Tôi nghe hơn một lần, những bạn bè quanh tôi nói rằng họ muốn nhảy việc chỉ vì ghét sếp. Rằng sếp làm cho họ thấy vô cùng ức chế, thấy phát điên, thấy bị xúc phạm, thấy không thể tập trung làm việc, thấy mình bị bóc lột không phải chỉ về thể xác mà còn về tinh thần. Chưa kể, sếp còn là người khiến cho mình bị thiệt thòi về thu nhập. Biết bao nhiêu là lý do, cuối cùng, cũng chỉ quay về cái phương pháp “chốt hạ” cuối cùng là nhảy việc!
Tôi cũng đã từng phát điên vì sếp của mình! Cũng từng nguyền rủa ông ấy sau lưng. Cũng từng “nghiến răng kèn kẹt” và muốn ném vào mặt ông ta tờ đơn xin nghỉ việc. Nhưng rồi, như một “nghiệp chướng” nặng nề, tôi chưa đi ngay được. Vì hết lý do này đến lý do kia. Cuối cùng, tôi quyết định rằng mình ở lại, “bơ” tất cả những gì liên quan đến sếp. Vứt tất cả những gì thuộc về lý do cá nhân ra khỏi đầu, để thật sự chiến đấu cho công việc. Cuối cùng, tôi kết luận, bỏ đi khỏi công ty chỉ vì ghét sếp là một cái lý do lãng nhách! Làm thế chẳng khác nào thừa nhận sếp có ý nghĩa quá lớn với mình, đến nỗi mình mất cả tinh thần sống và làm việc! Hơn nữa, đâu cũng vậy thôi, đa số các sếp đều đáng ghét! Bởi vì dưới góc nhìn nhân viên, luôn cảm thấy những ưu đãi của sếp là không đủ, còn sếp thì luôn thấy sự cố gắng của nhân viên chưa có gì đáng để cảm ơn!
Tôi cho rằng những nhân viên nhảy việc vì lý do ghét sếp thực chất là những người rất khó thích nghi với hoàn cảnh, môi trường công việc. Thậm chí, nói không quá lời, họ làm việc ở đâu rồi cũng phải nhảy thôi. Bởi lẽ, nhiều khi ta không chịu thừa nhận một điều: ghét người khác chính là vì trong lòng ta còn quá nhỏ nhen. Đồng ý là xung quanh ta có vô vàn những người không tốt, họ làm ta cảm thấy bị xúc phạm, cảm thấy mất cân bằng. Nhưng suốt ngày chỉ nghĩ về một điều không tốt đến mức không thể làm việc nổi, liệu có phải là vì năng lực của ta yếu kém, hay chí ít cũng là sự kiên nhẫn, kỹ năng mềm của ta không được như mọi người?
Sẽ cần rất nhiều thời gian để một công ty định hình nên tên tuổi. Cũng như cần rất nhiều thời gian để một nhân viên chứng tỏ năng lực, phong độ làm việc của mình. Nếu ta nhảy việc ngay khi ta chán, nhất là chán sếp, thì vĩnh viễn ta chỉ là một kẻ hay nhảy việc! Và không gom góp nổi một vị trí công việc và một điều kiện sống ổn định cho mình. Nghĩ mà xem, khi ta hai mươi tuổi, ta nhảy việc lúc nào cũng được. Nhưng nếu đã ba mươi, thì vợ chồng con cái còn trông cậy vào ta mà sống. Càng về sau ta càng phải lo lắng nhiều hơn, nghĩa là phải biết cách dẹp bỏ những điều không đáng để dành thời gian, công sức cho những thứ mình cần.
Thật ra, không phải không có cách để làm cho mối quan hệ giữa bạn với cấp trên của bạn trở nên tốt đẹp. Chỉ là bạn có muốn hay không. Nhiều người luôn nói họ không cần được ông ta/bà ta yêu quý. Rằng họ ghét phải cười hề hề, bợ đỡ một kẻ kém hiểu biết, sống dựa vào tiền. Rằng họ thấy cái cách tổ chức, quản lý ấy làm thui chột những nhân tài như họ nên họ “không thèm”, được ngày nào hay ngày ấy, không thì họ sẽ đi ngay.
Nhưng quả thật, tôi cho là họ đang quá cực đoan. Rõ ràng dù bị đánh giá không hề tốt thì công ty vẫn đang hoạt động bình thường, thậm chí lợi nhuận tăng trưởng đều, có nghĩa là sếp bạn đang hoàn toàn có lý. Chắc chắn tiền không phải là thước đo chính xác nhưng những người làm ra tiền là những người không kém cỏi! Họ có thể khiến chúng ta cảm thấy bị tổn thương nhưng rõ ràng chúng ta và họ đều cần tiền như nhau.
Vậy thì không ai bắt bạn phải làm một con tắc kè hoa, chuyên hót ra những lời nịnh nọt và đổi màu liên tục, nhưng có lẽ bạn nên có một cái nhìn tích cực hơn cho câu chuyện của sếp và mình. Dù có thể không tâm đầu ý hợp đến mức yêu quý nhau nhưng ít nhất cũng không nên căng thẳng đến mức biến sự mâu thuẫn ấy làm lí do để mình ra đi. Bởi lẽ, ta đi rồi, sếp lại vui vẻ chào đón nhân viên mới, lại hào hứng khoe khoang về bề dày truyền thống công ty và có thể lại sắp xếp một khoản đãi ngộ nhiều gấp mấy lần ta, cho người mới đến! Cuối cùng thì có đáng hay không?
Không ai có thể yêu tất cả mọi thứ trên đời. Nhưng yêu thương chính mình thì được. Không ai có trách nhiệm phải lo cho ta nhưng chính ta phải lo lắng cho ta thì đúng. Bởi vậy, hãy thương mình và tìm cách để cho mình được yên!
Hương Ngân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.