Nghe Minh Hằng “mách nhỏ” mẹo xử lý bong gân

Nghe Minh Hằng

Là một ca sĩ thường xuất hiện với những màn vũ đạo vô cùng nóng bỏng, Minh Hằng phải đầu tư rất nhiều thời gian để tập luyện và chấn thương là điều không thể tránh khỏi, nhất là bong gân ở chân. Cùng xem chị ấy hướng dẫn chúng mình xử lí nó ra sao nhé!

  • 1
    Phát hiện bong gân
     
    Thật ra những ngày đầu bắt đầu tập vũ đạo, Hằng thường bị đau chân nhưng cũng không để ý đó có phải là bị bong gân không mà cứ lao vào tập tiếp nên chấn thương trở nên nặng hơn.

    Mãi sau này Minh Hằng mới biết thói quen “ham công việc” này của mình có nguy cơ để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Thậm chí, có anh bạn bác sĩ của Hằng còn cảnh báo rằng đôi chân bị “ép” làm việc quá sức khi bị thương có thể dẫn đến rạn xương, nguy cơ bị thọt rất cao nữa cơ. Thế nên từ đó, Hằng phải rất chú ý cẩn thận đó các bạn ạ!

     
    Dấu hiệu đầu tiên của việc bong gân là đau, càng đau nhiều thì chứng tỏ chấn thương càng nặng. Bên cạnh đấy bạn sẽ thấy chân kèm theo dấu hiệu phù nề xuất hiện, da vùng khớp tái nhợt, có vết bầm máu ở sâu. Nếu bong gân ở bàn chân, mắt cá chân thì thậm chí mình còn không đi nổi được nữa cơ!
    Tuy nhiên, cho dù bong gân ở vị trí nào, bạn còn đi được hay không thì mọi người tuyệt đối không được chủ quan nhá!
     

  • 2

     Trị bệnh thôi nào!

     Bong gân là chấn thương khá phổ biến ở vũ công. Đầu tiên chúng mình cần chườm lạnh bên ngoài bằng nước đá hoặc nước lạnh trong 4 giờ đầu tiên. Cách xử lý đơn giản giúp làm dịu đau, co mạch, ngưng chảy máu bên trong và chân sẽ bớt phù nề. Các bạn cũng nhớ là tuyệt đối không được xoa bóp, chườm nóng, tiêm bất cứ thuốc gì vào vùng bong gân trước khi có chỉ định của bác sĩ nhá!
     
     

    Cho dù chân có đỡ hay còn đau thì chúng mình vẫn nên đi khám để xem tình trạng thực tế ra sao. Theo như Hằng biết thì bong gân cũng được chia thành những cấp độ khác nhau. Ở mỗi mức, các bác sĩ sẽ có những loại thuốc cũng như phương pháp điều trị khác nhau đấy! 
     
    Ngoài ra, khi bị chấn thương, bạn nên hạn chế đi lại. Lúc ngủ, hãy kê cao chân bị bong gân để máu không dồn xuống chân. Cách làm này Minh Hằng học được từ những người bạn vũ công nước ngoài. Nghe đơn giản nhưng hiệu quả thì rất tuyệt vời đó nghen! Nếu bạn nào cần hoạt động gì thì tốt nhất là nên đeo bao khớp gối hay bao cổ chân để hỗ trợ thêm nhé!

    Chúc các bạn luôn biết chăm sóc cho bản thân mình đúng cách!