Đại học RMIT đang hợp tác nghiên cứu triển khai một loại vắcxin chống lại vi khuẩn edwardsiella ictaluri nhằm nâng cao chất lượng cá basa ở Việt Nam. Giáo sư Peter Coloe, trưởng khoa ngành khoa học ứng dụng tại Đại học RMIT đang cùng với cô Phan Ngọc Thuỷ, sinh viên theo học bậc tiến sĩ nghiên cứu vấn đề này.
Giáo sư Coloe cho biết: “Nuôi trồng thuỷ sản là một yếu tố quan trọng trong chương trình toàn cầu hoá tại Việt Nam ở cấp độ vĩ mô và cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân được quyết định bởi năng suất nuôi trồng ở cấp độ vi mô. Vì thế, RMIT muốn giúp đỡ những nhà khoa học trẻ của Việt Nam giải quyết những khó khăn và thách thức mà nông dân và ngư dân Việt Nam đang phải đối mặt”.
Giáo sư Peter Coloe, Đại học RMIT, cùng cô Phan Ngọc Thuỷ, sinh viên theo học bậc tiến sĩ, nghiên cứu các mẫu cá (Ảnh: SGTT) |
Cá con sẽ được thả vào trong nước có pha sẵn vắcxin trước khi được trả lại môi trường nuôi trồng. Vắcxin này sẽ giúp cá chống lại dịch bệnh và phát triển tốt cho đến mùa thu hoạch. Ý định của các nhà nghiên cứu là tạo ra loại vắcxin có thể cấy vào cá và làm tăng khả năng miễn dịch nhưng không gây bệnh cho chúng. Loại vắcxin hiệu quả nhất được chiết xuất từ một loại vi khuẩn còn sống nhưng được làm yếu đi để không còn khả năng gây hại, bởi chúng có thể kích thích toàn bộ hệ thống miễn dịch.
Loại vắcxin được sản xuất theo phương pháp này sẽ kéo dài thời gian miễn dịch của cá lâu hơn so với việc sử dụng loại vắcxin chiết xuất từ các vi khuẩn đã chết. Theo giáo sư Coloe, đây là biện pháp được đặt ra đối với các loại vắcxin cho động vật. Một quy trình tương tự được áp dụng để tạo ra loại vắcxin khuẩn samonella tiêm chủng cho gà và bảo vệ chúng chống lại vi khuẩn salmonella. Đây cũng là một dự án nghiên cứu khác được thực hiện tại Đại học RMIT.
Giáo sư Coloe và cô Thuỷ đang thu thập phân tích những mẫu cá từ Vĩnh Long và Cần Thơ. Họ tin rằng mật độ nuôi cá quá tải trong các hồ nuôi sẽ góp phần gia tăng sự lây truyền vi khuẩn. Họ so sánh hai hồ nuôi cá riêng biệt, một hồ nuôi 90 con trong một mét khối nước và một hồ nuôi 30 con trong một mét khối nước và cũng tính khẩu phần ăn của cá ở hai hồ. Cô Thuỷ cho biết: “Rõ ràng đối với hồ nuôi 90 con trong một mét khối nước, chất lượng nước rất kém và nguy cơ cá bị nhiễm bệnh là cao hơn. Hiệu quả chuyển hoá dinh dưỡng cũng giảm”.
Ở nhà máy chế biến cá Thanh Hùng tại Cần Thơ, cá basa và cá chỉ vàng được xuất khẩu sang Úc, vào hệ thống bán lẻ Woolworth. Khi cùng với giáo sư Coloe đến thăm nhà máy, tiến sĩ Patrick Griffiths làm việc tại Việt Nam cho biết đã tham vấn những người trong dây chuyền sản xuất bao gồm các nhà khoa học, đại diện ngành thuỷ sản, nhà chế biến và nông dân. Tất cả đều đồng ý rằng nếu không có vắcxin, người nông dân sẽ đối mặt với nguy cơ trước mắt là cá bị từ chối chế biến, và sau đó có thể bị từ chối nhập khẩu.
Giáo sư Coloe đặc biệt ấn tượng về chất lượng cao của cá tại nhà máy Thanh Hùng: “Nhà máy chế biến này rất sạch sẽ và đạt năng suất cao. Cá basa sống được vận chuyển từ thượng nguồn về bằng xà lan trong buổi sáng. Sau đó cá được làm sạch, lạng bỏ xương và đông lạnh”. Sau khi kiểm định, cá sẽ được đóng kiện gửi bằng tàu từ sông Hậu đến cảng Sài Gòn và mất khoảng 15 ngày để đến Melbourne cung cấp cho các gia đình người Úc.
Theo Sài Gòn tiếp thị