Bạn vẫn nghĩ rằng “Mình không phải là người nghiện làm việc, chỉ là mình đam mê với nó thôi!” nhưng những dấu hiệu dưới đây sẽ “tố cáo” bạn đích thị là một người nghiện công việc.
Luôn có những “deadline”
Bạn luôn tự đặt ra những cái đích và bằng mọi cách bạn phải hoàn thành nó. Một công việc được lên “deadline” là tối mai thì bạn sẽ điên cuồng làm cho đến khi chốt lịch. Cái cảm giác chạy đua với “deadline” và hoàn thành được nó đúng hoặc trước hạn khiến bạn có cảm giác mình là người chiến thắng.
Từ chối mọi cuộc vui
Vì bạn luôn cảm thấy “Tại sao người ta có thể phí thời gian vào những cuộc vui vô bổ? Thời gian ấy làm được bao nhiêu việc quan trọng khác” và vì nghĩ thế nên bạn hầu như không có thời gian để vui chơi, giải trí cùng bạn bè. Những mối quan hệ của bạn chủ yếu đều liên quan đến công việc, và nếu như có đi tiệc tùng vui vẻ thì với bạn, cuộc vui đó nhất định phải có ích cho công việc bạn đang làm.
Luôn là người về muộn nhất
Bạn thường là người về cuối cùng ở công ty, bạn say sưa tới mức khi ngẩng lên thì tất cả đồng nghiệp đã về hết. Nhưng bạn không có cảm giác lạc lõng khi ở một mình và luôn là người cuối cùng rời công ty, với bạn cái cảm giác được làm việc liên tục, vận động tư duy hàng phút hàng giờ nó khiến bạn quên đi thời gian rất nhanh và không còn quan tâm đến các vấn đề khác.
Một người đúng giờ
Bạn đích thị là một người chuyên nghiệp trong công việc nên thói xấu mà bạn ghét nhất đó chính là sai hẹn. Sự đúng giờ luôn được bạn thực hiện như một chiếc đồng hồ lên dây cót, và bạn làm điều đó như một phản ứng vô điều kiện. Với bạn, khi đánh giá một đối tác hay một đồng nghiệp có chuyên nghiệp hay không thì yếu tố đầu tiên đó chính là sự đúng giờ.
Say sưa khi nói về chuyên môn
Bạn có thể không quan tâm đến các vấn đề xã hội, giải trí hay những vấn đề khác hoặc không thích nói về chủ đề đó. Nhưng có một chủ đề mà những người nghiện công việc luôn luôn nhắc tới một cách không mệt mỏi đó là chuyên môn. Ở lĩnh vực này bạn thể hiện rõ mình là một người có hiểu biết sâu rộng và đam mê, khi gặp được người đồng nghiệp, đối tác và cả bạn bè tỏ ra chú ý đến công việc của bạn, bạn sẽ nói không ngừng về nó, am tường và sâu sắc.
Sợ rảnh rỗi
Nếu như sự bận rộn luôn khiến bạn thấy mình thật hữu ích thì sự rảnh rỗi lại khiến bạn có cảm nghĩ rằng mình là kẻ thừa thãi. Kể cả khi biết bản thân đã vận động hết công suất cho công việc và cần có thời gian để nghỉ ngơi thì trong lúc rảnh rỗi ấy, bạn vẫn lôi cái máy tính ra check thông tin theo một thói quen cố hữu. Cảm giác được nghỉ ngơi không khiến bạn cảm thấy thư giãn mà luôn nghĩ mình là kẻ vô dụng.
Nếu bạn đang có hơn một triệu chứng vừa liệt kê trên đây thì xin chia buồn rằng bạn đã chớm mắc chứng nghiện công việc. Nghiện công việc là một triệu chứng nguy hại đến sức khỏe và thần kinh không kém các chứng nghiện khác. Chứng nghiện công việc khiến bạn mất cân bằng với cuộc sống và các mối quan hệ xung quanh, nếu tinh thần tập trung cao độ và liên tục sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh. Rất nhiều những người mắc chứng nghiện công việc đã phải vào bệnh viện để điều trị các chứng hoang tưởng, trầm cảm…do những áp lực đè nặng lên tinh thần. Bạn hãy nhớ, dù bạn có sở hữu thần kinh “thép” thì bạn cũng nên để cho cơ thể được thư giãn, nghỉ ngơi thì mới có thể “vận hành” thông suốt được.
Công việc, đam mê đối với một người luôn là mục đích sống nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều yếu tố để cấu thành một người thành công, đó là: Tình yêu, bạn bè, gia đình, thú vui…Một người chỉ có thể thành công nếu như họ cân bằng được cuộc sống của mình.
Diệp Anh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.