Công việc những ngày cuối năm thì ở công ty nào cũng tương đối bận rộn, từ làm báo cáo, họp tổng kết đến liên hoan cuối năm nào Đảng, nào Đoàn đến tất cả các bộ phận. Công ty tôi cũng vậy, từ cuối tháng trước tới đầu tháng này, nhân viên hành chính văn phòng chúng tôi khi nào cũng lao đao bận rộn vậy mà hôm vừa rồi sếp lại đưa ra một kế hoạch khiến “nhận cũng chết mà không nhận lại càng chết”. Bởi ai cũng biết tính sếp chả bao giờ chịu lắng nghe ý kiến của cấp dưới. Với ông, không bao giờ có chuyện cấp dưới góp ý với cấp trên. Lệnh sếp đã ban ra giống như tuyên ngôn, nhân viên chỉ có việc răm rắp tuân theo chứ không được phản đối hay sửa đổi gì hết.
Chuyện là, cơ quan tôi hôm nọ có tổ chức tổng kết cuối năm, như mọi năm, sau họp là buổi liên hoan toàn công ty, do phòng hành chính đặt tại nhà hàng quen. Nhưng năm nay, sếp lại nảy ra sáng kiến độc đáo “Mời toàn thể nhân viên sau họp, sẽ ăn một bữa cơm thân mật ngay tại công ty cho đầm ấm” và dĩ nhiên, phòng hành chính chúng tôi phải đảm nhiệm hậu cần. Nghe xong quyết định của sếp chúng tôi ngán ngẩm, bởi công việc nấu nướng, bếp núc cho gần 30 con người đâu phải dễ dàng.
Trưởng phòng tôi có ý kiến cứ lệ cũ mà làm, nấu nướng đâu đơn giản còn bao nhiêu vấn đề theo sau nữa. Thì sếp gạt phắt đi với giọng đầy giận dữ: “đây là mệnh lệnh, nếu phòng hành chính không làm, tôi giao cho bộ phận khác. Tất cả phòng hành chính, ghi thêm vào bản báo cáo là không hoàn thành nhiệm vụ tổ chức tổng kết”. Thấy ý sếp vẫn vậy, cả phòng tôi cũng chỉ biết lý nhí đáp “sếp yên tâm, phòng hành chính lo được”. Trước khi đi sếp còn dọa một câu “Tôi bảo sao thì cứ làm vậy chứ thắc mắc làm gì. Đừng bao giờ nhắc lại với tôi về việc này nữa”. Vâng, ý sếp là lệnh, chẳng ai dám cãi. Cả phòng tôi phân công nhau người đi chợ, người mang bếp, bát đũa… người nấu nướng để chuẩn bị cho bữa tổng kết của công ty. Công việc phải tạm gác lại và ai cũng thấy mệt mỏi, ấm ức trong lòng. Khổ nhất là chú trưởng phòng, sắp sửa về hưu rồi nhưng cũng phải tay dao tay thớt, bưng bê mệt mỏi. Trong khi các bộ phận khác thì xúng xính váy áo, phấn son, phòng hành chính của chúng tôi thì nai nịt đồ bảo hộ để làm hậu cần. Khỏi phải nói, ấm ức chẳng biết để vào đâu cho hết.
Thực lòng mà nói rằng, sếp của chúng tôi là người giỏi chuyên môn, nhưng là người bảo thủ. Bởi tính cả quyền của sếp tôi đã ngấm tận trong máu rồi. Có biết bao nhân viên cơ quan tôi phải chịu ấm ức, thiệt thòi vì sự không chịu lắng nghe của sếp. Giống như vụ liên hoan ấy, ai cũng biết nấu ăn tập thể thì vui vẻ, đoàn kết đấy nhưng vất vả, cách rách vô cùng nhưng nào ai “chống” lệnh sếp. Dù muốn hay không muốn cũng phải cố gắng mà làm. Chú trưởng phòng cũng chỉ ý kiến vì trách nhiệm công việc nhưng lại phải hứng chịu cơn thịnh nộ lôi đình của sếp.
Không những thế, mọi người ở cơ quan tôi đều ghi nhớ rằng có nhiều nhân viên bị đuổi việc, chuyển công tác vì quá thẳng thắn với sếp.
Tôi được nghe về trường hợp một nhân viên phòng kỹ thuật nhận được lệnh sếp đi công tác nửa tháng trong thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, đó lại đúng vào thời điểm “nhạy cảm” vì vợ anh chỉ vài hôm nữa là sinh mà bố mẹ hai bên đều ở xa, không có ai thân thích ở gần. Vậy là anh lên gặp sếp trình bày hoàn cảnh và mong sếp đổi người khác đi thay anh lần này. Thế nhưng, sếp không đồng ý và buộc anh phải thu xếp việc nhà. Không còn cách nào khác, anh viết đơn xin nghỉ việc trong sự tiếc nuối của cả cơ quan vì anh vốn là nhân viên rất giỏi về chuyên môn. Đến lúc ấy, sếp vẫn bảo thủ không chịu rút lại quyết định của mình.
Đó chỉ là hai trường hợp trong muôn vàn các trường hợp dở khóc, dở cười của chúng tôi về sự không chịu lắng nghe của sếp nhưng mọi người có thấy ấm ức không. Nhân viên tuy không ai dám phàn nàn với ai về việc này vì “sợ đến tai sếp” nhưng mọi người đều mong muốn: “giá như sếp đỡ bảo thủ hơn, giá như sếp biết lắng nghe và cảm thông hơn… thì hay biết mấy”.
La La
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.