình được tin rằng One Tree Planted đã không còn triển khai dự án ở VN do một số trục trặc về vấn đề đất đai. Nhưng nay dự án này đã trở lại ở Gia Lai!!! Mục tiêu của họ cho project Vietnam lần này là 20 nghìn cây. Bạn có thể vào website onetreeplanted.org để “trồng” cho Việt Nam một cái cây rừng chứ nhỉ? Họ chọn giống cây có sức sống cao và chỉ cần chăm sóc trong 2-3 năm đầu. Chứ không phải trồng mấy cây cảnh đâu.
Các bạn có thắc mắc gì về dự án One Tree Planted này thì có thể lên website của họ đọc nhé!