Cái lý
Sở dĩ nói không có tội bởi việc ngoại tình không được đưa vào danh sách hành vi vi phạm pháp luật nên chưa thể xử lý được thực trạng này dù rằng nó là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, đặc biệt thời gian gần đây.
Việc xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP chỉ được thực hiện với hành vi chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ đang có chồng hoặc đang có vợ chứ chưa có một văn bản pháp luật nào quy định mức phạt với hành vi “ngoại tình” hay nói thẳng là “cặp bồ” cả.
Mà nói thật, đã đến nước dọn ra ở chung với nhau thì phạt 3 triệu chứ 30 triệu cũng đâu còn nghĩa lý gì nữa vì đối với người ngoại tình, gia đình đã không còn là “chốn đi về” nữa rồi.
Theo Bộ luật Hình sự Hàn Quốc năm 1954, người nào đã có gia đình mà phạm tội ngoại tình sẽ bị xử phạt cao nhất hai năm tù. Tuy nhiên Bộ luật này cũng đã bị bãi bỏ đầu năm nay vì nhà nước quyết định không can thiệp vào cuộc sống riêng của người dân nữa.
Như vậy, nó là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức chứ không phải lỗi dân sự hay vi phạm pháp luật.
Cái tình
Trong cuộc sống, dù là “đàn bà nhẹ dạ” hay “đàn ông nặng dạ”, ai mà chả có lúc xiêu lòng. Ai dám vỗ ngực khẳng định tôi không bao giờ ngoại tình hoặc có ý định đó không? Chẳng ai nắm tay được từ sáng đến tối nên khoan hãy phán xét những người ngoại tình.
Còn nhớ, khi được mời phỏng vấn về chủ đề này, một bác nhà văn đã nói nhỏ như sau: “Ai cũng có phút giây ngoài vợ ngoài chồng nhưng đừng để… bị lộ.”
Tôi cho đó là một “chân lý”!
Bởi những người thông minh, khôn khéo thì đều “áp dụng” chân lý này. Những gia đình tưởng chừng rất hạnh phúc, mẫu mực, khiến người ngoài nhìn vào ngưỡng mộ, nhưng ai biết đằng sau nó là gì. Chẳng phải có câu nói “Nằm trong chăn mới biết chăn có rận” hay sao?
Ngoại tình mà được giữ kín kẽ thì trong mắt mọi người họ vẫn là những con người ưu tú, tài năng, được cả xã hội tôn trọng. Chỉ cần không ai biết thì dù thực chất họ có “xấu xa” đến đâu đi chăng nữa, công việc, cuộc sống và cả những mối quan hệ đều tốt đẹp như không có chuyện gì xảy ra. Như vậy chẳng tốt hơn là công khai hết ra cho thiên hạ soi mói à? (Trừ những trường hợp họ cố tình làm thế vì mục đích nào đó).
Bởi xét cho cùng, những câu chuyện như thế này dù có nóng đến đâu đi chăng nữa thì cũng sẽ có lúc nguội, mọi người nói chán thì thôi, người trong cuộc bị gắn mác một thời gian rồi cũng sẽ yên ổn với cuộc sống mới, chỉ có những đứa trẻ mới là người chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Tất nhiên mỗi người có một quan điểm sống khác nhau, không thể nói người này đúng người kia sai được. Nhưng chi bằng hãy cứ để chuyện ngoại tình là chuyện của 3 (hay 4) người tự giải quyết với nhau êm đẹp, còn hơn là để cho thiên hạ dèm pha, buông những lời lẽ cay độc và có thể kéo theo nhiều hệ lụy khác nữa.
Vì vậy, chuyện ngoại tình là chuyện của người ta, đừng có phán xét như thể “mình nằm dưới gầm giường nhà họ vậy”. Chỉ có người trong cuộc mới biết rõ sự tình ra sao, họ nên làm thế nào. Và người trong cuộc ấy, nếu có lỡ “ngoại tình”, hãy kín đáo tế nhị chứ đừng lộ liễu.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Khoản 1 Điều 48 Nghị định số 110/2013 của Chính phủ ngày 24/9/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (có hiệu lực từ ngày 11/11/2013):
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;”
Nguồn: Theo Người đưa tin
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.